Trả lời:
Điều 401 Bộ luật dân sự quy định: “Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó”.
Các quy định của Bộ luật dân sự hiện hành chỉ quy định hình thức hợp đồng mua bán nhà ở phải lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực, còn hợp đồng mua bán tài sản (nói chung) không nhất thiết phải lập thành văn bản nên thỏa thuận mua bán bằng miệng giữa bạn và người bán hàng, về nguyên tắc, cũng được coi là hợp đồng và có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với hai bên.
Tuy nhiên, do thỏa thuận bằng lời nói nên giá trị chứng minh rất thấp, nếu khởi kiện ra tòa án, bạn sẽ rất khó chứng minh là đã có thỏa thuận đó cũng như các nội dung của thỏa thuận nếu người bán hàng phủ nhận.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 79 Bộ luật tố tụng dân sự, “người khởi kiện phải có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình là hợp pháp và có căn cứ". Vì vậy, nếu bạn có các bằng chứng, giấy tờ khác chứng minh có việc mua bán giữa hai bên (như thư từ trao đổi giữa hai bên, biên bản giao nhận hàng, giao nhận tiền trong đó ghi rõ nội dung hàng hóa mua bán và tiền trả cho việc mua bán hàng hóa đó, thậm chí là băng ghi âm các cuộc điện thoại trao đổi giữa hai bên khi phát sinh tranh chấp…) và chứng minh được các thiệt hại thì có thể khởi kiện ra tòa án cấp huyện (nơi cư trú của người bán hàng) để yêu cầu giải quyết việc đòi người bán hàng bồi thường.
Nếu bạn không có chứng cứ chứng minh việc mua bán giữa hai bên thì không thể yêu cầu tòa án giải quyết.
Thạc sỹ, luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội
Theo VnExpress