Tin liên quan
> Công ty thứ hai bị rút phép xuất, nhập xăng dầu
> Tước quyền nhập xăng dầu của Tổng công ty Hàng hải
> Vũng Tàu tước giấy phép 2 doanh nghiệp xăng dầu
> Hoa hồng thấp, hàng loạt cây xăng đóng cửa
Vì đâu nên nỗi rút phép, đóng cửa ?
Trong tháng 3, các vụ việc về tình trạng doanh nghiệp đầu mối xăng dầu rời bỏ thị trường liên tiếp được công bố.
Trong một cuộc họp về tình hình nhập khẩu xăng dầu cách đây 2 tuần tại Bộ Công Thương, Vinalines (Tổng công ty hàng hải Việt Nam) đã bị cảnh báo nghiêm khắc về tội bỏ thị trường đúng lúc khó khăn. Ngay tại cuộc họp, hình phạt dành cho đơn vị đầu mối này đã được chốt: không được quyền nhập khẩu xăng A92 và dầu diezen 0,05S, chỉ còn được nhập dầu diezen 0,25S và dầu madut phục vụ cho hoạt động hàng hải.
Thực chất, hình phạt dành cho Vinalines hãy còn ở mức nhẹ nhàng. Trên thực tế, không phải Vinalines mới bỏ thị trường chỉ trong hai tháng đầu năm, mà tình trạng nhập khẩu ì ạch, thiếu hạn mức đã diễn ra từ năm 2008. Thậm chí, đã có lúc, doanh nghiệp này không nhập hoàn toàn.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải, chủ quản của Vinalines đã có "lời" xin tạo điều kiện cho Tổng công ty Vinalines tái cơ cấu. Bộ Công Thương chấp thuận lời đề nghị trên nhưng sau 3 tháng, đơn vị xăng dầu hàng hải này vẫn không cải thiện tình hình, vẫn tiếp tục không nhập hàng, kể cả hàng xăng dầu nội địa từ nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Nhiều ý kiến cho rằng, bản thân Vinalines đã gặp khốn khó về tài chính từ trước, đặc biệt là sau khi nhận đội tàu cũ từ Vinashin chuyển sang. Điều này đã cộng hưởng bối cảnh bất lợi suy giảm ngành vận tải biển trong 2 năm qua dẫn tới kết quả kinh doanh toàn Tổng công ty lỗ trong năm 2011. Vinalines trở thành là một trong bốn tổng công ty, tập đoàn có kết quả lỗ năm qua. Với nền tảng khó khăn toàn diện như vậy, mảng kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu của tổng công ty bị ngưng trệ là tất yếu.
Các chuyên gia từ Bộ Công Thương cho hay, trường hợp Vinalines sẽ còn tiếp tục phải theo dõi và giám sát cho cả năm 2012. Để đi đến việc tước hoàn toàn quyền nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ phải xin ý kiến Thủ tướng.
Tuy nhiên, Vinalines không phải là trường hợp duy nhất bị "kỷ luật".
Các vụ DN xăng dầu ngừng nhập liên tục bị công bố. |
Chỉ 3 ngày sau cuộc họp trên, ngày 15/3, PetroMekông (Công ty CP dầu khí Mekông )chính thức bị thu hồi giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu theo Quyết định của Bộ Công Thương.
Trên thực tế, đây lại là ý nguyện từ chính PetroMekông. Do thua lỗ, không đủ tiềm lực tài chính để trụ vững, cuối năm 2011, công ty này đã đệ đơn xin Bộ Công thương cho rút chân ra khỏi lĩnh vực xuất nhập khẩu xăng dầu. Đến nay, PetroMêkông đã sát nhập vào hệ thống của Tổng công ty dầu Việt Nam (PVoil) và chỉ còn làm nhiệm vụ phân phối xăng dầu trong nước.
Trường hợp thứ 3 cũng bị Bộ Công Thương nhắc nhở nhiều lần, được cho là yếu kém không khác gì Vinalines, PetroMêkông là Tổng công ty xăng dầu Quân đội. Cũng vì nhập khẩu thiếu hạn mức quy định, có dấu hiệu bỏ rơi thị trường.
Năm 2011, lãnh đạo Bộ Công Thương đã phải sang làm việc trực tiếp với Bộ Quốc phòng về sự đình trệ này. Biện pháp tái cơ cấu duy nhất cho xăng dầu Quân đội sau đó là điều chuyển cơ quan trực tiếp quản lý, từ trực thuộc Tổng Cục hậu cần sang trực thuộc thẳng Bộ Quốc phòng.
Tuy nhiên, các vấn đề tồn tại từ xăng dầu Quân đội vẫn tiếp tục diễn ra. Đó là việc gian lận pha methanol tại một cây xăng trực thuộc ở quận Cầu Giấy đã bị Cục Quản lý chất lượng hàng hóa phát hiện hồi giáp Tết Nguyên đán. Trong 2 tháng đầu năm, hạn mức nhập khẩu xăng dầu mà đơn vị này thực hiện cũng không đáng kể.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không cải thiện nghiêm túc việc nhập khẩu xăng dầu, nguy cơ công ty này sẽ bị rút phép là hoàn toàn có thể xảy ra.
Lợi dụng cơ chế
Ông Vương Đình Dung, Giám đốc Công ty xăng dầu Quân đội vẫn khẳng định rằng: "Không phải vì lỗ mà chúng tôi không nhập. Do đặc thù của ngành quốc phòng, quý I phải "đổi hạt" dự trữ xăng dầu, công ty phải ưu tiên bán xăng dầu tồn trữ trong kho quốc phòng trước nên lượng nhập khẩu bị giảm. Do đó, quý I mọi năm, xăng dầu Quân đội bao giờ cũng nhập ít hơn".
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, lý do trực quan nhất là các doanh nghiệp đầu mối đều đang gặp trục trặc về tài chính, thậm chí chịu lỗ tới hàng nghìn tỷ đồng. Khó khăn bủa vây, việc vay ngoại tệ và vay mượn nói chung ở các ngân hàng bên ngoài đều không dễ dàng, kể cả mua hàng trả chậm đối với các đối tác nước ngoài cũng không thuận lợi. Điều này tất yếu ảnh hưởng tới nguồn.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp xăng dầu đều hết sức chật vật để duy trì nguồn cung, đảm bảo lượng dữ trữ bắt buộc 30 ngày và hệ thống phân phối của mình. Rõ ràng, doanh nghiệp nào khỏe còn có thể gượng được, doanh nghiệp nào yếu thì sẽ không thể gượng được. Như thực tiễn vừa qua yếu nhất chính là 3 doanh nghiệp trên, liên tục vi phạm Nghị định 84, bắt buộc Bộ Công Thương phải xử lý mạnh tay.
Một trong những lý do để Bộ Công Thương yên tâm khi rút phép mà không lo ảnh hưởng cung cầu, đó là đã có thêm 3 doanh nghiệp khác gia nhập thị trường gồm Nam Việt Oil, Công ty Cổ phần hóa dầu Quân đội và gần đây nhất là Công ty Cổ phần vận tải thủy bộ Hải Hà vừa được cấp phép. Đây là lực lượng gánh đỡ cho phần hạn mức nhập khẩu xăng dầu của các đơn vị bị rút phép trên.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn có thể "túm tóc" được Tập đoàn xăng dầu Việt Nam Petrolimex, ép doanh nghiệp này phải nhập đủ trong mọi tình huống thua lỗ, gánh thi phần mà các doanh nghiêp nhỏ bỏ thị trường để đảm bảo lưu thông toàn ngành. Thậm chí, ngay cả doanh nghiêp lớn khác như PV Oil, có lúc nhập thiếu hạn mức cũng buộc Petrolimex đứng ra gánh thay.
Kịch bản đáng lo ngại đang diễn ra trên thị trường nhảy cảm này: các doanh nghiệp thường kêu lỗ, đòi tăng giá và sẵn sàng bỏ rơi thị trường, đóng cửa không bán hàng.
Giới kinh doanh xăng dầu cho rằng, đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện mà trong đó, điều kiện đặc biệt nhất là phải bán hàng liên tục trong mọi trường hợp, kể cả lỗ. Do đó, khi đã xin cấp phép kinh doanh mặt hàng này thì đồng nghĩa, các doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận quy đinh ngặt nghèo của cuộc chơi. Khi không đảm bảo được, vi phạm quy định thì doanh nghiệp bị rút phép, xử phạt là đúng.
Song thẳng thắn khách quan có thể nói rằng, khi doanh nghiệp muốn đầu tư kinh doanh thì chỉ muốn phát triển, mở rộng chứ không ai mong muốn điều ngược lại, để xảy ra nông nỗi đóng cửa và bị rút phép. khi bị lỗ thì động thái đầu tiên theo quy luật thị trường là doanh nghiệp sẽ cắt lỗ, ngừng kinh doanh mặt hàng.
Trong câu chuyện trên, Petrolimex nếu đứng ra gánh thêm hạn mức nhập khẩu khi mà càng nhập, càng lỗ, chẳng qua là tình thế "cực chẳng đã", vì nhiệm vụ Nhà nước giao chứ chưa hẳn vì doanh nghiệp này 'giàu manh hơn doanh nghiệp khác.
Đây là một bài học lớn cho chính cơ quan quản lý Nhà nước về điều hành xăng dầu hiện nay. Suy cho cùng, để xảy ra tình trạng công ty đóng cửa, bị rút phép, phải chăng do chính cơ chế không rõ ràng đẩy doanh nghiệp vào thế khó, hay do các doanh nghiệp vô trách nhiệm, thấy khó mà bỏ của chạy lấy người?
Theo VEF