“Dấn thân” với Buford

Chủ nhật, 20/05/2012, 07:55
Ý tưởng mua thị trấn Buford nhỏ nhất nước Mỹ đến một cách bất ngờ nhưng doanh nhân Phạm Đình Nguyên cho rằng “những điều bất ngờ thường làm nên kỳ tích”.
 
Mỹ có rất nhiều thị trấn nhưng có lẽ Buford nổi tiếng hơn hẳn vì nhỏ nhất. Cuộc đấu giá vừa qua càng làm cho Buford được biết tới nhiều hơn. Sau khi đấu giá Buford, một số thị trấn khác cũng định “ăn theo” nhưng chưa được báo chí quan tâm nhiều.
 
32 năm qua, Buford là thị trấn chỉ có một công dân - ông Don Sammons - nên nhiều người cho rằng doanh nhân Phạm Đình Nguyên đã “hớ” khi bỏ ra gần 1 triệu USD để sở hữu, rằng nó không có khả năng sinh lời. Tuy nhiên, với tân thị trưởng Buford, mức bán trong cuộc đấu giá đã phần nào chứng tỏ giá trị của nó. “Mỗi người đến cuộc đấu giá đều định sẵn mức giá mà họ cho là hợp lý, cũng như lý do tại sao họ trả số tiền đó. Với tôi, 1 triệu USD là giới hạn cuối cùng cho Buford” - anh cho biết.
 
Không phải vô cớ mà một người Việt xa xôi vội vàng đến Mỹ để trả 900.000 USD mua một thị trấn nhỏ xíu. Để quyết định mức giá này, anh Nguyên đã tham khảo nhiều bất động sản ở Mỹ. “Một ngày trước cuộc đấu giá, cô Rosie Weston đã đưa tôi đến một trạm xăng cách Buford khoảng 30 km đang được rao bán với giá hơn 420.000 USD.
 
 
Ông Don Sammons trao chìa khóa tượng trưng của Buford cho người đại diện của doanh nhân Phạm Đình Nguyên.

Đó chỉ là trạm xăng thủ công - bơm tay, lại không còn hoạt động. Trong khi đó, Buford có một cửa hàng tiện lợi, một trạm xăng tự động, một căn nhà 3 phòng ngủ… Quan trọng hơn, Buford được thành lập năm 1866, là thị trấn lâu đời thứ 2 tại Wyoming, lại có mã bưu điện riêng. Theo tài liệu mà hãng đấu giá cung cấp, năm 2011, Buford đã tạo ra lợi nhuận 150.000 USD. Lúc đó, máu kinh doanh của tôi trỗi lên và tôi nghĩ nếu đầu tư 900.000 USD thì khoảng 6-7 năm là có thể hoàn vốn được” - anh Nguyên giải thích.
 
 
Không gì là không thể
 
Theo tân thị trưởng Phạm Đình Nguyên, điều tưởng như bất lợi nhất - chỉ có một cư dân sinh sống - lại giúp tạo nên danh tiếng cho Buford. Báo chí Mỹ vốn rất quan tâm đến thị trấn này, khi nó thuộc sở hữu của một người Việt, nhiều người càng như lên cơn sốt. Ngay hôm đấu giá thành công, rất nhiều cư dân sống gần đó và khách vãng lai đã ghé đến Buford để “xem chân, xem cẳng” tân thị trưởng. Tiếp đó, hằng ngày có hàng trăm người đến viếng thăm Buford, chụp hình dưới tấm bảng “Thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ Buford”, mua hàng lưu niệm…
 
Nguyên cho biết IDS mà anh sáng lập chuyên hoạt động về phân phối và phát triển thương hiệu. Việc mua được Buford sẽ tạo cơ hội cho IDS đẩy mạnh phân phối cũng như làm cho nhiều người biết về các thương hiệu mà công ty này đang phát triển. “Hiện nay, chi phí quảng bá thương hiệu rất đắt đỏ mà cũng chưa chắc người tiêu dùng nhớ đến. IDS là công ty quy mô trung bình, không có “của ăn của để” quảng cáo như những đại gia khác. Vì vậy, tôi luôn tìm kiếm những cơ hội độc đáo và việc mua Buford có thể giúp chúng tôi đổi đời. Hiện nay, Buford là một phần trong chiến lược quan trọng giúp IDS phát triển các thương hiệu, đồng thời đẩy mạnh hệ thống phân phối” – anh tiết lộ. 
 
 
Tân thị trưởng Phạm Đình Nguyên tại thị trấn Buford.
 
Ý tưởng mua thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ đến một cách bất ngờ và doanh nhân Phạm Đình Nguyên cho rằng “những điều bất ngờ thường làm nên kỳ tích”. “Từ ngày “dấn thân” vào Buford, tôi bận rộn hơn nhưng cảm thấy rất vui và phấn chấn, như thể mình làm được một điều mà nhiều người cũng có thể tự hào. Có người nói tôi khôn, người bảo dại nhưng hầu hết đều cảm thấy tự hào cho tôi vì đã làm được điều chưa ai nghĩ đến, mà có nghĩ đến thì cũng chưa chắc có ai dám làm” - anh  bày tỏ.
 
Nguyên khẳng định nếu phải bán lại Buford, chắc chắn anh sẽ bán cho người Việt. “Tôi muốn Buford sẽ mãi là biểu tượng của doanh nhân Việt với tinh thần “không có gì là không thể”. Trước mắt, tôi sẽ cố giữ lại những gì đã làm nên danh tiếng của Buford; đồng thời làm cho nhiều người biết hơn nữa về thị trấn này, do người Việt sở hữu” - anh Nguyên tâm sự. 
 
 
Khai thác danh tiếng
 
Nhiều người rất quan tâm đến việc tân thị trưởng Buford sẽ làm gì với thị trấn của mình. “Tôi không chủ trương xây nhà nghỉ, kinh doanh nhà hàng mà thiên về ý tưởng khai thác Buford từ chính danh tiếng của nó. Tôi sẵn sàng đầu tư để nhiều người biết thêm về Buford” – anh Nguyên cho biết.
 
Nguyên tiết lộ anh đang tiếp cận một công ty ở TP Denver, bang Colorado – Mỹ để thực hiện một số ý tưởng về quảng bá cho Buford. Chẳng hạn, một cuộc thi tìm kiếm thị trưởng danh dự - người sẽ thay anh quản lý Buford ít nhất một năm. Anh cũng đang liên hệ với một công ty chuyên làm về pa-nô ở Wyoming.
 
Công ty này đang sở hữu pa-nô in hình ông Don Sammons đặt ngay trên đường xuyên bang cách Buford vài cây số. “Tôi định làm mới pa-nô này khi đã chính thức sở hữu thị trấn.
 
Khi nhiều người biết đến Buford thì cơ hội khai thác thương hiệu này sẽ rất lớn, không chỉ ở Mỹ, Việt Nam mà còn ở các thị trường khác.
 
Đây cũng là cơ hội để IDS quảng bá cho các thương hiệu mà tôi đang sở hữu” – anh Nguyên bộc bạch.
 
Theo NLĐ

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn