Trụ sở Bianfishco (Ảnh minh họa).
Theo đó, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB cho biết, Bianfishco đang có số tiền vay nợ tại ACB là 62 tỷ đồng. Theo hợp đồng vay, tài sản thế chấp là toàn bộ nhà xưởng, máy móc.
Theo đánh giá, tài sản thế chấp này có giá trị lớn hơn nhiều lần so với khoản dư nợ. “Vì vậy chúng tôi tự tin rằng khả năng thu hồi nợ của ngân hàng tại Công ty thủy sản Bình An là hoàn toàn có thể”, ông Hải nói.
Trước đó, trong lần trao đổi với Đất Việt, đại diện ACB từ chối tiết lộ tài sản thế chấp trong hợp đồng vay vốn của Bianfishco trước ngày diễn ra Đại hội cổ đông thường niên.
Như vậy, với tài sản thế chấp của ACB tại Bianfishco là nhà xưởng, máy móc, thì hiện có tới ít nhất 2 - 3 ngân hàng cùng chung tài sản thế chấp này tại Bianfishco. Trong đó, khoản nợ của Bianfishco tại ACB chưa phải là lớn nhất. Vậy liệu ACB tự tin hoàn toàn có thể thu hồi nợ tại Bianfishco có phải là quá sớm?
Hiện, tổng số nợ của Bianfishco đối với nông dân và các ngân hàng đã lên đến con số hơn 1.275 tỷ đồng. Trong đó, một số ngân hàng có số dư nợ khủng như Ngân hàng An Bình 63,5 tỷ và 10 triệu USD, Ngân hàng Đầu tư phát triển 139,2 tỷ và 2,6 triệu USD, Ngân hàng Phát triển chi nhánh Cần Thơ - Hậu Giang 310,2 tỷ đồng…
Tài sản nhà xưởng, máy móc của Bianfishco hiện chưa được định giá chính xác, nhưng khối tài sản này cũng không phải là nhỏ. Năm 2005, công ty đã đầu tư một nhà máy chế biến có quy mô lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long lúc đó. Nhà máy có công suất chế biến 500 tấn cá tra nguyên liệu/ngày, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt về quản lý chất lượng.
Đầu năm 2009, Bianfishco đầu tư lắp đặt hệ thống diệt khuẩn Ipura của Mỹ (Bianfishco là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam lắp đặt hệ thống này).
Bên cạnh đó, công ty còn đầu tư 200 tỷ đồng để xây dựng Viện Nghiên cứu Thủy sản Bình An tại Khu Công nghiệp Trà Nóc II với tổng diện tích xây dựng hơn 7.000 m2 (Viện chính thức được khánh thành vào tháng 7/2010).
Tháng 3/2010, kho lạnh công suất 10.000 tấn cũng đã hoàn thành và được Bianfishco đưa vào hoạt động.
Cũng trong năm 2010, doanh nghiệp này đã đầu tư một nhà máy sản phẩm giá trị gia tăng có công suất 3.000 tấn sản phẩm/năm.
Mới đây nhất là Nhà máy sản xuất nước uống Collagen Bình An với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD (hơn 200 tỷ đồng).
Hiện nay, nhà máy chế biến sản phẩm giá trị gia tăng của Bianfishco với trang thiết bị nhập ngoại đang để không. Viện Nghiên cứu Thủy sản Bình An cho đến nay hầu như vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào phục vụ cho sản xuất của Công ty và xã hội.
Theo Đất Việt