>>Xe máy bán dưới giá vốn
>>Đua giảm giá xe máy, ôtô tháng 4
>>Việt Nam: Trung tâm công nghiệp xe máy châu Á?
Nằm sâu trong con ngõ ở gần chân cầu Chương Dương (Long Biên, Hà Nội), bãi tập kết phương tiện vi phạm Bồ Đề rộng khoảng 3 ha. Trên bãi đất trống nằm sát bờ ao, hàng nghìn xe máy tồn đọng từ nhiều năm qua bị vứt lăn lóc khắp nơi.
Những chiếc xe gỉ sét, mục nát vì bị phơi sương, phơi nắng được chất thành đống. Nhiều xe trơ khung sắt và bị bụi, đất chôn vùi một phần. Thậm chí, có xe còn bị lá cây phủ kín, cỏ mọc um tùm xung quanh, rất khó nhận ra.
Cách đống xe "phế liệu" này chừng vài chục mét là khu vực có mái che bảo quản cả nghìn xe máy vi phạm gần đây. Trong số đó có khá nhiều xe ga đắt tiền như PS, SH, Spacy, Liberty... được phủ lớp bụi trắng.
Đứng giữa cả nghìn xe cũ nát và phủ đầy bụi, một người đàn ông trung niên đang lúi húi cầm tập danh sách, lau chùi từng số khung số máy, biển số xe để thống kê những chiếc sắp hết hạn trông giữ, đưa đi thanh lý.
Chỉ tay về dãy xe PS màu xanh không biển, vành đã bị hoen gỉ, nhân viên này chia sẻ: "Hàng xịn đấy, trị giá tới cả trăm triệu đồng. Lúc mới cho vào đây còn mới lắm nhưng gần một năm không ai đến nhận, không được xử lý giờ phải nằm chờ hỏng, nhìn mà thấy xót".
Theo nhân viên này, ở bãi đang có tới hơn 2.000 xe máy, trong đó nhiều chiếc đã nằm phơi nắng gió 6-7 năm, được chất thành đống. Những xe ga đắt tiền như PS, SH, Spacy... khá nhiều do hàng ngày có tới cả trăm xe máy vi phạm được các đội CSGT, CSTT gửi vào. Khi khu có mái che quá tải, các xe sẽ được để ngoài trời.
Một góc bãi giữ xe vi phạm ở Mỹ Đình. Ảnh: Bá Đô.
Tương tự, bãi trông giữ xe Mỹ Đình (Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội) hiện trở thành điểm tập kết hàng nghìn xe vi phạm vô chủ. Những xe ga đắt tiền, xe số, xe ba gác... xếp xen kẽ nhau được phủ kín bởi bụi. Nhiều xe bị mất đèn, vỡ yếm, một số bộ phận không còn hoặc đã hoen gỉ.
Quản lý bãi xe này cho biết, đang phải trông giữ hơn 1.000 xe tồn đọng, trong đó nhiều chiếc được đưa vào đây từ năm 2006. Do những xe vi phạm không có giấy tờ, xe ăn cắp hoặc vô chủ được đưa vào đây ngày càng nhiều nên không thu được tiền trông giữ và không có kinh phí đầu tư mái che, đành phải để ngoài trời.
Đây chỉ là hai trong số hàng chục bãi trông giữ phương tiện vi phạm ở Hà Nội bởi hiện trên toàn thành phố có hơn 70 đầu mối là CSGT, CSTT, công an các quận, huyện... có chức năng tạm giữ phương tiện vi phạm.
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Thanh Lam, Phó giám đốc Công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội cho biết, hiện công ty có 12 bãi trông giữ xe chờ xử lý vi phạm, trong đó bãi xe Mỹ Đình, Dịch Vọng và Bười giữ xe tồn đọng.
Gần 10 năm qua, công ty phải trông giữ hơn 1.000 xe vi phạm vô chủ do CSGT, CSTT... gửi. "Quá nhiều phương tiện tồn đọng không được thanh lý suốt nhiều năm bởi thủ tục pháp lý phức tạp, nhiều xe không rõ nguồn gốc, không ai đến nhận nên công tác bảo quản gặp nhiều khó khăn", bà Lam nói.
Bà Lam cho biết thêm, dù hàng năm công ty phối hợp cùng Chi cục quản lý Công sản, Sở Tài chính, Công an Hà Nội phân loại, định giá và thanh lý các loại phương tiện, nhưng do vướng nhiều vấn đề nên vẫn chưa thanh lý được.
Qua mưa nắng, nhiều xe bị gỉ sét, không còn nguyên vẹn vứt lăn lóc tại các bãi.
Một lãnh đạo Đội CSGT số 3 cho biết, hiện đội còn vài trăm xe máy vi phạm gửi tại bãi Mỹ Đình, nhiều xe gửi từ năm 2009 nhưng chưa biết xử lý ra sao. "Do việc xác minh nguồn gốc, định giá tài sản phức tạp và liên quan đến nhiều cơ quan như thanh tra giao thông, Sở Tài chính... nên công an không tự làm được", ông này chia sẻ.
Còn Trưởng phòng CSGT (Công an Hà Nội) Nguyễn Duy Ngọc cho hay, do xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nên ngày càng nhiều xe máy bị đưa về bãi tạm giữ. Hiện vẫn còn trên 1.000 phương tiện nằm trong diện chờ thanh lý.
Để đẩy nhanh việc xử lý xe vi phạm lưu bãi, Phòng đã khẩn trương xác minh, phối hợp với cơ quan điều tra, nếu xe vi phạm có giá trị lớn không phải là tang vật của các vụ án thì sẽ tổ chức bán đấu giá để tránh lãng phí và lấy tiền chi trả bến bãi.
Giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về những bất hợp lý trong xử lý phương tiện vi phạm khiến tồn đọng hàng nghìn xe, gây hư hỏng, lãng phí, đại diện Bộ Công an đã đề xuất phải nghiên cứu lại các quy định của pháp luật sao cho thông thoáng hơn trong việc xử lý xe vi phạm.
Bởi hiện nay nhiều chủ phương tiện chậm đến giải quyết nên số tiền lưu bãi nhiều hơn giá trị của xe và người vi phạm bỏ xe luôn, hoặc nhiều trường hợp chủ xe không có giấy tờ nên cũng bỏ.
Vị đại diện này cũng cho rằng, theo quy định hiện hành, hết thời hạn tạm giữ phải thông báo ít nhất 2 lần trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng phải sau 30 ngày mới có thể ra quyết định tịch thu, xong lại chuyển cho đơn vị khác bán đấu giá... Do đó, để giải quyết được một chiếc xe vi phạm thì phải mất 6 tháng, dẫn đến số xe tồn đọng ngày càng lớn.
Theo VnExpress