Thu nhập thực của các ông chủ "lớn" sàn chứng khoán Việt

Thứ bảy, 14/06/2014, 08:01
Đứng đầu các doanh nghiệp đình đám, các ông chủ này cũng được trả những khoản thù lao đáng mơ ước dù ở thời điểm kinh tế khó khăn nhất.

Là chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC), một trong những công ty bất động sản lớn nhất thị trường hiện nay, ông Phạm Nhật Vượng liên tiếp trong 4 năm liền, kể từ năm 2010 là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, hai năm liên tiếp là tỷ phú USD theo công bố của Forbes. Mỗi năm, doanh nhân này nhận được hàng triệu USD tiền cổ tức, cổ phiếu thưởng, thù lao từ chính doanh nghiệp của mình.

Nhập mô tả cho ảnh
Liên tục là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt từ năm 2010, ông chủ VIC cũng là người có thu nhập khủng từ lương, thưởng, cổ tức.

Theo tờ trình của HĐQT và ban kiểm soát (BKS) về việc phê duyệt thù lao cho thành viên HĐQT và BKS, thù lao đã chi trả trong năm 2013 dành cho HĐQT là 10 tỷ đồng, tương đương 0,14% lợi nhuận sau thuế năm 2013.

Theo đó, thù lao dành cho các thành viên HĐQT của Vingroup, trong đó có Chủ tịch Phạm Nhật Vượng, là 910 triệu đồng/người/năm, tương đương gần 76 triệu đồng/tháng. So với thù lao năm 2012, thù lao của ông Phạm Nhật Vượng đã tăng khoảng gần 47%.

Còn theo kế hoạch lợi nhuận năm 2014, lãi ròng là 4.500 tỷ đồng, mức chi thù lao cho HĐQT tối đa 0,4% lợi nhuận sau thuế, nghĩa là trong năm 2014, ông Phạm Nhật Vượng có thể nhận được trên 136 triệu đồng/tháng.

Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE), nơi nữ tướng Nguyễn Thị Mai Thanh làm chủ tịch kiêm CEO, cũng nổi tiếng với mức thù lao hậu hĩnh cho ban  lãnh đạo. Kết thúc năm tài khóa 2013, thù lao bà Mai Thanh nhận được lên tới gần 18,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, với việc sở hữu gần 10 triệu cổ phiếu REE, trả cổ tức tạm ứng năm 2013 với tỉ lệ 16%/mệnh giá, bà Mai Thanh thu về gần 16 tỷ đồng tiền cổ tức. Tính ra tổng số tiền bà chủ của REE thu được từ điều hành và sở hữu REE lên tới 34,5 tỷ đồng. Theo kế hoạch trình ĐHCĐ năm 2014, thù lao của HĐQT và BKS giảm xuống còn 3,25 tỷ đồng, các mức thưởng khi vượt đạt hoặc vượt chỉ tiêu cũng thay đổi theo hướng giảm đi, có thể sẽ khiến thu nhập của bà Thanh giảm trong tài khóa 2014.

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng là một trong những tập đoàn có mức lãi khủng nhất trong năm 2013, vượt 67,5% kế hoạch đến 1.200 tỷ đồng. Và ông chủ của Hòa Phát cùng các thành viên khác trong HĐQT nhận được mỗi người 2 tỷ đồng.

Vào quý II/2014, HPG cũng dự định chi trả cổ tức năm 2013 theo tỷ lệ 15% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Với việc sở hữu tới 24,12% cổ phần tại HPG, ông Trần Đình Long có thể mang về lượng tiền mặt lên tới hơn 174 tỷ đồng. Như vậy, tổng thu nhập bằng tiền mặt của ông Long năm 2013 lên tới trên 176 tỷ đồng. Năm 2014, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng tốt thì thu nhập của ông chủ Hòa Phát cũng không dưới con số 176 tỷ của năm 2013.

Lê Phước Vũ có lẽ là cái tên nổi nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2013. Tài sản của ông chủ Tôn Hoa Sen đã tăng hơn 1.000 tỷ lên 1.706 tỷ tại thời điểm 30/9/2013, tức là tăng 141,6%. Tuy nhiên, ông Vũ chỉ nhận thù lao 20 triệu đồng/tháng và nhận thưởng vượt kế hoạch là 1,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, với chức danh Trưởng ban Quản lý dự án, ông Vũ  nhận thêm 1,65 tỷ đồng lương thưởng. Tổng cộng ông Vũ nhận 3,69 tỷ đồng lương, thù lao và tiền thưởng. Trong năm 2014, ông Vũ đã nhận cổ tức của 3 đợt năm 2013, tương ứng 25%. Như vậy, tổng cộng ông Vũ thu về trên 47 tỷ đồng tiền cổ tức. Năm 2014, các chỉ tiêu thù lao và thưởng tương tự năm 2013 với kế hoạch lợi nhuận 600 tỷ, có thể khiến thu nhập của ông Vũ cao hơn.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích