Theo thông tin trên website chính thức của chuỗi cửa hàng bánh mì Lee’s Sandwiches, ông chủ Lê Chiêu đặt chân đến Mỹ vào năm 1980. Ban đầu, không nói được tiếng Anh, Lê Chiêu làm việc trong lò mổ và nhận mức lương 8 USD cho mỗi giờ làm việc. |
Quá trình phát triển thương hiệu bánh mì Việt trên đất Mỹ của doanh nhân này khởi nguồn từ năm 1983. Khi đó, cha mẹ Lê Chiêu bắt đầu bán bánh mì Việt Nam từ xe tải cho sinh viên, người dân quanh khu vực. Nhận thấy sản phẩm này được đón nhận và muốn có vị trí, họ mở tiệm bán bánh mì, sandwiches đầu tiên tại Mỹ. |
Lee’s Sandwiches - bánh mì thương hiệu Lee’s được Lê Chiêu và con trai cả thành lập vào năm 2001. Ngoài các loại bánh mì truyền thống Việt Nam, cửa hàng của Lê Chiêu còn bán bánh mì phong cách châu Âu, bánh mì que nướng, bánh sừng bò. |
Hệ thống cửa hàng của doanh nhân Lê Chiêu tại Mỹ đã trải khắp khu vực Bắc và Nam California, lan sang một số bang khác như Texas, Oregon, Oklahoma. Tại Lee’s Sandwiches bán nhiều món ăn, đồ uống hương vị Việt Nam như cà phê đá, bánh mì kẹp thịt lợn, chả. Những món đặc sản khác, trong đó có chả giò, cũng được bán tại đây. |
Chia sẻ trên trang blog lapinkone.com, Jorge Ayala - một khách du lịch cho biết đã đến Lee’s Sandwiches trong nhiều năm và hoàn toàn ưng ý. “Khi không có tâm trạng để làm bất cứ việc gì, tôi tìm đến Lee’s và chọn một chiếc bánh mì Việt Nam, kèm thêm một cốc Arizona trà xanh giá 2 USD. Lee’s không chỉ là một cửa hàng bánh mì, mà đó là cả một thương hiệu”, Ayala nói. |
Ông chủ chuỗi cửa hàng bánh mì Việt trên đất Mỹ - Lê Chiêu - còn kinh doanh đồ uống. Loại đồ uống bán kèm với bánh mì tại Lee’s Sandwiches là cà phê sữa đá, Mocha, sữa đậu nành, trà nóng... |
Giá bánh mì Việt bán trên đất Mỹ khá mềm. Tùy từng nơi, mức giá dao động từ 3 USD đến 5,5 USD/chiếc. |
Hiện tại, theo giới thiệu, Lee’s Sandwiches có hơn 50 cửa hàng. Trong ảnh: Bên trong nhà bếp tại của Lee tại Little Saigon, nơi những chiếc bánh được thực hiện. |
Ngoài bánh mì và đồ uống, chuỗi cửa hàng Lee's Sandwiches còn bán các món tráng miệng đi kèm, trong đó có nhiều loại chè Việt Nam. |
Tại Mỹ có nhiều thương hiệu bánh mì Việt Nam, nhưng chuỗi cửa hàng của Lê Chiêu và gia đình được xem là một trong những chuỗi thành công nhất. Trong ảnh: Noel Santos, quản lý tại Lee ở Irvine, với một khay bánh mì que tươi tại khu Little Saigon (California, Mỹ). |
Quy định về nhượng quyền tại chuỗi cửa hàng Lee’s Sandwiches cho biết, số vốn để mở một cửa hàng bán bánh mì, đồ uống Lee’s dao động 240.000 USD đến 1,8 triệu USD. Có 4 loại cửa hàng, tương ứng với các mức phí nhượng quyền thương hiệu là 75.000 USD, 60.000 USD, 50.000 USD và 35.000 USD. |
Theo Zing