Cần 200 ngàn tỷ cứu doanh nghiệp bất động sản

Thứ bảy, 31/03/2012, 15:06
Gần như tài sản của các DN đã chuyển vào tài sản thế chấp của các ngân hàng. Nếu có nguồn vốn mua được các tài sản này sẽ giải quyết được vấn đề về vốn cho DN BĐS.

 

Tin liên quan
Ôm nhiều bất động sản sợ..."chết"
Khởi động vốn cho bất động sản
 

 

Hiện dư nợ cho vay bất động sản vẫn xoay quanh con số khoảng 200 nghìn tỷ đồng trong hệ thống ngân hàng, giảm được khoảng 30 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống.

Khoản dư nợ này hầu hết được các doanh nghiệp bất động sản vay từ các ngân hàng thương mại cách đây 2-3 năm về trước khi thị trường bất động sản ở thời “đỉnh cao”. Nếu tính lãi suất trung bình khoảng 20%/năm thì mỗi năm các doanh nghiệp BĐS phải trả lãi vay lên đến 40 nghìn tỷ đồng/năm. Đây là một áp lực không nhỏ lên các DN đang kinh doanh trong lĩnh vực này hiện nay, nhưng do thiếu vốn khiến không ít DN đang lâm vào tình trạng có nguy cơ phá sản.

Các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng hiện đang phải đối mặt với thực trạng rất khó khăn về nguồn vốn đầu tư do các kênh huy động đều bị “chặn”. Thứ nhất, vốn vay ngân hàng không mở cho bất động sản, lãi suất cao. Thứ hai, kênh huy động từ khách hàng cũng bị “chặn đứng” do thanh khoản của thị trường thấp, DN không bán được sản phẩm. Thứ ba, các công cụ tài chính khác chưa được thực thi như quỹ tín thác, quỹ tiết kiệm nhà ở, các quỹ đầu tư BĐS nước ngoài cũng đang gặp khó khăn do khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Chính vì thế, nguồn vốn nào cho DN bất động sản hiện nay đang là bài toán chưa tìm được lời giải, và đang là vấn đề đau đầu của rất nhiều CEO trong lĩnh vực này. Tín hiệu đang le lói hiện nay mà các lãnh đạo DN này kỳ vọng vẫn là trông chờ vào việc giảm lãi suất của Chính phủ và đưa quỹ tiết kiệm nhà ở và hoạt động.

Tại buổi Hội thảo “Tìm vốn cho thị trường bất động sản” do CTCP Tập đoàn FLC tổ chức ngày 30/3/2012, ông Phan Thành Mai-Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, gần như tài sản là bất động sản của các DN đã chuyển vào tài sản thế chấp của các ngân hàng. Nếu có nguồn vốn mua được các tài sản này thì sẽ giải quyết được vấn đề về vốn cho DN BĐS.

Tuy nhiên, đây là một giả thuyết rất khó thực hiện và ít khả thi. Vấn đề đặt ra là lấy đâu ra nguồn vốn khoảng 200 nghìn tỷ đồng để xử lý “đống nợ” đó?

Cũng với tình trạng khó khăn về nguồn vốn đầu tư mà không ít doanh nghiệp lớn đang phải chập nhận nợ thuế Nhà nước, chây ì trong việc trả tiền thuế cho Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp lý giải với lý do rất “kinh tế” là nợ thuế còn hơn đi vay ngân hàng, hay nói cách khác nợ thuế tuy là “xấu hổ” nhưng lại “lợi thân”.

Cũng trong buổi hội thảo này, bà Nguyễn Thị Mùi, PGS. TS Nguyễn Thị Mùi – Hiệu trưởng Trường Nhân lực Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) lại đưa ra giải pháp rất thực tế đo là cần “kích cầu” thị trường từ chính bản thân DN. Bản thân doanh nghiệp BĐS cần tìm mọi cách để kích cầu thì mới giải quyết được tính sôi động của thị trường bất động sản, dùng thị trường cho thuê để kích thị trường bán, Trung Quốc là nước dùng giải pháp này rất hiệu quả.

Trong bối cảnh năng lực doanh nghiệp BĐS thấp thì cùng liên kết hợp tác để thực hiện các dự án. Mỗi DN xem xét cấu trúc lại dòng tiền, vốn là biện pháp để sử dụng hữu hiệu hơn dòng vốn.Tạo niềm tin với người mua nói chung, tạo thương hiệu cho chính mình.

Theo G.S Ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tìm vốn cho BĐS là đề tài nóng, nan giải nhất hiện nay. Thị trường BĐS hiện nay đang rơi vào tình trạng thiếu vốn vì nhiều ý do khác nhau. Hiện nay, lãi suất đang giảm, nhưng van mở cho BĐS mới chỉ có 4 nhóm, chưa mở rộng. Khả năng vốn đi từ ngân hàng đến thị trường BĐS vẫn chưa được mở van. Ngoài ra, vẫn còn khó đối với các nhà đầu tư do lãi vay cao từ 18% - 20%.

Sau hơn một năm trong tình trạng “đói vốn”, các dự án đình trệ không bán được hàng. Có thể nói chưa bao giờ các DN bất động sản lại khó khăn như hiện nay, dường như đang “căng như giây đàn”. Sự le lói dấu hiệu tốt lên từ nền kinh tế hay tín hiệu giảm lãi suất chưa đủ để trong đợi là động lực giúp thị trường khởi sắc trong ngắn hạn. Mà giải pháp tốt nhất vẫn là DN phải tự cứu mình bằng những giải pháp thích hợp nhất với thực tế như giảm giá bán để kích cầu thị trường.
 

Theo TTVN

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn