Những ngày ngoạn mục của tỷ giá

Thứ sáu, 30/03/2012, 10:53
Đã 13 tuần liên tiếp, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đứng yên ở mức 20.828 VND/USD. Ngân hàng Nhà nước tăng cường mua ngoại tệ, có ngày hơn 100 triệu USD.

Có vẻ như tỷ giá đang hưởng lợi từ kết quả chống lạm phát cũng như sự chênh lệch lãi suất “đô - đồng”.


Ba yếu tố ổn định tỷ giá

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 07, nhà điều hành yêu cầu trạng thái ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại buộc phải đưa về từ mức +/-30% xuống +/- 20% vốn tự có thì lập tức, tỷ giá trên thị trường đánh sóng lên ít ngày nhưng bị chìm ngay bởi hàng loạt yếu tố hỗ trợ nguồn cung.

Theo số liệu từ nhóm phân tích một ngân hàng thương mại nhà nước, trong tuần từ 19 - 23/3, quy mô dao dịch ngoại tệ trên thị trường khá sôi động với khối lượng mua bán tăng khoảng 30% so với tuần trước đó, đạt mức lớn nhất kể từ đầu năm.

Trong 5 ngày nói trên, dù tỷ giá đột ngột bứt phá lên mức 20.950 VND/USD nhưng nhanh chóng lùi về 20.900 VND/USD và đến 29/3, tiếp tục đà giảm sâu về mức mua bán lần lượt là 20.800 VND và 20.860 với mỗi USD.

Theo một cán bộ chuyên kinh doanh ngoại tệ của ngân hàng nói trên, có 3 nguyên nhân chính khiến cho tỷ giá ổn định trong thời gian khá dài, mà đầu tiên là sự hỗ trợ của yếu tố tâm lý.

Ngay từ đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tuyên bố: mức điều chỉnh tỷ giá cả năm 2012 không quá 3% và đó được coi là thông điệp mang tính định hướng mà thị trường rất chờ đợi.

Thứ hai, cộng hưởng với yếu tố tâm lý, các kênh ngoại tệ trên thị trường được khơi thông một cách tích cực. Phân tích lực cung cầu ngoại tệ cho thấy: về phía cầu, mặc dù nhu cầu ngoại tệ cho trả nợ và nhập khẩu đến hạn có tăng chút ít nhưng nhìn chung, lực yếu khi giảm từ 15% - 17% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn nhu cầu ngoại tệ chỉ đến từ nhập khẩu xăng dầu, vận tải, ôtô…

Một yếu tố khác hỗ trợ lực cầu là nhu cầu mua bù đắp trạng thái ngoại tệ âm từ một số ngân hàng thương mại được nhóm nghiên cứu nói trên ước tính 100 triệu USD sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 07.

Sở dĩ như vậy là do trước đây, nhiều ngân hàng thương mại để trạng thái ngoại tệ âm quá sâu, nay Ngân hàng Nhà nước siết chặt lại trạng thái, họ không thể bán ra nhiều như trước trong khi dòng ngoại tệ tương lai của họ yếu nên buộc tăng mua để đáp ứng đúng quy định.

Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng cho 6 đơn vị với tổng khối lượng khoảng 600 kg, tương đương 30 triệu USD cũng là sự hỗ trợ cho lực cầu.

Tuy nhiên, những yếu tố hỗ trợ phía cầu bị chặn đứng bởi một số yếu tố hỗ trợ phía cung mà trước hết là nguồn cung dồi dào từ các doanh nghiệp xuất khẩu được duy trì ở mức rất cao, bình quân trên 150 triệu USD/ngày. Cùng đó, chênh lệch lãi suất “đô - đồng” trong biên độ ước 8% - 10% đã khiến cho bên nắm giữ ngoại tệ tiếp tục bán ra rất mạnh, một mặt để lấy tiền đồng kinh doanh, chi trả; mặt khác, gửi ngược vào ngân hàng.

Thêm một nguồn cung nữa, đó là khi tỷ giá tăng mạnh trong vài ngày, trái ngược với xu hướng nhiều ngân hàng thương mại mua vào để thu hẹp trạng thái ngoại tệ âm thì một số đơn vị khác nhờ có nguồn thu ngoại tệ tương lai tốt đã mạnh dạn bán ra nhiều hơn, chấp nhận mở rộng trạng ngoại tệ âm để chốt lời.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước đã thu hẹp dần khoảng cách giá vàng trong nước và quốc tế và cùng một số chính sách sắp ban hành như quy định sản xuất, kinh doanh vàng miếng, sửa đổi pháp lệnh ngoại hối, đã làm cho kỳ vọng về thị trường vàng dịu lại đáng kể, giảm mức độ kích hoạt lên cầu ngoại tệ.

Những mối lo không mơ hồ

Tỷ giá ổn định, tất nhiên Ngân hàng Nhà nước được hưởng lợi đầu tiên. Theo cập nhật của nhóm nghiên cứu, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước mua vào một lượng lớn ngoại tệ. Có những ngày, nhà điều hành mua vào từ 60 - 70 triệu USD. Xu hướng này kéo dài cho tới nay, khi có những ngày nhà điều hành mua hơn 100 triệu USD. Và khi dự trữ ngoại hối tương đối rủng rỉnh, nhà điều hành còn “đỏng đảnh” trước những lời gạ bán của ngân hàng thương mại.

Một chuyên gia phân tích: tỷ giá ổn định như hiện nay thực ra được hưởng lợi khá nhiều từ chính sách thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát và giảm tổng cầu. Bởi thế, những người điều hành tỷ giá rất lo nếu phải nới lỏng tiền đồng.

Sự lo lắng này không phải không có lý khi giới phân tích đang hình thành những xu hướng trái ngược nhau. Một bên cho rằng, Chính phủ nên tiếp tục kiên định thực hiện Nghị quyết 11: giảm tổng cầu để ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát; còn bên kia là sự la ó lãi suất cao, khó tiếp cận vốn, nhất là giữa lúc Tổng cục Thống kê công bố GDP quý 1/2012 chỉ đạt 4%, giảm 2% so với quý 4/2011 và giảm 1,6% so với cùng kỳ 2011.

Vị cán bộ chuyên kinh doanh ngoại tệ nói trên cho rằng, nền kinh tế đã đổi mới được 20 năm và đã đến lúc phải cơ cấu lại. Vấn đề không chỉ ở con số tăng trưởng 4% hay bao nhiêu mà chính là tăng trưởng thực chất.

“Đừng nhìn vào mấy chục nghìn doanh nghiệp phá sản mà loạn cả lên. Thà chấp nhận số lượng doanh nghiệp ít đi nhưng chất lượng tốt hơn", ông này nói.

Mối lo thứ hai đến từ dòng tiền nóng. Theo giới phân tích, kinh tế vĩ mô hiện nay đang duy trì được đà ổn định: lạm phát được kiềm chế mức thấp, tỷ giá bình lặng, trong khi chênh lệch lãi suất "đô, đồng" gần 10% là những tiền đề cần thiết để dòng tiền nóng từ các nhà đầu tư nước ngoài dần trở lại Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư, mặc dù lưu lượng của chúng hiện mới chỉ dăm triệu USD mỗi ngày.

Lý giải hiện tượng này, một số cán bộ kinh doanh ngoại tệ ở các ngân hàng phân tích: trong khi lãi suất USD chỉ 2%/năm, lãi suất trái phiếu Chính phủ khoảng trên 11%/năm, những nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng bỏ tiền mua trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp và rút nhanh sau vài ba tháng.

Điều nguy hiểm là khi dòng ngoại tệ nóng chảy vào, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải mua vào và cung tiền đồng ra thị trường. Và đến khi họ rút nhanh, tỷ giá lập tức chao đảo; đồng thời, thị trường trái phiếu sẽ sụt giảm theo, ảnh hưởng đến mức độ tín nhiệm của nền kinh tế

Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích
  • Chợ Giá - Thị trường ngoại tệ, tài chính, ngân hàng