Tìm lời giải cho việc thay CEO của các ngân hàng

Thứ năm, 29/03/2012, 14:32
Thời gian qua, dư luận được phen xôn xao trước việc các ngân hàng lần lượt thay giám đốc điều hành (CEO). Không phải ngẫu nhiên mà có sự trùng lặp trong việc các ngân hàng nối đuôi nhau thay lãnh đạo. Vậy, sự thật sau những vụ “thay tướng” đó thực chất là gì?

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) mới đây đã bổ nhiệm ông Simon Morris làm tổng giám đốc mới thay cho ông Nguyễn Đức Vinh.

Sự việc tương tự cũng diễn ra tại TienPhong Bank khi tổng giám đốc ngân hàng này đã từ bỏ vị trí, để trống “ghế nóng”.

Mới đây nhất, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa thông báo về việc HĐQT ngân hàng này đã ra nghị quyết chấp thuận đơn xin từ chức tổng giám đốc của ông Lê Hồng Phong. Vị trí tổng giám đốc hiện tại của LienVietPostBank được giao cho ông Phạm Doãn Sơn, trưởng ban Kiểm soát của LienVietPostBank

Không chỉ những ngân hàng nói trên, theo Tiền Phong, một loạt các ngân hàng khác như ABBank, VIB, Maritimebank, BaoVietBank cũng đã thay CEO hoặc đang trong quá trình chờ hoàn tất quy trình bổ nhiệm tổng giám đốc mới.
 


Thời gian qua, nhiều CEO ngân hàng rời "ghế nóng" (Ảnh minh họa)


Nói về việc thay CEO mới, ông Nguyễn Đức Hưởng, phó chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank, cho biết: “Việc thay đổi CEO này có liên quan đến đường hướng của ngân hàng trong thời gian tới. Anh Phong là người có kinh nghiệm, chúng tôi cần cho một lĩnh vực quan trọng khác”.

Lĩnh vực mà ông Hưởng muốn nói đến có thể là việc quản trị rủi ro? Theo ông Hưởng, trong giai đoạn tới, ngân hàng rất quan tâm đến những nhìn nhận, phân tích phòng ngừa rủi ro và việc có một CEO với nhiều thế mạnh trong lĩnh vực này sẽ có những tích cực nhất định.

Về việc một số ngân hàng thay CEO ngoại, một chuyên gia tài chính NH cho rằng,  CEO nước ngoài sẽ tập trung vào công việc quản lý rủi ro, phát triển NH thay vì nhiều vấn đề nhạy cảm khác mà các CEO nội đang mắc phải.

Trước “trào lưu” thay lãnh đạo của các ngân hàng trong thời gian qua, các chuyên gia cũng rút ra ba điểm chung:

Thứ nhất: CEO nước ngoài tham gia vào điều hành nhiều hơn lúc trước, thay vì ngồi ở ghế HĐQT.

Thứ hai: Ngân hàng đã dần tin tưởng vào các lãnh đạo kế nghiệp trẻ hơn, với không ít CEO thuộc thế hệ 7X.

Thứ ba: Một số ngân hàng cẩn trọng hơn trong bối cảnh thị trường diễn biến phức tạp, đã chọn tổng giám đốc có xuất thân từ nghiệp vụ chính là kế toán, để kiểm soát hoạt động tốt hơn.

PGS - TS Hoàng Trần Hậu, phó giám đốc Học viện Tài chính cũng cho rằng: “Đang vào mùa đại hội cổ đông, HĐQT các ngân hàng sẽ phải chịu nhiều sức ép. Hơn thế, các ngân hàng đã qua một giai đoạn phát triển nóng và thời điểm này họ cần phải cẩn trọng. Việc họ sử dụng những CEO có nghiệp vụ kế toán, kiểm toán giỏi cho thấy đã đến lúc họ cần những người có khả năng kiểm soát rủi ro”.

Tuy nhiên, bất kỳ sự việc nào cũng có tính chất hai mặt của nó. Vì thế, theo ông Hậu, đôi khi kinh doanh phải chấp nhận mạo hiểm và việc thận trọng sẽ đi kèm với có thể mất cơ hội.

Việc thay tổng giám đốc điều hành là điều tối kỵ đối với các doanh nghiệp. Điều này dẫn đến những tiêu cực không đáng có khi nhiều cổ đông, khách hàng đặt ra nhiều nghi vấn. Vì thế, khi thay đổi lãnh đạo, các ngân hàng cần chủ động và thông tin minh bạch đến tận khách hàng.

Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn