Báo cáo thường niên của công ty năm 2013 cho thấy đây là năm đầu tiên công ty lỗ sau 35 năm thành lập, với số lỗ tới 235 tỷ đồng. Ông giải thích thế nào về khoản lỗ trên?
2013 là năm nền kinh tế còn nhiều khó khăn, ngành thép bị xếp vào danh sách đen với hạng mục hàng tồn kho lớn, trong khi đó Công ty cổ phần Hữu Liên Á Châu (Mã CK: HLA) liên tục vấp phải thất bại về huy động vốn nên phải vay ngân hàng với lãi cao, có thời điểm công ty phải chịu lãi suất tới 20%. Chúng tôi vay từ năm 2012 nhưng đến 2013 mới phải trả lãi, nên dù cho lãi suất 2013 được ngân hàng công bố giảm nhưng công ty vẫn phải gánh lãi suất như thỏa thuận trước đó. Do vậy, trong khi chi phí lãi vay 2013 của công ty tới 155,3 tỷ đồng, vốn sản xuất vẫn thiếu khiến năng suất của công ty giảm tới 50%. Thay vì mỗi năm công ty sản xuất cho thị trường 8.000 tấn thép thì 2013 chỉ sản xuất được 4.000 tấn, thị phần thép trên thị trường cũng giảm đi một nửa, còn 10%.
Ngoài ra, cuối năm 2013 là thời điểm sức mua, giá cả có xu hướng tăng nhưng lĩnh vực liên quan mật thiết với chúng tôi như bất động sản, xây dựng, trang trí nội thất, vận tải biển vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề. Giá nguyên liệu thép cũng biến động phức tạp hơn các năm.
Ông Trần Tuấn Nghiệp, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hữu Liên Á Châu. |
Quý một năm nay công ty tiếp tục lỗ thêm 57 tỷ đồng, tại sao vậy?
Khoản lỗ này là do giá nguyên liệu tồn kho cao trong khi giá bán ra giảm dẫn đến lợi nhuận gộp giảm. Quý II, chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục giải quyết hàng tồn kho để cắt lỗ từ từ, đồng thời thoái vốn khỏi Công ty TNHH một thành viên thép Hữu Liên. Mặt khác, công ty sẽ huy động vốn bằng cách phát hành 300 tỷ đồng cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng, tiếp tục đàm phán với ngân hàng để xin kéo giãn nợ vay (chuyển nợ ngắn hạn sang dài hạn) và giảm lãi suất.
Hiện giá cổ phiếu của công ty đang dao động quanh 5.000-6.000 đồng, liệu việc huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu bằng mệnh giá có khả thi?
Chúng tôi biết là khá khó khăn nhưng để bảo vệ lợi nhuận của công ty, chúng tôi vẫn phải phát hành bằng với mệnh giá. Hiện lợi nhuận của công ty giảm một phần là do chi phí lãi vay cao, nếu huy động được nguồn vốn tốt từ nhà đầu tư công ty sẽ tăng năng suất lên gấp đôi và lợi nhuận chắc chắn sẽ phục hồi.
Trong báo cáo trình đại hội cổ đông hôm 29/3, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay là 0 đồng, tăng 10 tỷ đồng qua các năm tiếp theo và đến 2019 là 50 tỷ đồng. Lý do công ty đặt kế hoạch lợi nhuận thận trọng như vậy là gì?
Thị trường vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt, nhiều sản phẩm dường như không tìm thấy nhu cầu, có những sản phẩm chúng tôi phải bán tháo để cắt lỗ. Nếu đặt mục tiêu 200-300 tỷ mỗi năm cũng là chuyện đơn giản, nhưng vậy là thiếu minh bạch, không sát thực tế đặc biệt là nhu cầu thị trường. Sắp tới công ty sẽ tập trung vào các sản phẩm chủ lực đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường. Hiện lợi nhuận mang lại cho công ty 50% đến từ thị trường nước ngoài và 50% trong nước.
Ông đánh giá thế nào về đối thủ cạnh tranh của mình trên thị trường?
Thực sự họ cũng đang rất khó khăn, những công ty nào có bề dày về nguồn vốn còn có khả năng hoạt động tốt, đa số các doanh nghiệp còn lại đều chịu áp lực lãi vay. Mặt khác, ngành thép hay thủy hải sản đang bị cho vào danh sách đen nên nhiều ngân hàng "ngại" cho vay, khiến việc sản xuất của doanh nghiệp cũng như lợi nhuận giảm mạnh. Do vậy, không chỉ riêng Hữu Liên Á Châu, ngay cả ngành thép cũng vẫn còn nhiều khó khăn khi nguồn vốn cũng như giá cả thị trường thiếu ổn định.
Theo VnExpress