Sính bằng cấp
Thông tư 03 của Bộ LĐ-TB&XH (có hiệu lực từ 3/2014) hướng dẫn thi hành một số điều Nghị định 102 của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về LĐNN làm việc tại Việt Nam) đang gây khó cho nhiều LĐNN có trình độ chuyên môn muốn vào Việt Nam làm việc. Theo đó, đối với người lao động (NLĐ) nước ngoài là chuyên gia, phải có một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh có trình độ kỹ sư, cử nhân trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 5 năm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc (mà NLĐ dự kiến sẽ làm việc tại Việt Nam).
Liên quan đến quy định này, đại diện Công ty Baker & McKenzie, ông Fred Burke cho biết, Công ty ông vừa bị TPHCM từ chối cấp giấy phép lao động cho một LĐNN đã từng làm việc cho hãng được 3 năm và tốt nghiệp ở một trong những trường đại học hàng đầu của Mỹ. Có chuyện tréo ngoe này là do đối chiếu với quy định “5 năm kinh nghiệm” còn thiếu.
Ông Colin Blackwell, một kỹ sư Hàn Quốc cũng cho biết, nhiều người là chuyên gia quan trọng trong quá trình sản xuất thiết bị, nhưng vì không đủ 5 năm kinh nghiệm nên cũng bị từ chối cấp giấy phép lao động.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ mới đây, ông Yoshihira Maruta, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) cũng phản ánh: Kể từ khi Thông tư 03 có hiệu lực đến nay, một số doanh nghiệp Nhật Bản được các cơ quan chức năng thông báo những lao động đến Việt Nam nếu lưu trú dù chỉ một ngày cũng phải xin phiếu lý lịch tư pháp của địa phương. Thời gian quá ngắn nên nhiều cơ quan chức năng đã từ chối cấp lý lịch tư pháp cho các lao động Nhật Bản.
Theo quy định mới, Bill Gates cũng không được làm việc tại Việt Nam. |
Ai xác nhận “thâm niên 5 năm”?
Với giáo viên tiếng Anh, khi nộp hồ sơ xin cấp phép, bị xếp vào đối tượng chuyên gia. Theo quy định tại Nghị định 102 và Thông tư 03, chuyên gia phải là người “có trình độ kỹ sư, cử nhân trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 5 năm làm việc trong chuyên ngành đào tạo”. Quy định này đang khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn trong việc tuyển dụng LĐNN vào giảng dạy.
Theo TS Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (Bình Dương), trường có 190 giảng viên, trong đó có 85 giảng viên nước ngoài. Trước khi có Nghị định 102 của Chính phủ, mọi thứ diễn ra bình thường.
Từ khi có nghị định, trường gặp khó khăn trong việc tuyển giảng viên nước ngoài. Giảng viên ở trường nhiều người đã giảng dạy 20 năm, nhưng không có giấy xác nhận kinh nghiệm. “Họ không biết xin ở đâu, lãnh sự quán cũng không cấp. Đây là loại giấy xa lạ với phong cách và học thuật của người nước ngoài”, ông Phúc nói.
Với quy định hiện hành, lãnh đạo một số trường sử dụng giảng viên nước ngoài khẳng định, có cảm tưởng các nhà làm luật sính bằng cấp. “Họ thích thì quy định, chứ không cần biết nỗi khổ thực thi ra sao”, Hiệu trưởng một trường đại học tại Hà Nội nói.
Theo vị này, quy định hiện hành rõ ràng là rất nhiêu khê. Chẳng lẽ, những giáo viên từng dạy ở nhiều nước (Mỹ, Hàn Quốc...) họ lại phải đến từng nước đã giảng dạy để xin xác nhận về thâm niên công tác(?). “Với quy định hiện hành, đến như tỷ phú Bill Gates cũng khó được cấp giấy phép vào Việt Nam làm việc. Quy định như vậy là quá sính bằng cấp. Trong khi đó, nếu ông Bill Gates đến Việt Nam, có lẽ tất cả chúng ta phải ngả mũ chào đón”, vị này nói.
Phải thay đổi
Ngày 8/7, trao đổi với PV, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) cho biết, quy định hiện hành có ưu điểm là hạn chế được LĐNN bất hợp pháp. Tuy nhiên, lại gây bất lợi cho những đối tượng có trình độ kỹ thuật chuyên môn muốn cống hiến cho Việt Nam. Do đó, tới đây, khi sửa Nghị định 102, Bộ Tư pháp và Bộ LĐ-TB&XH cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể cho từng đối tượng. “Với lao động có hợp đồng rõ ràng, chuyên môn cụ thể, cần được ưu tiên về thủ tục cấp giấy phép lao động”, bà Minh nói.
Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó cục trưởng Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Cục này đang trong quá trình tham gia sửa Nghị định 102. Theo bà Vân, đã là chuyên gia, phải có bằng cấp đàng hoàng. “Trong thời gian chờ sửa Nghị định 102, tới đây, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị quyết để tạo điều kiện cho một số đối tượng LĐNN khi vào Việt Nam làm việc”, bà Vân nói.
Theo bà Vân, tất cả những vướng mắc hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đã xin ý kiến Chính phủ. “Việc sửa Nghị định 102 thế nào, hiện chưa thể nói được. Chúng tôi còn phải đánh giá lại tất cả các điều kiện đưa ra trước đây cái gì được, chưa được”, bà Vân nói.
Một Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, các quy định hiện hành là nhằm mục đích để quản lý chặt chẽ hơn các vấn đề liên quan đến LĐNN, trong đó có việc cấp phép. Tuy nhiên, khi thực thi, đã có một số vướng mắc, bất hợp lý ở một số lĩnh vực. Chính phủ đã biết việc này và đang giao các cơ quan liên quan nghiên cứu tìm hướng tháo gỡ.
Theo Tiền Phong