Du nhập vào Việt Nam thông qua các video hướng dẫn từ cách cắt giấy, cưa gỗ, lắp ráp, thực hiện những chi tiết li ti... đến cách thức tạo ra những mô hình phức tạp, "room box" lôi cuốn người chơi từ từ, chậm nhưng gây "nghiện".
Khánh Ly - cô chủ chuỗi cửa hàng room box. |
Ngoài việc luyện tính kiên nhẫn, một điều thú vị nữa là thú chơi này giúp người chơi khai triển khả năng sưu tập, rèn luyện sự tỉ mỉ, cầu toàn trong việc tạo ra những chi tiết "siêu nhỏ” như bàn ghế, giường ngủ, hàng rào, đèn chùm, sân vườn, tủ, rèm cửa... với kích cỡ không bao giờ vượt quá lòng bàn tay. Đặc biệt, trong thú chơi này, yếu tố giúp người xem đánh giá mức độ thành công và tài hoa của người thiết kế nằm ở độ thật, sắc nét của mô hình.
"Được một người bạn thân tặng một mô hình phòng ngủ màu hồng, Ly rất thích nhưng không dám chắc mình đủ khéo léo để lắp ráp thành công. Khi bắt tay vào làm, Ly cảm thấy rất thú vị khi tự tay tạo ra những vật dụng nhỏ xíu nhưng rất thật. Mô hình đầu tiên này ngốn mất của Ly 3 ngày, càng làm càng bị lôi cuốn, và khi hoàn thành cả mô hình Ly rất vui, cứ ngồi ngắm miết và thấy được thư giãn", Ly kể.
Sau đó, Khánh Ly quyết định nhập thêm nhiều mô hình về làm phép. Bạn bè thấy hay nên muốn Ly nhượng lại để cùng làm. Khi số lượng người ngỏ ý mua lại ngày một nhiều, ý tưởng kinh doanh mô hình "room box" cũng ra đời. "Room box" đòi hỏi không ít kỳ công nơi người chơi, do đó, để có thể phổ biến rộng rãi thú chơi này đến các bạn trẻ, Khánh Ly chọn những mô hình "room box" lắp ráp với những chi tiết có sẵn để các bạn dễ dàng hơn trong thao tác, tạo hình.
Ngay khi có ý định kinh doanh, Ly đã tìm hiểu kỹ về "room box" và hình thức kinh doanh mô hình này. Ly cho biết: "Đây là nhà mô hình thu nhỏ có nguồn gốc từ châu Âu, khá kén người chơi do độ tinh xảo, tỉ mỉ, nhưng vô cùng thu hút bởi sự sáng tạo, chân thực và khả năng khơi dậy niềm hứng thú cũng như mở rộng sự hiểu biết, đặc biệt đối với các bạn trẻ đam mê kiến trúc và khéo tay".
Một bộ "room box" nguyên bản bao gồm vải, gỗ, dây thép, keo dán, giấy, nhựa... và tất nhiên là cả sách hướng dẫn chi tiết. Công việc của các "tín đồ room box" là làm cách nào để "hô biến" những vật liệu thô sơ ấy thành ngôi nhà 3 tầng, quán cà phê, phòng ngủ... sống động.
Tuy độ khó kém hơn hình thức chơi "room box nguyên thủy" nhưng để làm được một mô hình hoàn chỉnh, đòi hỏi người chơi phải tỉ mỉ, khéo léo và phải mất từ 3 đến 15 ngày. Ly thường khuyên khách hàng của mình nên chọn những loại mô hình dễ trước khó sau để không bị nản.
Ban đầu cửa hàng của Khánh Ly có tên là Solcute, sau được đổi thành Happy Station để hợp với nơi khách hàng có thể tìm đến chia sẻ niềm vui với thú chơi "room box".
"Tín đồ” room box tại Happy Station. |
Cũng là một "tín đồ room box", Khánh Ly nảy ra ý tưởng chia sẻ sở thích của mình bằng cách lập ra Happy Station - nơi hội ngộ của những "tín đồ room box".
Sau khoảng 3 tháng kinh doanh mô hình "room box" theo hình thức "online", nghĩa là trưng bày bộ sưu tập hình ảnh mô hình trên fanpage của cửa hàng để khách hàng dễ dàng tham khảo, lựa chọn và trao đổi, Khánh Ly đã có được số lượng khách đáng kể.
Ly cố gắng tìm kiếm thông tin và những mẫu mã đang được ưa chuộng trên các trang web nước ngoài, sau đó chọn những mẫu đẹp nhập về bán chứ không bán đại trà để tránh bị tồn hàng.
Cô chủ của Happy Station đã đi xa hơn với ý tưởng tạo lập một không gian "room box" thực thụ, nơi khách hàng có thể vừa thưởng thức âm nhạc, thức uống, vừa ngắm nghía các mô hình trưng bày, ráp "room box" và trò chuyện với nhau.
Ý tưởng này đã giúp công việc kinh doanh của Ly tiến triển khả quan: "Khách hàng đến với Ly ngày càng nhiều, người này giới thiệu người kia, dần dần hình thành một nhóm cùng nhau sinh hoạt và chia sẻ kinh nghiệm chơi "room box".
Hiện Ly đang sở hữu một kho mô hình "room box" khá đa dạng với nhiều kiểu kiến trúc, thiết kế khác nhau, như dạng room lồng kính, dạng full house và khung tranh... Tùy theo kích cỡ, độ tinh xảo mà những mô hình có các mức giá khác nhau, từ 250.000 đến 1,6 triệu đồng/bộ.
Dự định trong thời gian tới, Ly sẽ nhập về thêm nhiều mô hình mới, lạ, nhập thêm những bộ đôi búp bê sứ và các vật dụng đi kèm với ngôi nhà như bộ vườn mini, hệ thống đèn và nhạc chạy bằng pin..., đồng thời tổ chức thật nhiều những buổi "offline" để hướng dẫn các bạn cùng chơi "room box", hay thực hiện các vật dụng làm thủ công...
Theo Zing