Thông tin công ty CP PhinDeli của doanh nhân Phạm Đình Nguyên được bán cho công ty CP Kinh Đô để phát triển lĩnh vực cà phê khiến nhiều người tỏ ra bất ngờ. Ông Phạm Đình Nguyên, một doanh nhân Việt từng khiến người Mỹ và cả thế giới ngỡ ngàng khi mua lại thị trấn Buford, Mỹ vào năm 2012, với cái giá 900.000 USD (khoảng 20 tỷ đồng), trở thành thị trưởng của thị trấn này. Sau đó ông còn xúc tiến thành lập công ty cà phê PhinDeli, đồng thời đổi tên cả thị trấn thành PhinDeli với tham vọng quảng bá, kinh doanh loại cà phê pha phin đặc trưng của Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng Mỹ.
Tuy nhiên, tại đại hội cổ đông vừa diễn ra của công ty CP Kinh Đô (KDC), lãnh đạo công ty này thông báo việc mua cổ phần của công ty CP PhinDeli khiến nhiều người phải ngỡ ngàng. Trao đổi với ông Phạm Đình Nguyên, Chủ tịch HĐQT công ty CP PhinDeli về thương vụ này, ông Nguyên cho rằng, Kinh Đô là đối tác mà chúng tôi lựa chọn để hợp tác, với hy vọng cả hai cùng vươn ra biển lớn.
Vì sao ông quyết định bán cổ phần của PhinDeli, “đứa con” mà ông đã tạo dựng với nhiều tâm huyết?
Nhiều người cũng đã hỏi tôi câu hỏi này. Tôi nghĩ ai làm kinh doanh cũng đều mang nặng đẻ đau “đứa con” của mình. Ai cũng muốn nó lên hình nên vóc. Thật ra, mình nuôi hay có thêm người nuôi nữa mà để cho con lớn nhanh hơn nữa, thì tại sao ta phải buồn?! Chỉ chưa đầy một năm mà chúng tôi đã tạo dựng thương hiệu PhinDeli được nhiều người biết đến, không phải chỉ ở Việt Nam mà còn ở Mỹ. Đây là điều mà không phải ai cũng có thể làm được.
Hiện nay, PhinDeli chỉ có cà phê rang xay, vốn là sản phẩm quốc hồn quốc túy của Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc sống công nghiệp không phải ai cũng có đủ thời gian để thưởng thức cà phê phin đúng nghĩa. Ly cà phê hòa tan là điều mà nhiều người mong muốn. Nếu chỉ bán cà phê rang xay thì chúng tôi chưa cần hệ thống rộng. Nhưng nếu phải tung cà phê hòa tan thì chúng tôi nhất thiết cần phải có.
Nếu phải tự mình xây dựng một hệ thống phân phối chỉ đế bán PhinDeli thì sẽ rất mất nhiều thời gian, tiền bạc cũng như công sức. Trong cùng một lúc chúng tôi không thể vừa nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, vừa đưa ra những ý tưởng tiếp thị táo bạo và vừa phải lao tâm tổn trí cho việc phân phối sản phẩm. Vì thế, chúng tôi quyết định hợp tác với một công ty đã có sẵn hệ thống phân phối rộng khắp. Kinh Đô là đối tác mà chúng tôi lựa chọn để hợp tác với hy vọng cả hai cùng vươn ra biển lớn.
|
Ông Phạm Đình Nguyên (trái) vẫn là thị trường của Thị trấn PhiDeli ở Mỹ sau khi bán cổ phần cho công ty Kinh Đô. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Như vậy cà phê PhinDeli sẽ có sản phẩm hòa tan? Tại sao phải là Kinh Đô mà không là công ty khác để ông bán cổ phần?
Đúng vậy! Cà phê hòa tan là ngành hàng chiến lược mà PhinDeli xác định sẽ tham gia. Dự kiến trong vòng một vài tháng tới, chúng tôi sẽ ra mắt nhóm sản phẩm này. Và như tôi đã nói, PhinDeli cần một công ty có một hệ thống phân phối rộng. Kinh Đô là chọn lựa đầu tiên vì Kinh Đô là tập đoàn số 1 tại Việt Nam về bánh kẹo và nằm trong 5 công ty có hệ thống phân phối rộng nhất nước. Bánh kẹo, cà phê là 2 mặt hàng luôn đi chung với nhau. Vì thế, nếu như một hệ thống mà phân phối 2 nhóm hàng này thì sẽ rất là hiệu quả.
Hơn nữa, anh Trần Lệ Nguyên (Phó Chủ tịch HĐQT Kinh Đô) cũng như anh Trần Kim Thành (Chủ tịch HĐQT Kinh Đô) ngoài đời là những bậc đàn anh uy tín. Tôi thường tham khảo ý kiến họ trước khi ra quyết định lớn. Khi tôi định tham gia vào cuộc đấu giá mua thị trấn Buford của Mỹ, anh Trần Lệ Nguyên là một trong những người tôi đã tham vấn. Khi đó, anh Nguyên rất tán thành với kế hoạch của tôi. Vì thế tôi nghĩ những người chia sẻ với mình những chí hướng lớn sẽ là người cùng đi xa để đến đích.
Theo ông, mục đích tham gia đầu tư vào PhinDeli của Kinh Đô là gì?
Anh Trần Lệ Nguyên có chia sẻ với tôi về 3 ngành hàng chiến lược mà Kinh Đô muốn tham gia. Đó là dầu ăn, mì gói và cà phê. Cả ba ngành này đều có một quy mô thị trường lớn. Hiện nay, hệ thống phân phối của Kinh Đô không chỉ phủ rộng trên phạm vi toàn quốc mà còn được quản lý bằng hệ thống tiên tiến. Vì thế, thêm được thương hiệu sản phẩm vào trong hệ thống sẽ cắt giảm thêm chi phí phân phối cho từng ngành hàng.
Khi tôi đề cập đến việc hợp tác, anh Nguyên đã gật đầu liền. Hơn ai hết anh ấy biết rõ ý định mua thị trấn của tôi và đánh giá cao cách xây dựng thương hiệu cũng như ý tưởng táo bạo của PhinDeli. Vì thế, chúng tôi tin mọi việc diễn ra rất suôn sẻ.
Ông cũng có một công ty riêng chuyên về phân phối là công ty IDS, tại sao không để IDS lo về phân phối cho PhinDeli?
Đúng là công ty IDS của tôi cũng là công ty chuyên về phân phối. Tuy nhiên, những mặt hàng mà IDS đang phân phối hiện nay không cùng trong nhóm cà phê, bánh kẹo. Do vậy, chi phí phân phối PhinDeli của IDS chắc chắn sẽ cao. Ngoài ra, một doanh nghiệp mới ra đời vài năm như IDS không thể so với một công ty thành công lâu đời như Kinh Đô.
Đối với PhinDeli, chúng tôi cần một hệ thống phân phối hiệu quả ngay tức thời để bảo đảm cho thương hiệu thành công. Trong khi Kinh Đô lại có một quan hệ đối tác nhập khẩu, bán lẻ rất mạnh tại những thị trường mà PhinDeli đang nhắm tới như Mỹ, Nhật, Đài Loan…Vì vậy, hợp tác với Kinh Đô là “một mũi tên, trúng hai con chim” – cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Vai trò của ông sau khi có sự tham gia của Kinh Đô. Tỷ lệ tham gia, cũng như giá trị đầu tư của Kinh Đô vào PhinDeli như thế nào?
Sau khi Kinh Đô tham gia vào PhinDeli, tôi sẽ giữ chức vụ Tổng Giám đốc (CEO), còn đại diện Kinh Đô giữ vai trò chủ tịch hội đồng quản trị. Khác với những thương vụ đầu tư chi phối khác, phía Kinh Đô vẫn mong muốn chúng tôi tiếp tục phát huy tinh thần “không gì không thể” vốn đã làm nên một thành công bước đầu rất khích lệ của PhinDeli.
Họ mong một cú tung hàng mới ngoạn mục như lúc chúng tôi đổi tên thị trấn Buford thành thị trấn PhinDeli. Còn về giá trị đầu tư cũng như tỷ lệ phần trăm tham gia của Kinh Đô tôi rất tiếc là không được tiết lộ, vì đây là một phần của cam kết bảo mật của cả hai bên.
Có ý kiến cho rằng, bán PhinDeli nghĩa là ông bán một phần thị trấn Buford ở Mỹ. Vậy thời gian tới sản phẩm của PhinDeli sẽ phát triển theo hướng nào?
Thực ra không phải như vậy. Thị trấn PhinDeli (Buford) vẫn thuộc tài sản cá nhân nên không nằm trong tài sản của công ty CP PhinDeli, và tôi vẫn tiếp tục là Thị trưởng PhinDeli, điều hành các hoạt động ở thị trấn này.
Bên Kinh Đô nhận thấy rằng, cách tốt nhất để PhinDeli nhanh chóng đi đến thành công là nó tiếp tục phát huy tinh thần “Không gì không thể”. Đó là tiếp tục đưa ra những ý tưởng táo bạo vốn chỉ có ở những người dám nghĩ dám làm. Do đó, trong thời gian sắp tới, nhóm chuyên trách tiếp thị của PhinDeli sẽ tiếp tục những kế hoạch phát triển sản phẩm mới, quảng cáo tiếp thị. Còn Kinh Đô sẽ tập trung vào những vấn đề quan trọng khác như phân phối, xây dựng hệ thống, quản lý chi phí…
Kinh Đô sản xuất mì gói, dầu ăn, cà phê Tại đại hội cổ đông công ty CP Kinh Đô vào sáng 30/6, lãnh đạo công ty cho biết đang triển khai kế hoạch mở 3 ngành hàng mới là mì ăn liền, dầu ăn và cà phê sau 5 năm chuẩn bị. Theo đó, với ngành hàng mì ăn liền, Kinh Đô sẽ hợp tác toàn diện với công ty TNHH Sài Gòn Vewong (với thương hiệu A-One) để sản xuất mì gói. Về dầu ăn, Kinh Đô mua cổ phần và trở thành cổ đông chiến lược của Tổng công ty dầu ăn Việt Nam (Vocarimex) khi đơn vị này phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng, hiện tại các thủ tục của thương vụ này đã hoàn tất. Ở lĩnh vực cà phê, Kinh Đô đã mua cổ phần và nắm quyền chi phối tại công ty cà phê Phindeli, nhưng tỷ lệ sở hữu tạm thời chưa công bố. |
Theo Zing