Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết ngành tài chính sáng nay (4/7), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định kinh tế 6 tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan hồi đầu tháng 5 đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, tuyên bố ứng xử trên Biển Đông, tác động đến tình hình kinh tế xã hội, Phó Thủ tướng cho biết. Tuy nhiên, trong bối cảnh trên Chính phủ đã quyết định không điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế đã đặt ra, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2014 ở 5,8%.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định nhiệm vụ kinh tế 6 tháng cuối năm sẽ rất nặng nề. Ảnh: HM |
"Nhiệm vụ những tháng cuối năm sẽ rất nặng nề", ông nói. Theo vị này, tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 5,18% - cao hơn cùng kỳ 3 năm gần đây nhưng để đạt mức tăng trưởng như mục tiêu, 6 tháng tiếp theo GDP phải tăng từ 6,28 - 6,3%. So sánh với cùng kỳ các năm trước, đây là một con số khá thách thức, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện biến số mới là "Biển Đông".
"Đề nghị ngành Tài chính tham mưu xây dựng phương án ứng phó với tình huống phát sinh, nhất là phải chủ động đối phó với Trung Quốc trong mối quan hệ kinh tế, thương mại. Hiện nay, mọi việc đã trở lại bình thường nhưng phải lường trước, tư tưởng là không phụ thuộc vào một nước nào", đại diện Chính phủ chỉ đạo.
Liên quan đến việc nhiều dự án đầu tư trong nước do Trung Quốc làm tổng thầu và thu xếp vốn, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ đã tiến hành rà soát, để nếu xảy ra chuyện sẽ "không gây đảo lộn nền kinh tế". Ngoài ra, giữa hai bên có hợp đồng kinh tế, nếu Trung Quốc bỏ dở giữa chừng thì Việt Nam cũng có thể kiện, vị này nhấn mạnh.
"Vị thế, tiềm lực tài chính của Việt Nam đã khá hơn trước rất nhiều. Chúng ta có cơ hội và khả năng ứng phó trước tình hình. Đây cũng là thời cơ để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu xuất nhập khẩu, đầu tư, nhất là với Trung Quốc", vị này phát biểu.
Liên quan đến nợ công, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá Việt Nam vẫn nằm trong giới hạn an toàn. Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến hết năm 2013, dư nợ công bằng 54,1%GDP, dưới ngưỡng cho phép trong chiến lược quản lý nợ công là 65%GDP. Tuy nhiên, đại diện Chính phủ cho rằng cần cẩn trọng vì nợ công đang gia tăng trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn. Song, ông khẳng định vẫn phải đi vay để đầu tư, làm ăn.
"Muốn nợ công giảm thì dễ, chỉ cần không vay nữa. Nhưng chúng ta phải lựa chọn giải pháp vay về để đầu tư, làm ăn, từ đó đẻ ra tiền để trả nợ. Tôi cũng lựa chọn phương án đó, khó cũng phải làm, giống như làm nhà không có tiền thì đi vay, sau đó cày trả nợ. Nhưng quan trọng là sử dụng vốn có hiệu quả", ông nói.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành tài chính tập trung hoàn thành vượt mức thu ngân sách năm 2014, chống thất thu, gian lận trốn thuế, chuyển giá và đánh giá lại các nguồn lực có thể sử dụng được và dự kiến tình hình từ nay tới cuối năm.
Hiện nay dự phòng ngân sách hầu như còn không nhiều, chỉ lo có bão lũ thì ngân sách địa phượng phải chủ động đối phó, vị này bày tỏ.
Ngành tài chính cũng phải tham gia vào tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là cổ phần hóa. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là giảm thời gian nộp thuế, tăng trường điều hành, kiểm soát giá cả.
Trước những ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định sẽ không chủ quan trong 6 tháng cuối năm, tăng cường chống thất thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, chống lãng phí thất thoát và có phương án ứng phó với tình hình mới nếu có biến động xảy ra, đảm bảo hoàn thành mục tiêu thu ngân sách năm nay.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm thu ngân sách cả nước ước đạt 413.600 tỷ đồng, bằng 53% dự toán và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong số 63 địa phương, có 44 tỉnh, thành có thu đạt tiến độ dự toán (trên 50%) và 49 địa phương có số thu cao hơn cùng kỳ. Chi ngân sách nửa đầu năm cũng ước đạt 492.400 tỷ đồng, bằng 49% dự toán và tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ước tính, trong 6 tháng đầu năm, bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 78.800 tỷ đồng, bằng 35% mức bội chi Quốc hội quyết định đầu năm. Số bội chi được bù đắp bằng vay trong nước và vay ngoài nước theo kế hoạch. Đến hết ngày 30/6/2014, ngành tài chính đã huy động được 196.500 tỷ đồng, bằng 60% yêu cầu huy động cả năm để bù đắp bội chi ngân sách và cho đầu tư phát triển.
Theo VnExpress