Không nên để tự nguyện hợp nhất và sáp nhập ngân hàng

Thứ bảy, 31/03/2012, 07:32
Thời gian gần đây, hợp nhất và sáp nhập ngân hàng đã không còn xa lạ với giới kinh doanh. Nhưng liệu việc hợp nhất và sáp nhập giữa các ngân hàng có nên bị sự chi phối của Ngân hàng Nhà Nước hay không thì đó đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.

>Lối đi nào cho sáp nhập ngân hàng Việt Nam?
>‘Cân đong’ rủi ro hậu sáp nhập ngân hàng
>“Loạn” tin đồn sáp nhập ngân hàng, ai “thủ“ lợi?


Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, trong quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, NHNN nên đứng ra "chủ trì" việc sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng yếu kém nhất chứ không nên để các ngân hàng này được quyền tự nguyện hợp nhất, sáp nhập... bởi là cơ quan quản lý, NHNN hiểu hơn ai hết thực trạng của từng ngân hàng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh

Tại sao ông lại cho rằng, không nên để các ngân hàng yếu kém được tự nguyện hợp nhất, sáp nhập?

Như chúng ta thấy, NHNN đã xác định ra được nhóm ngân hàng "có vấn đề". Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã chỉ rõ những giải pháp để tái cấu trúc lại những ngân hàng này. Trong đó trước mắt tập trung vào đảm bảo khả năng chi trả của những ngân hàng này. Sau khi áp dụng các biện pháp đảm bảo khả năng chi trả, các TCTD sẽ được sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở tự nguyện. Nếu không thể thực hiện một cách tự nguyện, NHNN Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở bắt buộc.

Tuy nhiên, theo tôi không nên để các ngân hàng yếu kém được hợp nhất, sáp nhập, mua lại theo cơ chế "tự nguyện". Bởi, việc cơ cấu lại ngân hàng yếu kém là việc làm rất cần thiết, song Đề án lại chưa đưa ra được thời hạn tự nguyện đến khi nào; và nếu cứ đợi vào sự "tự nguyện" thì chuyện hợp nhất khó mà làm được khi xung quanh vấn đề sáp nhập còn hàng loạt các lợi ích cần cân đối như quyền lợi của cổ đông lớn, vấn đề định giá doanh nghiệp... Hơn thế, bản thân NHNN sẽ khó quản lý được việc ngân hàng đó "tự nguyện" như thế nào.

Trong khi, là cơ quan quản lý, NHNN hiểu hơn ai hết thực trạng của từng ngân hàng. Trên cơ sở đó, NHNN sẽ nắm được khả năng ngân hàng nào hợp nhất, sáp nhập với ngân hàng nào là tốt nhất để có thể xử lý được những yếu kém mà vẫn phát huy những mặt mạnh sẵn có. Ví như một ngân hàng yếu về quản trị nhưng mạnh về tài chính có thể tìm một đối tác mạnh về quản trị, nhưng năng lực tài chính hạn chế... Nghĩa là việc hợp nhất phải căn cứ vào thực trạng của từng ngân hàng.

Chính vì vậy, trong mỗi vụ sáp nhập, hợp nhất ngân hàng cần có sự vào cuộc của NHNN. Theo tôi NHNN nên "chủ trì", chỉ ra các nhóm ngân hàng cần sáp nhập với nhau và đưa ra lộ trình để họ chủ động lập phương án và thực thi theo lộ trình và theo thời hạn nhất định. Đồng thời NHNN cần có biện pháp xử lý đối với các ngân hàng không chấp hành.

Liệu làm như thế có "quá tải" đối với NHNN trong khi hiện cơ quan này còn đang gánh trên vai khá nhiều trọng trách: Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế?

Tôi cho rằng, câu chuyện xử lý các ngân hàng yếu kém ở nước ta không có gì lớn. Bởi với các nước phát triển, hệ thống ngân hàng có vài chục ngân hàng đều yếu cả mới đáng ngại. Còn ở Việt Nam hiện chỉ khoảng "mươi" ngân hàng yếu kém thì hoàn toàn có thể xử lý từng trường hợp cụ thể một.

Tất nhiên, mỗi trường hợp phải đi theo bài toán riêng chứ không có bài toán chung cho tất cả. Lịch sử cũng đã chứng minh rằng, chúng ta có thể thừa sức sắp xếp lại hệ thống ngân hàng. Và quan trọng hơn cả là NHNN phải ôm vào mà làm vì nói cho cùng hơn ai hết, không ai hiểu hệ thống ngân hàng bằng NHNN.

Nếu không có TCTD nào chịu sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD yếu kém thì theo ông cần phải làm thế nào?

Nhiều ý kiến cho rằng, NHNN nên đứng ra mua lại các TCTD yếu kém. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc xử lý là đúng nhưng không phải NHNN "ôm" lấy những ngân hàng đó, mà là đưa ra phương án để xử lý. Giải pháp lý tưởng nhất hiện nay là tạo cơ chế để ngân hàng mạnh phải mua lại ngân hàng yếu và khi đó toàn bộ câu chuyện xử lý là thuộc về ngân hàng mạnh.

Lẽ đương nhiên, vì mục tiêu lợi nhuận, các TCTD chỉ muốn mua những tài sản "ngon ăn" chứ không ai dại gì đi "mua nợ vào người". Nhất là những "món nợ này" chưa biết tương lai thế nào, rủi ro đến đâu. Trường hợp này, NHNN cần trực tiếp vào cuộc, mua lại các TCTD yếu kém để chấn chỉnh, củng cố và lành mạnh hóa những TCTD này; biến những TCTD này sẽ trở thành những "tài sản có giá". Khi đó, lo gì không tìm được đối tác để hợp nhất, sáp nhập. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, việc "xử lý" thế nào lại phụ thuộc vào từng đối tượng cụ thể và NHNN phải lên phương án cho từng trường hợp ngân hàng cụ thể.

Hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn NHNN nới thêm "room" nắm giữ cổ phần ở các NHTM, nhất là ngân hàng yếu lên hơn 50% thay vì 20 - 30% như hiện nay. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Trong lĩnh vực ngân hàng. Tôi cho rằng, tỷ lệ sở hữu 30% vốn điều lệ đối với NĐT nước ngoài là cực lớn. Hiện nay, tại hầu hết các NHTMCP, rất ít vị Chủ tịch HĐQT nào nắm tới 30% vốn mà chỉ vài phần trăm.

Còn việc các NĐT nước ngoài đòi phải được "nắm" trên 50% tỷ lệ cổ phần để nắm quyền điều khiển ngân hàng thì mới tham gia đầu tư. Tôi cho rằng nói như thế là nói bừa, vì trong hoạt động ngân hàng, người nắm và điều khiển hoạt động ngân hàng không bao giờ nắm đến 50% mà chỉ cần 10% - 15%. Chính vì vậy, quan điểm của riêng tôi là việc các NĐT nước ngoài đòi mở room trong lĩnh vực ngân hàng lên trên 30% là không cần thiết, bởi vì không phải vô cớ mà chúng ta đặt ra room này. Và câu chuyện xa hơn là nếu mở room, thì sự chi phối của nước ngoài vào hệ thống tài chính của Việt Nam sẽ như thế nào?
 

Theo Thời Báo Ngân Hàng

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn