Đế chế họ Trần trị vì Kinh Đô

Thứ tư, 02/07/2014, 16:15
HĐQT của Kinh Đô có 9 người, thì quá bán là người thuộc “họ Trần”. Trong đó, hai anh em ông Trần Kim Thành – Trần Lệ Nguyên lần lượt giữ 2 chức vụ cao nhất nhì công ty.

Em giữ chức CEO, anh làm Chủ tịch

Hơn 20 năm nay, vị trí cao nhất nhì của hai anh em Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên tại CTCP Kinh Đô không hề thay đổi, dù rằng Kinh Đô lên sàn chứng khoán với mã cổ phiếu KDC đã 9 năm.

Ông Trần Kim Thành giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty. Ông Trần Lệ Nguyên yên vị với chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc (CEO).

Trong bộ máy quản trị của Kinh Đô còn có một người họ Trần nữa là ông Trần Quốc Nguyên – Thành viên HĐQT. Ông Nguyên là em trai của ông Thành và ông Lệ Nguyên. Vợ của ông Trần Kim Thành - bà Vương Bửu Linh và vợ của ông Trần Lệ Nguyên - bà Vương Ngọc Xiềm cũng giữ vị trí Thành viên HĐQT.

Trong bộ máy điều hành công ty, ngoài ông Trần Lệ Nguyên giữ vị trí cao nhất là Tổng Giám đốc, em trai, vợ và chị vợ của ông Nguyên (ông Quốc Nguyên, bà Xiềm và bà Linh) cũng giữ vị trí cao nhì là Phó Tổng.

gia-đình-trị

Như vậy, bộ máy quản trị công ty có 9 người thì quá bán là người “thuộc họ Trần”. Trong bộ máy điều hành có 12 người (đã bao gồm cả Kế toán trưởng) thì người thuộc họ Trần cũng chiếm 4 người ở vị trí Tổng Giám đốc và các vị trí Phó Tổng.

Tại Báo cáo thường niên 2013 Kinh Đô công bố, tỷ lệ sở hữu của cổ phần trực tiếp và gián tiếp của HĐQT và Ban Tổng Giám đốc lên tới 34,64% vốn cổ phần của công ty.

Gia đình trị: Những cổ đông khổng lồ và sự yếu thế của cổ đông nhỏ lẻ

Nhìn chung các doanh nghiệp có cổ đông khổng lồ, một điều tất yếu dễ dàng nhận thấy là khi cơ cấu cổ đông doanh nghiệp thay đổi theo hướng nhiều cổ phần tập trung vào số ít, rõ ràng hoạt động và chiến lược của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc nhiều vào số ít đó. Và ý kiến của những nhà đầu tư còn lại sẽ không còn nhiều trọng lượng.

Tất nhiên, các số liệu công khai, đặc biệt là công khai trên chính tài liệu công ty phải là số liệu đẹp, hoặc đã được đẹp hóa. Vậy nên, khi công bố tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn, nhiều người đều cho rằng tỷ lệ sở hữu thực tế phải lớn hơn nữa.

Với những doanh nghiệp mang dáng dấp gia đình trị, thì việc quyền lực và quyết định tập trung số ít cũng là điều tất yếu.

Các doanh nghiệp này có thể kể đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ông Trầm Bê (Phó chủ tịch HĐQT), cùng gia đình đang sở hữu 6,78% vốn điều lệ. Con trai thứ của ông Trầm Bê là Trầm Khải Hòa cũng là một thành viên của HĐQT Sacombank với tỉ lệ sở hữu 1,93%. Ngoài ra, Trầm Trọng Ngân và Trầm Thuyết Kiều sở hữu lần lượt 4,4% và 0,3% vốn điều lệ của Sacombank.

Tại ĐHCĐ năm nay của CTCP cơ điện lạnh (REE) số lượng cổ đông tham gia lần này ít hơn hẳn nguyên nhân là vì 11 cổ đông lớn đã nắm giữ hơn 50% vốn công ty.

Tại CTCP Everpia, được biết nhiều hơn với thương hiệu chăn, ga, gối, đệm Everon, 43% cổ phần do các thành viên của công ty nắm giữ, 57% cổ phần còn lại được một số cổ đông tổ chức gom mua trên thị trường từ năm 2010 đến nay.

Quay trở lại Kinh Đô, với chiến lược mới đây tấn công vào 3 lĩnh vực mới là mỳ gói, dầu ăn và café, Kinh Đô đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay tới 660 tỷ đồng. Với riêng lĩnh vực café, với sự chi phối công ty Phin Deli, Kinh Đô tin rằng có thể đưa thương hiệu café Việt ra thế giới. Điều này có lẽ thuận lợi với Kinh Đô khi chọn Phin Deli – đơn vị đã gây dựng được thương hiệu café trên đất Mỹ với việc gây chấn động cả nước Mỹ khi mua thị trấn Buford, sau đổi tên thành Phin Deli để quảng bá cho thương hiệu café này.

Chưa rõ Kinh Đô sẽ đưa café Việt đến tới đâu, nhưng riêng với mỳ gói, lời hứa ra hàng vào cuối năm ngoái đến giờ vẫn chưa được Kinh Đô thực hiện.

Theo Seatimes

Các tin cũ hơn