Đầu giờ sáng nay 11/6, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp tục đăng đàn trả lời câu hỏi đại biểu đặt ra từ chiều qua, trong đó phần nhiều liên quan đến nợ công. Nhiều đại biểu cho rằng chỉ số này đang có những dấu hiệu không an toàn cho dù trước đó Bộ trưởng khẳng định không đáng lo ngại.
Trong phiên chất vấn hôm qua, ông Dũng cho biết nếu nhìn theo số tuyệt đối, nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Còn nếu so với GDP, tỷ lệ này thay đổi không nhiều, dao động trong khoảng 50,1-51,8%, riêng năm 2013 ước tính khoảng 54,1%. Vì vậy, Bộ trưởng nhận định nợ hiện vẫn ở dưới mức cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội là 65%.
Mặt khác theo ông, cơ cấu kỳ hạn nợ cũng vẫn đảm bảo. Ngoại trừ khoảng 50% vay nước ngoài có thời hạn tương đối dài, nửa còn lại là nợ trái phiếu trong nước. Khoảng 30% huy động trong nước là thời gian trả nợ ngắn, trong vòng 1-3 năm.
Tỷ lệ trả nợ trên tổng thu ngân sách hàng năm 25%. Khoảng 10% trong số này là các khoản được vay để đảo nợ, tức là không làm phát sinh thêm nghĩa vụ trả nợ mới. "Do đó, nếu trừ nghĩa vụ vay đảo nợ thì chúng ta vẫn nằm dưới mức 25%"", ông Dũng nói.
Tuy vậy, phát biểu kết luận phần giải trình của Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: "Nợ công đang ở giới hạn pháp luật cho phép nhưng đã đe dọa an ninh tài chính vĩ mô".
Ông Nguyễn Sinh Hùng từng làm Bộ trưởng Tài chính gần 10 năm trước khi được bổ nhiệm Phó thủ tướng thường trực (năm 2006) và được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XIII (nhiệm kỳ 2011-2016). |
Theo ông Hùng, một trong những hướng cần xử lý là tái cơ cấu nguồn vay. Đối với vay nước ngoài, thời gian vay càng dài càng tốt. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "50% nợ công, nợ chính phủ đến nay toàn vay ngắn hạn. Trong giai đoạn hiện nay, kinh tế vĩ mô ổn định, chúng ta hoàn toàn có thể chuyển những khoản vay ngắn hạn sang dài hạn".
Ông Hùng cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét các biện pháp cân đối thu ngân sách Nhà nước đúng, đủ để đảm bảo khả năng trả nợ của quốc gia.
"Hiện chúng ta đang phải vay để trả nợ. Trong khi đó về nguyên tắc, chúng ta vay để đầu tư chứ không phải để trả nợ. Do đó, thời gian tới cần tăng thu để trả. Hiện nay đang dùng khoảng 60-70 nghìn tỷ để trả nợ, điều này rất đáng ngại. Đề nghị Bộ trưởng, Chính phủ rà soát, cân đối phương án vay báo cáo để Quốc hội an tâm", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Một số đại biểu cũng đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Tài chính về mức độ phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc và tác động của những căng thẳng trên Biển Đông.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP.HCM đề nghị Bộ trưởng thông tin cụ thể về các khoản nợ công với Trung Quốc, tình hình các doanh nghiệp nước này thâu tóm, chi phối nền kinh tế, thị trường Việt Nam qua việc thâu tóm các công ty trong nước...
"Ngoài ra, cử tri cũng muốn biết các giải pháp của Chính phủ nói chung và Bộ Tài chính nói riêng trong việc khắc phục nguy cơ phụ thuộc vào nước này", ông Nghĩa đặt câu hỏi. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định đây là một câu hỏi hay và đề nghị Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chú ý.
Trả lời câu hỏi của ông Nghĩa, người đứng đầu ngành tài chính cho biết, về chứng khoán thì mức độ đầu tư của Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 0,33% quy mô thị trường Việt Nam, một tỷ lệ không lớn.
Về tổng số nợ vay ODA của Việt Nam với Trung Quốc, Bộ trưởng xin phép Quốc hội sẽ trao đổi riêng với đại biểu. Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định con số này không lớn, và không ảnh hưởng tới kinh tế trong nước thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Bộ trưởng Tài chính đã trả lời rõ ràng câu hỏi của đại biểu Nghĩa. Kinh tế của Việt Nam không phụ thuộc vào Trung Quốc.
"Các doanh nghiệp hợp tác làm ăn theo pháp luật nên nếu thua thì cả 2 cùng chịu. Còn việc vay mượn của Việt Nam với Trung Quốc không lớn", ông Hùng khẳng định. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ trưởng Dũng sẽ có thông tin trao đổi riêng với ông Nghĩa về những con số cụ thể liên quan các câu hỏi của đại biểu.
Theo VnExpress