Cũng theo JETRO, các Công ty của Nhật Bản năm 2013 đầu tư 22,8 tỷ USD vào các nước ở khu vực Đông Nam Á như VN, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippine, nhiều hơn đầu tư vào Trung Quốc rất nhiều cho dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Điều đáng chú ý nữa ở đây là việc giới kinh tế Nhật Bản tăng cường đầu tư trực tiếp vào các nước ở khu vực Đông Nam Á diễn ra đồng thời với việc họ tiếp tục rút vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc.
Chi phí cho đất đai tăng và lương nhân công lao động ngày càng cao ở Trung Quốc là một trong những nguyên do quan trọng đưa đến diễn biến nói trên trong hoạt động đầu tư trực tiếp của các công ty Nhật Bản ở Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á. Nhưng không phải quyết định nhất bởi chi phí cho đất đai và nhân công lao động ở các nước Đông Nam Á không giảm đi mà thậm chí còn có phần tăng lên so với trước. Ngoài ra, tình hình tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc vẫn ổn định và khả quan.
Vì thế, cú hích quyết định đối với chiều hướng diễn biến nói trên chỉ có thể là quan hệ chính trị giữa Nhật Bản với Trung Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Về phương diện này hiện có thể thấy chiều hướng biến động trái ngược nhau. Trong khi quan hệ chính trị của Nhật Bản với Trung Quốc tiếp tục trắc trở và leo thang căng thẳng, đối đầu và ngờ vực thì quan hệ của Nhật Bản với Asean và các nước trong khu vực Đông Nam Á lại được thúc đẩy mạnh mẽ, ngày càng thêm gắn bó và tin cậy hơn trước.
Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản, đặc biệt đương kim thủ tướng Shinzo Abe, tăng cường thúc đẩy quan hệ chính trị, hợp tác kinh tế và thương mại, đặc biệt là cả về quân sự và an ninh với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Ở khu vực này, Nhật Bản không gặp phải những vướng mắc cũ cũng như mới với các nước như với Trung Quốc. Thậm chí Nhật Bản còn nhìn thấy cả cơ hội để thông qua thúc đẩy quan hệ với khu vực này để gây dựng vai trò chính trị khu vực và liên kết các nước có cùng nhu cầu đối phó với việc bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ như Nhật Bản.
Những hành động của Trung Quốc trong thời gian gần đây vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên Biển Đông càng củng cố lo ngại của các công ty Nhật Bản và càng thôi thúc họ rút vốn đầu tư khỏi Trung Quốc để đầu tư vào thị trường với môi trường kinh doanh thuận lợi và ổn định hơn về mọi phương diện.
Trung Quốc còn gây sự với láng giềng như hiện đang gây sự với Việt Nam thì chắc chắn việc các công ty Nhật Bản rút vốn đầu tư khỏi Trung Quốc sẽ còn tiếp tục cả trong thời gian tới. Tạo điều kiện thuận lợi để đón nhận sự chuyển hướng đầu tư của giới kinh tế Nhật Bản sẽ mở ra cho giới kinh tế ở các nước trong khu vực Đông Nam Á cơ hội hợp tác kinh doanh mới.
Theo DDDN