Báo NTNN đã phản ánh việc Bộ Công Thương xem xét cấp hạn ngạch đợt 1 cho các doanh nghiệp nhập khẩu 53.000 tấn muối, gây rất nhiều bức xúc cho diêm dân. Sau bài báo, đại diện Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Báo NTNN về vấn đề này.
|
Hạn ngạch đợt 1 là 53.000 tấn mới chỉ là dự kiến, vì BCT cho rằng còn quá ít so với nhu cầu của doanh nghiệp hóa chất. |
Thiếu muối nên phải nhập
Giải thích lý do phải cấp hạn ngạch nhập khẩu muối, ông Lưu Hoàng Ngọc- Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho rằng: "Việc cấp hạn ngạch nhập khẩu muối được thực hiện từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Sở dĩ phải có hạn ngạch là để chúng ta đảm bảo duy trì sản xuất muối trong nước".
Theo ông Ngọc, từ năm 2007, Việt Nam bắt đầu cho phép cấp hạn ngạch thuế quan cho 150.000 tấn muối và theo cam kết mỗi năm sẽ tăng thêm 5%. Như vậy, theo đúng cam kết, đến năm 2012 này, hạn ngạch được cấp là 192.000 tấn, song Bộ Công Thương đã thống nhất với Bộ NNPTNT chỉ cấp hạn ngạch nhập khẩu 102.000 tấn.
"Thực tế, cả năm 2011, chúng tôi cũng chỉ cấp hạn ngạch cho các doanh nghiệp sản xuất hóa chất 38.000 tấn muối, còn lại các doanh nghiệp phải nhập ngoài hạn ngạch trên 150.000 tấn" - ông Ngọc cho biết.
Cũng theo ông Ngọc, việc nhập khẩu muối không ai cấm, doanh nghiệp muốn nhập ngoài hạn ngạch cũng được, nhưng sẽ phải chịu mức thuế suất lên đến 60%. Ông Ngọc nói thêm: "Sở dĩ, năm nào chúng ta cũng phải nhập khẩu muối, vì trong nước không làm được muối chất lượng cao phục vụ cho y tế và các doanh nghiệp sản xuất xút. Rất nhiều lần họp bàn với Bộ NNPTNT, chúng tôi có mời các doanh nghiệp sản xuất muối trong nước, nhưng họ đều không có mặt, nên thực sự không biết phải bàn như thế nào".
Về trách nhiệm của Bộ Công Thương đối với việc nhập khẩu muối, ông Ngọc nói: "Theo chức năng quản lý nhà nước, Bộ NNPTNT phải lo việc sản xuất, đầu tư cho ngành muối, còn chúng tôi chỉ lo khâu thương mại, trong nước không có muối thì phải nhập khẩu. Nhưng từ trước đến nay, cứ mỗi khi có chủ trương nhập khẩu muối là dư luận lại đổ lỗi cho Bộ Công Thương. Chúng tôi rất buồn về điều này".
Còn tồn “1.100 tấn!”
Giải thích việc cấp hạn ngạch nhập khẩu 53.000 tấn muối, bà Lương Ánh Quỳnh - Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: "Trước khi cấp hạn ngạch, chúng tôi đã xin ý kiến của Bộ NNPTNT, Bộ Tài chính và con số 53.000 tấn mới là dự kiến để xem xét, còn thực chất đến thời điểm này, Bộ Công Thương vẫn chưa chính thức cấp hạn ngạch nhập khẩu muối của năm 2012. Nếu có cấp, cũng chỉ mới cấp đợt 1, còn chưa biết có cấp đợt 2 hay không. Đây là số lượng rất nhỏ so với tổng nhu cầu sử dụng 280.000 tấn của các doanh nghiệp hóa chất".
Trả lời phóng viên NTNN về việc sau khi cấp hạn ngạch cho các doanh nghiệp nhập khẩu muối, Bộ Công Thương có biện pháp gì để quản lý việc sử dụng sản phẩm đúng mục đích, ông Lưu Hoàng Ngọc khẳng định: "Chúng tôi sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp nhập khẩu muối được cấp hạn ngạch. Doanh nghiệp phải sử dụng đúng mục đích, không được trao đổi, buôn bán dưới mọi hình thức".
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tính đến cuối tháng 3, cả nước đang được mùa muối, tổng sản lượng ước tính gần 215.000 tấn (bằng hơn 157% so với cùng kỳ năm 2011), trong đó sản lượng muối công nghiệp đạt 68.400 tấn. Cũng theo Bộ NNPTNT, tổng lượng muối còn tồn cả nước đến thời điểm này là 111.100 tấn, riêng vùng ĐBSCL tồn 87.700 tấn.
Theo Trung tâm Tin học- Thống kê (Bộ NNPTNT), giá muối trên cả nước đang có xu hướng tăng và giữ ở mức hợp lý có lợi cho diêm dân. Cụ thể, giá muối tại miền Bắc từ 1.200 - 2.800 đồng/kg; tại Nam Trung Bộ, giá muối sản xuất thủ công từ 900-1.400 đồng/kg, giá muối sản xuất công nghiệp từ 1.000 - 1.100 đồng/kg. Ở ĐBSCL, muối đen và vàng từ 700-1.000 đồng/kg; muối trắng từ 1.100 - 1.500 đồng/kg.
Ông Lương Ngọc Lân- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu cho rằng: "Trước khi quyết định cho nhập khẩu muối, đáng lẽ các bộ, ngành phải cân đối thật kỹ lượng cung- cầu, và cần hỏi ý kiến các địa phương. Ngành muối mấy năm nay khó khăn lắm, muối ế mà còn cho nhập thêm thì giá muối càng giảm, đời sống diêm dân vô cùng khó khăn".
Theo Dân Việt