Ảnh minh họa.
Chấp nhận “đi đêm”
Khi nói chuyện hạ lãi suất cho vay và tiếp cận vốn vay giá rẻ, giám đốc một chi nhánh Vietcombank “quân sư” cho phóng viên tìm hiểu thông tin từ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi câu chuyện vay vốn của nhóm DN này mới “muôn màu muôn vẻ”.
“Các DN, tập đoàn lớn là khách hàng truyền thống của ngân hàng, và họ luôn tham vấn ngân hàng trước khi mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc thay đổi quy mô vốn. Ngân hàng cũng sống gắn bó với DN, nên việc vay trả của khách hàng truyền thống là việc luôn được các ngân hàng hết mực quan tâm” – vị này nói.
Trong khi lãi suất huy động đã quy định mức trần, thì lãi suất cho vay vẫn đang trên nguyên tắc thỏa thuận, và do quy mô và tùy vào từng món vay, kỳ hạn mà mỗi ngân hàng có khung riêng. “Các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV lãi suất cho vay khoảng từ 17,5% - 18,5%/năm, tùy vào từng món vay, trong khi các ngân hàng nhỏ hơn lãi suất xung quanh 20 – 22%.
Thế nhưng, trong khi vay ở các ngân hàng nhỏ khá dễ dàng và luôn được chào mời, cùng với thủ tục đơn giản hơn, nhưng chúng tôi sẵn sàng “đi đêm” để vay được ở các ngân hàng lớn.
Bà Hoàng Tuyết, một người có nhiều kinh nghiệm “va chạm” với ngân hàng, phụ trách mảng tài chính ở một DN chuyên về cơ khí ở Thanh Hóa tiết lộ - “Trong bối cảnh người khôn của khó, tính cả 1% chi phí “đi đêm” đã thành luật bất thành văn, thì mức lãi suất vay ở các ngân hàng lớn vẫn còn thấp hơn ở các ngân hàng nhỏ, mà DN thì bớt được phần trăm nào tốt được phần ấy”.
Nhưng cả khi chấp nhận “đi đêm”, nhưng để “lọt mắt xanh” của các ngân hàng lớn không phải chuyện dễ. DN phải chứng mình được lịch sử tín dụng tốt, dự án khả thi và khoản thế chấp có tính thanh khoản. “Ở góc độ của mình, ngân hàng phải đảm bảo khoản vay đó là khoản vay an toàn” – vị giám đốc chi nhánh chia sẻ.
Đã khó, càng khó hơn
Nguyên tắc thỏa thuận lãi suất cho vay căn cứ trên lãi suất cơ bản do Nhà nước quy định đã được hệ thống ngân hàng thực hiện từ rất lâu, và dù hợp đồng vay vốn là hợp đồng dân sự, trong đó các bên có quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ ngang nhau, nhưng trên thực tế, trong thỏa thuận vay vốn, chẳng mấy khách hàng có cơ hội “nắm đằng chuôi”. “DN phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn của ngân hàng. Có những thời điểm, được vay là tốt rồi, không dám “dìm” lãi suất” – bà Hoàng Tuyết nói.
Là chủ một DN may chuyên gia công hàng xuất khẩu đi châu Âu, bà Nguyễn Thị Kim, Giám đốc Cty may Kim Anh (KCN Tây Bắc Ga, Thanh Hóa), cho hay, trong khi giá đơn hàng gia công giảm, thì các chi phí sản xuất đều tăng.
“Công ty vay vốn chủ yếu của BIDV, và đã trải qua những đợt hạ lãi suất vay, từ 23%/năm xuống còn 18,9%/năm, giờ là 17,8%/năm. Trong bối cảnh khó khăn này, những chi phí tiết kiệm được từ hạ lãi suất ngân hàng, chúng tôi dành để tăng quỹ lương cho công nhân, nhằm giữ chân họ. Thực tế, để DN làm ăn có lãi, mức lãi suất lý tưởng DN kỳ vọng chỉ là 12 – 13%/năm”.
Ở một góc độ khác, Công ty cổ phần dụng cụ thể thao Delta, DN sản xuất dụng cụ thể thao 100% xuất khẩu, nằm tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) là khách hàng truyền thống của Sacombank, Vietcombank… với quy mô hàng ngàn nhân công lại nhìn nhận việc tăng giảm lãi suất cho vay dưới góc độ sự quan tâm và đồng hành của ngân hàng với DN.
“Từng là khách hàng truyền thống của Sacombank, nhưng DN đã lựa chọn cả Vietcombank chi nhánh Thanh Hóa để cùng làm ăn, bởi ngân hàng đã thực sự quan tâm đồng hành cùng DN.Vietcombank đã có chế độ ưu đãi lãi suất cho DN chúng tôi tới 3 – 4% so với ngân hàng khác, và điều này không dễ đợt hạ lãi suất nào đạt được. Công ty có điều kiện giảm chi phí kinh doanh để dành nguồn tiền đó bổ sung vào các quỹ khác” – ông Nguyễn Tiến Đức, Giám đốc Nhân sự Công ty Delta - chia sẻ.
Một vấn đề mà DN quan tâm là, đồng hành cùng DN, ngân hàng không
chỉ hạ 1 – 2% lãi suất, mà còn giảm chi phí sản xuất cho DN bằng việc rút gọn thủ tục hành chính, tăng tỷ lệ cho vay đối với tài sản thế chấp và đánh giá giá trị tài sản “thị trường” hơn, có lợi cho người vay. “DN nhỏ và vừa kỳ vọng sự đổi mới của hoạt động ngân hàng để một ngày nào đó, DN nhỏ và vừa cảm thấy vị trí của mình bình đẳng hơn trong giao kèo vay vốn” – bà Hoàng Tuyết bày tỏ.
Theo PLVN