Đó là đề xuất của ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành Jetro văn phòng TP.HCM, tại buổi Hội thảo Thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao diễn ra ở TP.HCM ngày 27/6.
Theo ông Hirotaka Yasuzumi: “Lý do khiến công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển là chính sách chưa đáp ứng được nhu cầu của DN. DN cần vốn đầu tư nhưng lãi suất quá cao, từ 8-15%/năm.
Hiện nay vốn không đến được với DN trong ngành sản xuất. Do vậy, cần phải có mức lãi suất thấp từ 1-3%/năm cho các DN công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy đầu tư, có các biện pháp ưu đãi về thuế”.
Nên có mức lãi suất thấp ưu đãi cho DN ngành công nghiệp hỗ trợ
Đến nay, Nhật Bản là nước có nhiều DN FDI trong công nghiệp hỗ trợ đã đầu tư vào Việt Nam, do vậy tỷ lệ cung ứng nội địa của các DN FDI Nhật Bản đã tăng lên 32%, trong đó ở phía Nam là gần 15%, phía Bắc gần 12%. So sánh với Thái Lan, Indonesia thì tỷ lệ này của Việt Nam rất thấp.
Để phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam thì Chính phủ phải hỗ trợ các DN bản địa, thúc đẩy chuyển giao kỹ thuật. Nếu chỉ thu hút các DN FDI trong công nghiệp hỗ trợ thì không thể mong đợi nhiều vào việc chuyển giao kỹ thuật hoặc sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Vậy, Chính phủ phải nắm bắt nhu cầu của DN bản địa và đưa vào trong chính sách, nhiệm vụ hoạt động của mình.
Bên cạnh đó, cần phải có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của DN cả về chất và lượng để tạo ra một lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật giúp chuyển giao công nghệ và kỹ thuật của DN và phải đào tạo cho người quản lý kinh doanh của các DN Việt Nam.
Hiện Việt Nam không có thị trường công nghiệp hỗ trợ lớn, do chính sách công nghiệp ôtô thất bại nên thị trường xe hơi trong nước chưa phát triển. Do vậy, Việt Nam đang dựa vào các thị trường công nghiệp hỗ trợ của các nước xung quanh.
Theo Infonet