Theo tin từ Bloomberg, Công ty Dược Hậu Giang (DHG - Việt Nam) đang đàm phán với một công ty địa phương tại Myanmar về khả năng liên doanh. Theo đó, DHG có thể rót 91 tỷ đồng đầu tư cho đối tác để sản xuất các sản phẩm tương tự tại Việt Nam. Việc xây dựng nhà máy có thể bắt đầu vào năm sau nếu các bên đạt được thỏa thuận.
Trao đổi ngày 9/7, bà Phạm Thị Việt Nga - Chủ tịch Công ty Dược Hậu Giang cũng xác nhận khả năng đầu tư sang Myanmar của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, bà Nga cũng cho biết hiện tất cả mới chỉ là dự kiến và DHG đang trong giai đoạn khảo sát. "Chúng tôi mới tiến hành khảo sát thị trường để tìm hiểu nhu cầu và nhất là luật pháp tại Myanmar", bà Nga chia sẻ. Do chưa có nhiều thông tin cụ thể, Chủ tịch Dược Hậu Giang cho biết chưa thể nói nhiều về kỳ vọng lợi nhuận từ thị trường này.
Tuy vậy, động thái của DHG được các chuyên gia của Bloomberg đánh giá là phù hợp với mục tiêu nâng tỷ trọng doanh thu từ xuất khẩu của hãng dược phẩm lớn nhất Việt Nam (tính theo vốn hóa thị trường) lên 25% trong vòng 5 năm tới. Việc này cũng diễn ra trong bối cảnh các cơ quan chức năng Việt Nam đang tiến hành nhiều biện pháp siết chặt việc bán thuốc mà không có kê đơn từ bác sĩ - một trong những nguyên nhân dẫn tới việc kháng thuốc kháng sinh trên phạm vi toàn cầu hiện nay.
Bà Nga cho biết DHG đang có kế hoạch tấn công sang thị trường Myanmar. |
"Chúng tôi đang chuẩn bị cho kịch bản doanh thu kháng sinh chững lại do bị kiểm soát chặt. Chiến lược chung của chúng tôi là giảm dần ảnh hưởng của việc này", bà Nga cho biết trên Bloomberg.
Tại Việt Nam, tỷ lệ người dân được chăm sóc sức khỏe vẫn còn tương đối hạn chế, bất chấp các nỗ lực của Chính phủ nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt kháng sinh. 78% thuốc kháng sinh tại Việt Nam được bán qua các hàng thuốc thông thường mà không có chỉ định của bác sĩ, theo một báo cáo của Công ty chứng khoán FPT hồi tháng một.
Năm ngoái, 41% doanh thu của DHG đến từ thuốc kháng sinh. Hãng còn kinh doanh thuốc giảm đau, thực phẩm dinh dưỡng, thuốc chữa bệnh hô hấp, tim mạch, tiêu hóa và sản phẩm chăm sóc da.
"DHG có thể cải thiện lợi nhuận bằng cách hướng đến các sản phẩm làm từ thành phần thiên nhiên, như thảo dược. Những nguyên vật liệu đó rất dễ dàng tìm được trong nước", bà Vũ Thị Thanh Phương - nhà phân tích tại Công ty chứng khoán TP.HCM cho biết.
"Myanmar cũng giống Việt Nam 10-15 năm trước vậy. Nhưng họ có thể còn phát triển nhanh hơn. Myanmar không có nhiều hãng dược phẩm. Vì thế, họ có một số ưu đãi đặc biệt với các công ty dược. Chúng tôi sẽ có lợi thế nếu hợp tác với một công ty địa phương", bà Nguyễn Thị Việt Nga nói về tiềm năng của thị trường mới.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dân số Myanmar hiện là 65 triệu người. Còn Việt Nam là khoảng 90 triệu người. Trong thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế trung bình của Myanmar là 8,7%, nâng GDP bình quân của nước này lên 869 USD năm 2013. Trong khi đó, các số liệu này tại Việt Nam là 6,4% và 1.902 USD.
Cổ phiếu của DHG đã tăng 15% năm nay, nâng giá trị vốn hóa lên 8.600 tỷ đồng. Doanh thu của hãng cũng tăng 20% lên 3.530 tỷ đồng năm ngoái. "Tôi ủng hộ các chính sách thắt chặt kiểm soát thuốc kháng sinh, dù việc này sẽ gây chút khó khăn cho DHG. Nhưng bất kỳ ai làm trong ngành y tế lâu năm đều biết đây là việc có lợi cho sức khỏe mọi người", bà Nga nói.
Riêng về xu hướng đầu tư sang Myanmar, DHG không phải là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đi theo tiếng gọi của thị trường mới. Trước đó, nhiều doanh nghiệp lớn khác như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, FPT hay Ngân hàng Đầu tư & Phát triển (BIDV) đã tìm kiếm cơ hội và đặt ra nhiều kỳ vọng với công việc kinh doanh tại đây.
Theo VnExpress