Năm 2005, Nguyễn Văn Phúc lên đường đi du học. Chàng trai theo đuổi 4 năm chuyên ngành công nghệ thông tin tại nước Nga. Sau khi về nước, Phúc làm việc tại Công ty CP Thế giới số T.A.
Tuy nhiên, làm một năm, anh quyết định rời bỏ vị trí làm việc ở công ty, bỏ chuyên ngành lập trình đã miệt mài rèn giũa suốt những năm học đại học, trở về quê giúp đỡ gia đình, cùng bố chăm sóc đàn chim.
Phúc cho biết: "Đi làm đúng chuyên ngành là niềm vui nhưng với mức lương khoảng 4 triệu đồng/ tháng chưa thỏa đáng với công sức mình bỏ ra, khó đủ điều kiện để mình có thể xây dựng một tương lai tốt hơn.
Hơn nữa, mình lại mê nghề nuôi chim nên mình lựa chọn con đường về nhà mở trang trại chăn nuôi, mặc dù đi đến quyết định này không hề dễ dàng".
Anh đã phải đấu tranh tư tưởng, vượt qua những lời xì xào của hàng xóm, bạn bè, thậm chí cả sự ngăn cản của chính gia đình. Nghĩ là làm, làm thì sẽ đi đến cùng, sau khi có quyết định "bước ngoặt", Nguyễn Văn Phúc tự đi vay tiền và tích cóp được gần 60 triệu đồng làm vốn mua chim giống, đầu tư lồng, chuồng trại, thức ăn, bột, thuốc cho đàn chim.
Ban đầu vốn nhỏ, anh nuôi 100 đôi chim bồ câu và 20 đôi chim cu gáy. Khó khăn chồng lên khó khăn, sau 3 tháng vào nghề, đàn chim mắc bệnh và chết gần hết, thiệt hại của anh đến hàng chục triệu đồng.
Nhưng không buông bỏ trước những khó khăn thách thức, hơn lúc nào hết, khi thất bại, mong muốn sự thành công và làm chủ càng hối thúc anh phải đứng dậy để tiếp tục theo đuổi nghề chăn nuôi.
Phúc học hỏi thêm kinh nghiệm từ bố, rồi tham khảo sách, báo chí, các kênh thông tin và đi tham quan mô hình ở khắp nơi về kĩ thuật chăn nuôi chim bồ câu và chim cu gáy. Có thêm kiến thức, Phúc biết chăm sóc chim giống cẩn thận hơn, cuối cùng cũng đến ngày lứa chim đầu tiên được bán ra thị trường và anh từng bước tăng đàn chim từ vài trăm lên hàng nghìn đôi chim.
Khi thị trường chim thịt ổn định, anh nhận thấy nhu cầu chơi chim cảnh, đặc biệt là chim cu gáy rất lớn. Hơn nữa loại chim này rất hiếm, chủ yếu bắt được ngoài tự nhiên chứ ít ai thuần dưỡng nuôi sinh sản được, do vậy, loài chim cu gáy rất được giá.
Anh tăng cường đàn chim cu gáy, ban đầu chỉ có 20 đôi, giờ đây, chim cu gáy ở trang trại của anh lên tới 200 đôi. Cũng từ đó, ngoài nuôi bồ câu rất thành công, anh còn lại được nhiều người biết đến bởi “biệt tài” dạy chim cu gáy hót hay.
Trong năm 2014, anh mở rộng diện tích trang trại lên 700m2 để tăng số lượng đàn chim lên 5.000 đôi.
Nói về Nguyễn Văn Phúc, anh Phạm Hồng Thái, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Tân Hưng (Sóc Sơn, Hà Nội) nhận xét: "Phúc là một thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi không chỉ của địa phương mà còn là của thành phố Hà Nội.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, Nguyễn Văn Phúc còn đóng góp rất nhiều công sức cũng như vật chất, tiền hỗ trợ các phong trào Đoàn, Hội, từ thiện của địa phương..."
Theo TuoitreThuDo