Hàng chục tỷ thẻ cào giả chui lọt thế chấp ngân hàng

Thứ sáu, 27/06/2014, 14:02
Một lượng thẻ cào giả lớn đã được vận chuyển trót lọt vào Việt Nam, được đem làm tài sản thế chấp để vay tới 35 tỷ đồng từ ngân hàng.

Tại sao số thẻ trên lại lọt qua “cửa” ngân hàng dễ dàng như vậy?

Mới đây, cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can và ra quyết định truy nã một bị can liên quan đến đường dây làm thẻ cào giả. Số thẻ cào này đã được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại ngân hàng.

Thẻ giả - seri thật

Công an tỉnh Quảng Ninh vừa khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với các đối tượng Trần Việt Cường (trú tại Hải Phòng), Phạm Văn Duật (trú tại Hải Dương, khởi tố cho tại ngoại đối với Đào Anh Tuấn (trú tại Hải Dương), truy nã đối với Nguyễn Văn Chung (trú tại Hải Dương)

Theo thông tin từ Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh, trong khi làm nhiệm vụ kiểm soát tại khu vực biên giới với Trung Quốc, lực lượng chức năng tại Cửa khẩu Hải quan Móng Cái đã bắt được một phụ nữ vận chuyển thùng bìa đựng thẻ cào điện thoại mang nhãn hiệu Mobifone. Qua giám định, các thẻ cào này đều là giả. Sau quá trình trinh sát, Cơ quan điều tra đã lần ra đường dây làm giả thẻ cào điện thoại do Nguyễn Văn Chung cầm đầu. Tuy nhiên, đối tượng này đã nhanh chóng bỏ trốn trước khi bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Một đối tượng bị bắt liên quan đến vụ làm giả thẻ cào (ảnh Tiền phong)

Số thẻ cào đã được làm giả theo hình thức nhân bản. Các đối tượng đã mua thẻ thật của Mobifone, cào lấy mã số, pin và nhập vào máy tính. Sau đó, chúng đem sang Trung Quốc, liên hệ với một nhà máy in để nhân bản số lượng lớn, với tổng trị giá lên tới 52 tỷ đồng. Vì thế, trong các thẻ trên, seri vẫn là thật, tuy nhiên, thẻ lại toàn bộ là thẻ giả.

Các đối tượng tham gia vào đường dây này là giám đốc/phó giám đốc những công ty có hoạt động kinh doanh khá lớn trong lĩnh vực đại lý sim, thẻ, là tổng đại lý cho các hãng viễn thông lớn trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, TP. Hải Phòng.

Hiện tại, con số thiệt hại sau việc bỏ trốn của Nguyễn Văn Chung chưa rõ chỉ ảnh hưởng tới các ngân hàng do các đối tượng này cầm cố thẻ để vay ngân hàng hay còn mở rộng đến cả việc chiếm đoạt nguồn vốn của các đại lý nhỏ, lẻ hơn.

Nhân viên tắc trách - ngân hàng mất tiền tỷ

Đại diện Mobifone thừa nhận, qua kiểm tra hệ thống đại lý thì số thẻ giả trên được cầm cố để vay tiền ngân hàng, chứ không bán ra thị trường. Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh cũng cho hay, các đối tượng này đã nhiều lần sang Trung Quốc để đặt in các thẻ cào giả nhằm mục đích đem thế chấp, vay tiền từ ngân hàng. Như vậy, số thẻ này không được bán ra thị trường nên không gây ảnh hưởng đến các khách hàng khi mua thẻ cào.

Được biết, số thẻ giả trên đang được cầm cố tại một số tổ chức tín dụng có chi nhánh trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Các đối tượng đã nhân bản thẻ cào để làm thẻ giả, thế chấp lừa ngân hàng vay tiền tỷ (ảnh minh họa)

Câu hỏi lớn nhất là tại sao số thẻ cào giả trên lại “lọt” được qua cửa ngân hàng?

Theo giám đốc một công ty viễn thông kinh doanh trong lĩnh vực đại lý sim thẻ, các ngân hàng đều có chính sách cho vay để kinh doanh, trong đó cho phép khách hàng cầm cố chính thẻ cào để làm tài sản đảm bảo.

“Tuy nhiên, ngân hàng mà tôi đang vay quản lý thẻ cào khá chặt chẽ. Nhân viên ngân hàng sẽ trực tiếp cùng nhân viên của tôi đến nhận thẻ cào tại nhà mạng, sau đó, ngân hàng sẽ trở theo xe về, nhập kho. Khi nào công ty tôi nộp tiền vào tất toán dư nợ thì họ mới cho xuất kho số thẻ có giá trị tương ứng”.

Đương nhiên, theo nguyên tắc quản trị rủi ro, các ngân hàng nếu có chấp nhận hình thức cầm cố này cũng sẽ quản lý như trên. Tuy nhiên, theo một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, thì “có thể nhân viên của ngân hàng đã bỏ qua bước đi lấy hàng cùng khách hàng”. “Có thể nhân viên đã quá tin tưởng khách hàng, không nghĩ khách hàng có dã tâm lừa đảo nên vô tư để họ tự đi lấy hàng rồi về chuyển lại cho phía ngân hàng. Và đương nhiên, họ đưa gì cho ngân hàng thì đã biết” - vị này nói.

Điều này được minh chứng rõ qua vụ thẻ cào giả trên, cơ quan an ninh điều tra phát hiện cán bộ tín dụng của một chi nhánh ngân hàng tại Hải Dương đã bỏ qua quy trình, không kiểm tra thực tế tài sản thế chấp, tiếp tay cho các đối tượng dễ dàng thực hiện. Số tiền 35 tỷ các đối tượng vay được, cơ quan điều tra nhận định khó có khả năng thu hồi.

Theo đại diện các nhà mạng lớn, nếu khách hàng của họ có vay tiền bằng hình thức cầm cố hàng, và ngân hàng cho vay có công văn yêu cầu thì các nhà mạng cũng rất hợp tác trong việc giao hàng ba bên. Tuy nhiên, nếu ngân hàng không làm việc cụ thể thì nhà mạng cũng rất khó cũng như không đủ thẩm quyền, trách nhiệm để kiểm soát việc trong những người đến lấy hàng có thành phần của ngân hàng hay không.

Như vậy, rõ ràng vai trò của nhân viên ngân hàng trong vụ việc lừa đảo lần này khá lớn. Thiếu trách nhiệm gây hậu quả hay cố ý làm trái có lẽ bản thân tự các ngân hàng sẽ phải làm rõ với nhân viên của mình. Thêm một lần nữa, đây cũng là bài học cảnh bảo rủi ro cho các ngân hàng trong việc giáo dục ý thức nhân viên cũng như tự phòng ngừa rủi ro.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích