TP.HCM: Tăng tốc 2 dự án metro

Thứ sáu, 30/03/2012, 07:27
Tuyến metro số 2 sẽ “về đích” cùng lúc với tuyến metro số 1 vào năm 2017.


Tin liên quan
> Gần 50.000 tỉ đồng cho giao thông TP.HCM


Năm nay, ngoài việc tăng tốc cho tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1), Ban Quản lý (BQL) Đường sắt đô thị TPHCM cũng tiến hành lựa chọn nhà thầu, thu xếp vốn đầu tư cho tuyến metro số 2 Thủ Thiêm - Bến xe Tây Ninh (giai đoạn 1: Bến Thành – Tham Lương) và tuyến metro số 5 Cầu Sài Gòn - Bến xe Cần Giuộc mới (giai đoạn 1: Ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn).

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tại buổi lễ khởi công tuyến metro số 2


Metro số 1: Bắt đầu “lên cao”

Tuyến metro số 1 dài tổng cộng 19,7 km, trong đó đoạn đi ngầm dài 2,6 km (từ ga Bến Thành đến ga Ba Son) và đoạn đi trên cao dài 17,1 km (từ ga Ba Son đến depot Long Bình). Tổng kinh phí dự án này là 2,49 tỉ USD, tương đương 47.325 tỉ đồng, bằng nguồn vốn vay từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Tháng 2-2008, BQL Đường sắt đô thị TPHCM đã khởi động dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên bằng việc khởi công depot Long Bình ở quận 9. Ông Lê Khắc Huỳnh, Phó trưởng BQL Đường  sắt đô thị TP, cho biết hạng mục xây dựng depot này đã hoàn tất. Hiện BQL đang dồn sức thực hiện 3 gói thầu chính của dự án.

Theo ông Huỳnh, BQL Đường sắt đô thị TPHCM sẽ ký kết hợp đồng với nhà thầu xây dựng 17,1 km đi trên cao (gói số 2) vào đầu tháng 4-2012. Còn gói số 1 (đoạn đi ngầm 2,6 km) do không đủ nhà thầu tham gia nên BQL đang làm thủ tục để mời thầu lại, dự kiến đến năm 2013, thi công đoạn này. Gói thầu số 3 cung cấp thiết bị cơ điện, đường ray, toa xe dự kiến cũng sẽ được ký kết trong tháng 5-2012.

Ông Huỳnh cho biết mặt bằng dự án đã được giải phóng khá nhiều, hiện chỉ còn vướng một ít ở quận 1, Thủ Đức và tỉnh Bình Dương. Mới đây, UBND TPHCM đã yêu cầu quận 1 bàn giao mặt bằng cho BQL đường sắt đô thị TP vào tháng 7-2012 và tháng 8-2012 đối với quận Thủ Đức, riêng Bình Dương dự kiến bàn giao vào tháng 6-2012. Đây cũng là khoảng thời gian mà hạ tầng kỹ thuật trên tuyến được di dời hoàn chỉnh. Hiện nay, cơ quan chức năng đang đàm phán hiệp định vay thứ hai với JICA.

“Với tốc độ này, chúng tôi có thể cho vận hành chạy thử tuyến metro số 1 vào năm 2017” - ông Huỳnh phấn khởi.


Metro số 2: Đi sau về trước

Tuyến metro số 2 Thủ Thiêm – Bến xe Tây Ninh dài gần 20 km, được tách thành 2 giai đoạn đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1 xây dựng trước đoạn Bến Thành - Tham Lương, giai đoạn 2 đầu tư đoạn Bến Thành – Thủ Thiêm và Tham Lương – Bến xe Tây Ninh.

Vào tháng 8-2010, BQL Đường sắt đô thị TPHCM đã khởi công xây dựng depot Tham Lương (quận 12), cũng như giai đoạn 1 Bến Thành - Tham Lương. Tổng vốn của giai đoạn 1 khoảng 1,374 tỉ USD từ nguồn hợp vốn của Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Cuối năm 2010 và đầu 2011, cả 3 ngân hàng này đã ký kết các hiệp định vay đầu tiên dành cho dự án. Dự kiến đến quý III/2012, Việt Nam sẽ nhận thêm khoản vay 500 triệu USD từ ADB.

Ông Lê Khắc Huỳnh cho biết BQL Đường sắt đô thị TPHCM đang thực hiện khá nhiều gói thầu liên quan đến công tác tư vấn, xây dựng tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương, rà phá bom mìn… Về việc giải phóng mặt bằng, BQL đã bàn giao hồ sơ ranh, mốc cho 6 quận liên quan, gồm: 1, 3, 10, 12, Tân Phú, Tân Bình. Theo thống kê, có 444 hộ dân và cơ quan, đơn vị phải bàn giao mặt bằng cho tuyến metro số 2.

“Tuy được đầu tư sau tuyến metro số 1 nhưng nếu theo đúng tiến độ này thì tuyến metro số 2 sẽ hoàn thành song song với tuyến số 1, nghĩa là cũng được vận hành chạy thử vào năm 2017” - ông Huỳnh nói.

Bên cạnh 2 tuyến metro chủ lực trên, BQL Đường sắt đô thị TPHCM cũng thu xếp vốn đầu tư giai đoạn 1 tuyến metro số 5 Ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn. Dự án này có tổng vốn 834 triệu euro (khoảng 19.653 tỉ đồng), trong đó, vốn ODA của Chính phủ Tây Ban Nha khoảng 500 triệu euro. Hiện BQL Đường sắt đô thị TP đang tìm nguồn vốn bổ sung cho dự án (khoảng 167 triệu euro) từ các tổ chức tín dụng đa phương và song phương khác như EIB và Cơ quan Hợp tác Phát triển Pháp (AFD), phần còn lại là vốn đối ứng trong nước.


Theo Người Lao động

Các tin cũ hơn