Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng,
mặt bằng LS nên để thị trường tự điều chỉnh
thay vì áp mức trần như hiện nay.
Nên để thị trường tự điều chỉnh
Nỗ lực hạ LS huy động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xuống 13%/năm chưa lâu thì tình trạng đua lách trần tái diễn với hình thức lộ liễu hơn, tinh vi hơn. Thị trường vẫn chưa thể thoát được sự méo mó dù cơ quan quản lý đã khá mạnh tay, thưa ông?
Điều này tôi cũng đề cập trong cuộc họp Thủ tướng tham vấn với các chuyên gia kinh tế ngày 25/3. Hiện chúng ta đã giảm trần LS đầu vào 1%, từ 14% xuống còn 13%/năm nhưng vẫn xảy ra hiện tượng xé rào LS một cách tinh vi. Nếu tình trạng này cứ kéo dài không khéo sẽ lại đẩy các NH vào cuộc cạnh tranh không lành mạnh.
Do đó, việc lách trần LS trong thời điểm này, đối với riêng tôi, cảm thấy thực sự đau lòng.
- Giữa hai luồng ý kiến nên bỏ và giữ trần LS như hiện tại, quan điểm của ông thế nào?
Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này, vì chúng ta cứ quy định trần LS nhưng lại không thể giám sát được thị trường. Thanh tra NHNN dù có vào cuộc nhưng cũng không thể dẹp được hết. Nên bây giờ chỉ còn cách thả nổi để LS tự do.
Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng và các chuyên gia, tôi có đề xuất thẳng: việc tự do hóa LS và bỏ trần LS là cần thiết và phải đi kèm với những quy luật của thị trường. NH nào đưa ra mức LS khủng thì sẽ phải chịu hậu quả từ sự phá rào của mình.
Một lần nữa chuyện bỏ hay giữ trần LS huy động lại được xới xáo
Có thể lúc này LS sẽ bật lên mức 18-19% nhưng rồi sau một thời gian thị trường điều chỉnh, LS sẽ về mức quân bình giữa cung – cầu. Tuy nhiên, để đạt được điểm LS này cần điều kiện cần và đủ là tất cả các NH phải được đặt vào môi trường cạnh tranh, NH tốt sẽ phát triển, ngược lại những NH nào quá yếu sẽ bị đào thải, hoặc thậm chí cho phá sản.
Khi lòng tin của người dân được củng cố, họ sẽ đặt câu hỏi với những NH huy động giá vốn cao: liệu các NH này sức khỏe có ổn định? Họ sẽ quan tâm tới nội lực bên trong NH đó thay chỉ vì nhìn vào bề nổi như hiện nay.
Khó giảm nhanh LS cho vay
- Mục tiêu giảm LS huy động đầu vào của NHNN là để giảm LS đầu ra. Nhưng nhiều NH cho rằng, rất khó để giảm nhanh LS do lạm phát vẫn còn rình rập. Quan điểm của ông như thế nào?
LS huy động đã giảm xuống 1%, có kéo được LS cho vay giảm nhanh hay không thì phụ thuộc vào 2 lý do. Thứ nhất, chi phí vốn của các NH không giảm nhiều, trên nguyên tắc là giảm 1%, nhưng thực tế còn cao. Khi mà NH huy động giá vốn đầu vào trên 14%/năm thì làm sao họ có thể giảm LS cho vay xuống 14-16%/năm được. Các NH không thể tự bắn vào chân mình.
Ngoài ra, chi phí vốn còn cao do việc cạnh tranh, đẩy mặt bằng LS cho vay xuống trong lúc này NH chưa thực hiện được.
Thứ 2, nếu từ nay tới cuối năm lạm phát dưới 10% thì LS 13% là thực dương. Đó là mong muốn của nhà quản lý, nhưng thị trường có thực như vậy? Dân chúng có tin hay không? Nếu người dân vẫn chưa có lòng tin thì họ cho rằng LS 13% chưa phải LS thực dương, mà lạm phát có thể lên 16-17%. Vì thế, người dân vẫn luôn thích gửi ở NH có mức huy động trên 13%/năm.
- Có nghĩa muốn giảm nhanh LS phải dẹp bỏ được hành vi vượt trần, tháo gỡ khó khăn thanh khoản và dẹp nợ xấu trong hệ thống, thưa ông?
Có 4 điểm cần lưu ý đối với hệ thống NH hiện nay: Tính thanh khoản; nợ xấu của NH; cấp tín dụng cho các DN đặc biệt là các DN vừa và nhỏ; hệ thống NH hiện tại đang hỗ trợ lĩnh vực BDS như thế nào.
Về thanh khoản của toàn hệ thống đã khá ổn định, nhưng trong một phân khúc thị trường nào đó thì chưa. Điều này thể hiện rất rõ qua việc "rộ" lên hiện tượng vi phạm trần LS của các nhà băng thời gian qua.
Thanh khoản và nợ xấu liên quan chặt chẽ với nhau. Chính nợ xấu khiến cho nhiều NH mất thanh khoản. Nếu là nợ tốt thì NH có thể quay vòng vốn nhanh, có tiền để trả cho khách hàng mỗi khi đến kỳ đáo hạn tiền gửi. Ngược lại, nếu là nợ xấu thì dòng vốn đó chạy vào "hố đen", một đi không trở lại.
NH không có vốn để trả cho khách hàng gửi tiền đến kỳ đáo hạn, buộc lòng họ phải chạy đôn chạy đáo vào thị trường 1 bằng cách đẩy LS lên thật cao để có nguồn tiền mới, rồi lại quay sang thị trường 2 chấp nhận vay LS cao để có tiền trả khách hàng gửi tiền. Thành ra, nợ xấu và thanh khoản là 2 mặt của một vấn đề, gốc rễ sâu xa của vấn đề này là quản lý đồng tiền trong hệ thống tài chính NH chưa hợp lý.
Theo infonet