Trong “Squawk on the Street” của đài CNBC (Mỹ), người dẫn Simon Hobbs đã gây ra “4 giây chết chóc” khi vô tình nhắc Tim Cook là gay.
Sự cố xảy ra trong cuộc trò chuyện giữa người dẫn và khách mời, nhà báo James Stewart của New York Times. Ông đến chương trình để nói về kinh nghiệm xử lý với văn hóa doanh nghiệp và các vị giám đốc đồng tính.
Cụ thể, Stewart cho biết, bài báo gần đây của ông trên New York Times tập trung vào cựu Giám đốc BP John Browne, người vừa viết cuốn sách về “cuộc sống đau khổ” khi là một CEO đồng tính.
CEO Apple Tim Cook
Ông từ chức khỏi tập đoàn dầu khí và gas đa quốc gia năm 2007, sau khi bị một tờ báo lá cải chỉ đích danh là người đồng tính.
Tác giả Stewart tỏ ra ngạc nhiên khi biết Browne là lãnh đạo đầu tiên trong danh sách Fortune 500 công khai thừa nhận là gay. “Tất nhiên, có những CEO đồng tính trong các công ty lớn, tôi đã tiếp cận với nhiều người nhưng chỉ nhận về sự lãnh đạm. Không ai muốn bị nêu tên trong bài”, nhà báo chia sẻ.
Đây chính là lúc người dẫn Hobbs chen ngang: “Tôi nghĩ Tim Cook khá cởi mở về sự thật ông ấy là gay, đúng không?”. Câu nói khiến trường quay câm lặng trong 4 giây và tiếp đó Stewart lắc đầu tỏ vẻ không đồng tình.
Dù Cook luôn thẳng thắn khi nói về Apple, ông luôn giữ cuộc sống cá nhân một cách kín đáo nhất.
Suy đoán về giới tính thật của người đứng đầu hãng công nghệ giá trị nhất thế giới diễn ra lâu nay. Với vị trí CEO tại Apple hiện nay, Tim Cook được xem là một trong những doanh nhân quyền lực nhất trong làng công nghệ thế giới. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng ông cũng được bầu chọn là người đồng tính quyền lực nhất tại Mỹ. Tạp chí dành cho giới đồng tính Out Magazine là nơi tạo ra giải thưởng trên.
Tin đồn Tim Cook thuộc giới tính thứ ba đã râm ran từ lâu trong giới nhân viên của Apple và lan ra khắp thung lũng Silicon. Hồ sơ về Tim Cook trên một diễn đàn công nghệ Mỹ viết rằng "ban quản trị Apple sẵn sàng đứng ra ủng hộ ông nếu sự thật về giới tính bị phanh phui, nhưng họ vẫn băn khoăn liệu sự việc sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thương hiệu Apple".
Tim Cook lên làm CEO tại Apple sau khi Steve Jobs từ chức vì căn bệnh ung thư đã đi đến hồi cuối. Trong khi vị cựu CEO Steve Jobs có sự nhanh nhạy của một nhà hùng biện, nhà quảng cáo, thì Tim Cook lại mạnh về thúc đẩy lợi nhuận, khả năng quản lý chuỗi bán lẻ.
Khi nhận xét về Tim Cook, một người bạn cùng lớp nói với kênh CNN Money rằng ông tuy không hoàn toàn tách biệt với xã hội, nhưng cũng có vẻ không thích thú lắm việc phải giao tiếp với người khác. Do có tính cách khép kín, nhiều khả năng Cook sẽ chọn cách tiếp tục im lặng trước những đồn đoán của dư luận.
Trong khi đó, giới phân tích vẫn mặc nhiên xem đây là một bước tiến lớn đối với những người thuộc giới tính thứ ba. Phát biểu trên tờ Herald Sun của Australia, CEO của cơ quan phát triển cộng đồng Diversity Council cho rằng việc một người "gay" lên lãnh đạo công ty thuộc hàng Top thế giới sẽ là động lực cho nhiều người đồng tính khác cảm thấy tự tin và muốn vươn lên trong xã hội.
Trong khi đó, một đại diện khác của cơ quan bình đẳng hôn nhân Australia thì nhận định không riêng Tim Cook, vẫn còn rất nhiều người đồng tính khác đang nắm giữ vị trí cao tại các tập đoàn lớn của thế giới, nhưng họ còn e ngại không dám lộ diện.
Về phía Apple, công ty cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với bình đẳng giới tính: Quyên góp 100.000 USD để chống lại luật cấm hôn nhân đồng tính của California năm 2008; công khai tán thưởng quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ về hôn nhân đồng giới năm 2013; yêu cầu chính quyền Arizona bác bỏ dự luật hợp pháp hóa phân biệt đối xử với người đồng tính nam và nữ.
Theo NĐT