Thời trang cho hàng thủ công Việt Nam

Thứ sáu, 30/03/2012, 10:48
Từ đây, dưới góc nhìn của người làm thực tế, chúng tôi xin muốn nói thêm một bất cập lớn khác của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam hiện tại: Thời trang!.

Đọc bài "Từ xe đạp tre ngoại nghĩ về cây tre Việt Nam" đã khiến chúng ta liên tưởng tới vấn đề nóng của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam như tác giả phân tích là "đang trong cảnh bí đầu ra - xa đầu vào - loay hoay tìm lối thoát". Từ đây, dưới góc nhìn của người làm thực tế, chúng tôi xin muốn nói thêm một bất cập lớn khác của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam hiện tại: Thời trang!.
 

Đẹp nhưng không thời trang

Nếu ai từng theo chân các DN sản xuất và XK hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam tham gia một số hội chợ thường niên về hàng thủ công mỹ nghệ và gia dụng lớn ở nước ngoài như: Hội chợ Tendence-Lifestyle - Hội chợ thường niên về hàng gia dụng lớn nhất thế giới - tại thành phố Frankfurt (Đức) hay Hong Kong Houseware, hội chợ đồ dùng gia đình lớn nhất của châu Á tại Hồng Kông cùng các DN Việt Nam thì mới thấy được những "đoạn trường ai có qua cầu mới hay" khi xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt.

Qua thăm dò ban đầu, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng sơn mài, hàng mây tre đan mang đặc trưng dân tộc đã thu hút nhiều sự quan tâm của khách hàng đến từ châu Âu và châu Mỹ. Tuy nhiên, mặt chưa được của các doanh nghiệp Việt Nam là chưa có thương hiệu, các mặt hàng tuy phong phú nhưng thiếu sự lựa chọn, chưa có sự nghiên cứu thấu đáo về thị hiếu người tiêu dùng và xu hướng giá cả thị trường.

Các doanh nghiệp vẫn dừng lại ở mức "cung cấp cái ta có", chưa hoàn toàn tiến tới "cung cấp cái thị trường cần".


Nên hàng thì rất đẹp, rất cầu kỳ nhưng chỉ để trầm trồ và ngắm thôi còn để mua hàng thì cần nhiều hơn về sự tiện dụng và tính sáng tạo thì ta lại đang thiếu. Vì thế, nhìn chung, các doanh nghiệp vẫn dừng lại ở mức "cung cấp cái ta có", chưa hoàn toàn tiến tới "cung cấp cái thị trường cần".

Thủ công mỹ nghệ ì ạch mãi vươn đến cái đích kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD. Đó là một thành công. Nhưng thành công đó không thể che dấu được cái thiếu thiếu nhất của chúng ta là tính sáng tạo. Trong đó, sáng tạo mẫu, hay còn gọi là ngành công nghiệp thời trang của hàng thủ công mỹ nghệ Việt đang được xem là khâu yếu nhất.

Họa sỹ Nguyễn Liên Phương Tổng giám đốc LP Việt Nam, người từng đoạt nhiều giải thưởng thiết kế sáng tạo ý tưởng uy tín của Việt Nam như "Golden V" hay các giải thưởng khác của quốc tế, đã định nghĩa như sau: "Sáng tạo mẫu sản phẩm được hiểu một cách đơn giản là tạo ra cái đẹp mới, mang ý nghĩa thời trang. Ngày nay trên thế giới khái niệm thời trang (fashion) được hiểu rất rộng. Thời trang không chỉ là quần áo, giày dép, nữ trang mà còn là phương tiện sinh hoạt (bàn ghế, đồ trang trí trong nhà), phương tiện giao dịch (điện thoại, ô tô) và rất nhiều thứ liên quan đến cuộc sống con người!".

Sáng tạo mẫu sản phẩm cho hàng thủ công mỹ nghệ cũng phải mang ý nghĩa thời trang mới mong bán được nhiều hàng. Một sản phẩm dù đẹp, được chế tạo cầu kỳ, thậm chí tinh xảo nhưng không mới cũng rất ít người mua. Một sản phẩm không cầu kỳ, thậm chí giản dị nhưng đem lại cho người tiêu dùng sự cảm nhận thời trang hay đúng hơn là mới, đẹp và phù hợp thì mới bán rất chạy!.
 

Nghệ nhân hay nhà thiết kế giỏi

Khi nói đến sáng tạo mẫu cho hàng thủ công mỹ nghệ, đối tượng hay được nhắc đến là các nghệ nhân. Tuy nhiên, ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt có khả năng tạo mẫu ở một mức độ nào đó, đa phần các nghệ nhân là những người có bàn tay khéo léo và có kỹ thuật cao. Họ thường phô diễn thế mạnh này, và kết quả là sản phẩm làm ra rất trau chuốt, cầu kỳ, nhưng phần lớn lại thiếu tính mới, tức thời trang!

Bởi tạo mẫu sản phẩm là một hoạt động sáng tạo, là một nghề mang tính chuyên nghiệp và phải được đào tạo. Họa sỹ tạo mẫu hay họa sỹ thiết kế (designer) phải được trang bị một cái nền mỹ thuật cơ bản. Họ có thể tạo ra những dòng sản phẩm mới, thậm chí cả một xu hướng tiêu dùng mới làm thay đổi bộ mặt một ngành nghề, thúc đẩy công nghệ sản xuất phát triển. Mà điều đó thì rất ít nghệ nhân có thể làm được.

Ngày nay, nhiều nước phát triển tự hào có những nhà tạo mẫu tài năng, mà tên tuổi của họ đã thành một tài sản lớn của quốc gia. Ở Việt Nam, ngoại trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi nhìn chung chưa có một  đội ngũ tạo mẫu có trình độ cao trong lĩnh vực hàng thủ công mỹ nghệ và lĩnh vực thời trang nói chung.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam phần lớn là thiếu tính mới, tức thời trang!


Đầu tư, cho việc đào tạo các họa sỹ tạo mẫu có trình độ chuyên nghiệp là sự đầu tư khôn ngoan và ít tốn kém nhất để giúp cho ngành thủ công mỹ nghệ phát triển. Nhưng không phải ai cũng hiểu và làm được như thế. Hệ lụy tất yếu là sản phẩm làm ra của chúng ta cũng rất thiếu sức sống và khó bắt kịp với những đòi hỏi của thời cuộc.

Tại những hội chợ chuyên ngành hàng thủ công mỹ nghệ tại Đức, hay HongKong mà các DN Việt Nam "đem chuông đi đánh xứ người", không khó để nhận ra những yếu kém rõ rệt của chúng ta  so với các nước bạn, thậm chí là trong khu vực.

Phần lớn gian hàng Việt Nam mẫu mã quá đơn điệu, cũ kỹ và các sản phẩm giống hệt nhau. Và năm này qua năm khác, chúng ta cứ mang đi những chum, vại Bát Tràng, những túi cói Kim Sơn...để rồi lại mang về, bởi không cạnh tranh nổi với những sản phẩm cũng là thủ công mỹ nghệ nhưng thời trang và hiện đại hơn nhiều của Ý, của Pháp, thậm chí của Trung Quốc!

Một hiện tượng khác cũng không thể không lưu ý, nếu như một số quốc gia ở châu Á như Nhật, Trung Quốc bao giờ đối tượng đi tiên phong tại các hội chợ luôn là các họa sỹ, nhà thiết kế để cảm nhận, thậm chí "copy" những ý tưởng sáng tạo mẫu mã mới từ các trào lưu hàng thủ công mỹ nghệ trên thế giới để về ứng dụng cho qui trình sáng tạo, sản xuất của mình.

Chẳng thế, tại những hội chợ ở nước ngoài người ta sợ nhất những tay "đầu đen" - tức người châu Á đi hội chộ, hàng thì không mua cứ nhăm nhăm máy ảnh để chụp trộm mẫu mã!. Thì ở Việt Nam, ngoại trừ một số đơn vị hiếm hoi học theo cách này, thành phần các DN, tổ chức được cử đi hội chợ chỉ là những người có chức vị (cao thì Giám đốc, phó giám đốc, thấp hơn thì cũng là trưởng phó phòng) hay các chuyên viên về tiếp thị, bán hàng -nghĩa là những đối tượng ít có khả năng tiếp thu những ý tưởng hay,  mới về mẫu mã của thiên hạ để cải tạo sản phẩm của mình theo chiều hướng tốt dần lên.

Tất nhiên, ngành công nghiệp thời trang tạo mẫu sản phẩm mới chỉ là một trong nhiều yếu tố cấu thành để tạo nên một ngành thủ công mỹ nghệ có thương hiệu, đẳng cấp. Bởi trên phương diện cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt hiện nay, còn những yếu tố không kém phần quan trọng khác mà các DN sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cần triển khai đồng bộ như chiến lược xây dựng, thương hiệu, tạo các kênh phân phối...

Tuy nhiên, chừng nào ngành công nghiệp tạo mẫu còn tiếp tục khoác cái áo cũ kỹ, thiếu tính thời trang, sáng tạo thì hàng thủ công mỹ nghệ Việt rất khó bay xa, bay cao...
 

Theo VEF

Các tin cũ hơn