UBND cấp tỉnh sẽ ban hành giá đất và quyết định theo cơ chế thị trường. Ảnh minh họa |
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, sau khi bãi bỏ khung giá đất, Chính phủ chỉ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất để UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất và quyết định giá đất theo cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Trần Huy Dũng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Hà Nội, do đất đai là lĩnh vực rất phức tạp, liên quan đến hầu hết các chủ thể trong xã hội từ nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức đến từng hộ gia đình, cá nhân nên cần có lộ trình bãi bỏ khung giá đất để tránh những cú sốc cho thị trường bất động sản.
Theo ông Dũng, nếu không có một khung giá đất làm gốc để các địa phương xoay quanh đó mà xây dựng bảng giá đất thì bảng giá đất của các địa phương sẽ phụ thuộc vào ý chí của lãnh đạo địa phương và khó thực hiện khi phải lấy một mặt bằng giá đất chung để áp dụng cho nhiều mục đích.
Theo một doanh nghiệp đang triển khai dự án bất động sản tại huyện Quốc Oai, nếu trao cho chính quyền các địa phương xây dựng bảng giá đất sát với giá thị trường thì chắc chắn giá đất sẽ được xây dựng cao lên nhiều. Hệ quả là tiến độ triển khai dự án sẽ chậm lại do người dân tiếp tục chây ì để được hưởng mức tiền đền bù cao hơn.
Ông kiến nghị nếu áp dụng quy định này thì các địa phương phải tạo lập được quỹ đất sạch trước khi giao cho doanh nghiệp triển khai dự án.
Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, vì quy định khung giá đất đã có trong Luật Đất đai 2003, nên kiến nghị bãi bỏ Khung giá đất cũng chỉ có thể thực hiện được sau khi Quốc hội ban hành Luật Đất đai mới. Tuy nhiên, hiện chưa có lộ trình xây dựng Luật mới. Vì vậy, cơ quan quản lý về đất đai cần nghiên cứu kỹ đề xuất này trước khi trình Luật Đất đai mới lên Quốc hội.
Theo ĐTCK