Dường như hàng loạt ưu đãi mà phía Việt Nam dành cho vẫn chưa làm cho Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS, 100% vốn Đài Loan – Trung Quốc), chủ đầu tư Dự án xây dựng Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương thỏa mãn.
Theo nguồn tin riêng, ngay trước khi xin lập “đặc khu”, ông chủ dự án này cũng vừa mới “xin” Chính phủ xem xét miễn thuế nhập khẩu cho một số nguyên vật liệu, mà con số nếu phải nộp có thể lên đến 1.000 tỷ đồng.
Thời gian gần đây, chủ dự án liên tục gửi văn bản tới các cấp, ngành “trình bày hoàn cảnh” và xin Chính phủ cho phép được miễn thuế nhập khẩu đối với vật liệu gạch chịu lửa và dây cáp điện cùng các loại linh kiện, bộ phận, chi tiết, vật tư khác được sử dụng đồng bộ với máy móc thiết bị của nhà máy, tạo tài sản cố định cho dự án mà không xét đến trong số hàng hóa này Việt Nam đã sản xuất được hay chưa.
1.000 tỷ đồng
FHS “trải lòng” rằng dù gặp phải tình hình kinh tế thế giới khó khăn nhưng Công ty vẫn “một mực giữ lời hứa” với Chính phủ Việt Nam, tập hợp nguồn lực, tích cực đưa “Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương” sớm đi vào hoạt động, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh ngành thép, nhằm thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Việt Nam...
Thuyết minh như vậy nhưng mục đích chính của chủ đầu tư là xin được miễn phần thuế phải nộp cho các nguyên vật liệu nói trên để nhằm kéo chi phí dự án không phải “cõng” thêm được 50 triệu USD (tương đương 1.000 tỷ đồng) nếu tính thêm phần thuế phải nộp này. Trong khi Cục Hải quan Hà Tĩnh cho rằng, căn cứ vào danh mục những vật tư trong nước đã sản xuất được thì chủ dự án bắt buộc phải nộp thuế đối với loại hàng hóa đi kèm là dây cáp điện và gạch chịu lửa.
Nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh có công suất hơn 10 triệu tấn/năm ở giai đoạn I và hơn 20 triệu tấn/năm ở giai đoạn II. Tổng mức đầu tư nhà máy này cho giai đoạn I với nguồn vốn khoảng 10 tỷ USD. Tổng diện tích thực hiện dự án hơn 3.300ha, bao gồm cả diện tích mặt biển (cảng Sơn Dương). Thời gian thuê đất là 70 năm, tiền thuê đất hơn 96 tỷ đồng cho toàn bộ thời gian thuê.
Thế nào là đủ?
Với những con số kể trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đã “như cho không”. Ngoài ra, dự án không những được miễn tiền thuê đất 15 năm, thuế thu nhập doanh nghiệp 10% từ năm có thu nhập chịu thuế (thông thường là 25%), mà 4 năm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, sau đó giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.
Để đảm bảo ổn định đầu tư, tại hợp đồng thuê đất ngày 6/2/2009 còn quy định: “Đảm bảo không thu hồi đất vì mục đích cộng đồng và phát triển kinh tế hay các mục đích khác; đối với thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, hai bên tiến hành thảo luận đi đến thống nhất bồi thường dứt điểm trước khi thực hiện”. Như vậy, theo một luật gia, dự án thậm chí không bị chi phối bởi Điều 38 Luật Đất đai 2003.
Chưa biết “yêu sách” mà Công ty FHS đưa ra liệu có được Chính phủ chấp thuận không, nhưng được biết trong 6 tháng qua, chủ dự án liên tục gửi kiến nghị nội dung nói trên tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng để thúc giục nhưng chưa được các cơ quan này giải quyết.
Theo PLO