Nâng cấp du lịch từ nhà vệ sinh

Thứ bảy, 19/05/2012, 14:56
Du khách than phiền, thậm chí bỏ tour giữa chừng chỉ vì nhà vệ sinh quá dơ.
Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) vừa ban hành quy định tạm thời về tiêu chuẩn nhà vệ sinh (WC). Các điểm tham quan du lịch, điểm dừng chân, điểm phục vụ khách du lịch có WC không đạt chuẩn thì phải lo nâng cấp.
 
Hầu hết WC dưới chuẩn
 
Thế nhưng so với tiêu chuẩn thì rất nhiều điểm du lịch không đạt về WC.
 
Một ngôi chùa ở quận 1 thu hút rất nhiều khách nước ngoài đến tham quan. Tuy nhiên, WC khai nồng nặc, tối và ẩm thấp, buồng vệ sinh được che chắn tạm bợ, không có bồn vệ sinh. WC nam không có cửa, chỉ có một bức tường gạch ngăn lại.
 
WC tại Bảo tàng TP (quận 1), Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (quận 3) khá sạch sẽ, tương đối đầy đủ các hạng mục nhưng vẫn không có xà phòng rửa tay hoặc móc treo đồ.
 
Một địa chỉ hiếm hoi đảm bảo đủ các yếu tố theo tiêu chuẩn tạm là Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh 2 (quận 4). Đáng tiếc là vẫn không có WC dành riêng cho người khuyết tật.
 
Nhiều điểm du lịch ở các tỉnh, thành khác cũng bị chê vì WC dơ bẩn. Ông Trần Thế Dũng, Phó Trưởng nhóm kích cầu du lịch nội địa TP.HCM, cho biết tại Khu du lịch Đền Hùng, WC rất hôi, không có giấy vệ sinh nhưng du khách phải trả 2.000 đồng/lượt ra vào. Tại bến thuyền ở vịnh Hạ Long, đừng nói là vào bên trong, chỉ đứng gần WC đã nghe mùi hôi.

Nhiều du khách Huế từng than phiền về điểm tham quan quá rộng mà lại ít WC.

Khách phản ứng mới sửa
 
Ở Huế, từ lâu du khách đã phàn nàn về tình trạng thiếu WC. Để khắc phục điều đó, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã triển khai dự án gần 6 tỉ đồng xây dựng 10 khu WC tại di tích Đại Nội, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, các lăng Tự Đức, Minh Mạng, Khải Định…

Các WC có diện tích rộng rãi, thiết bị hiện đại, có phòng riêng cho người khuyết tật được đưa vào hoạt động đầu tháng 4-2012, trước Festival Huế 2012. Hệ thống WC công cộng dọc bờ sông Hương cũng đã được sửa sang thoáng mát, sạch sẽ phục vụ du khách đi dạo ngắm cảnh.
 
Một cán bộ Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho biết WC tại chợ Bến Thành từng bị du khách phản ứng. Nhiều du khách đã viết thư đề nghị sửa gấp WC. Sau đó, tại chợ đã xây một khu WC dành cho khách Tây, một khu WC dành cho tiểu thương.

“Nhưng phải thừa nhận rằng vẫn chưa đảm bảo tiêu chí sạch sẽ! Tôi thấy sau khi khách dùng WC, người dọn vệ sinh đứng ở ngoài rồi hắt nước vào trong. Sàn lênh láng nước, mùi thum thủm” - vị cán bộ trên cho biết.
 
Theo kế hoạch của Bộ VH-TT&DL, đến hết năm 2012, mỗi địa phương có ít nhất 50% điểm du lịch có WC đạt chuẩn và đạt 100% vào năm 2014.
 
Tuần sau sẽ họp về WC
 
Tôi cho rằng WC ở các điểm tham quan tại TP.HCM đều đã làm được tiêu chuẩn Tổng cục đưa ra. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là ý thức vệ sinh, ý thức phục vụ của nhân viên thì vẫn chưa làm được. Nhiều WC không có người túc trực quét dọn thường xuyên nên rất nhanh bẩn.
 
Trong tuần tới, Sở sẽ thảo luận với các khách sạn, điểm tham quan du lịch về tiêu chuẩn WC du lịch. Chúng tôi sẽ đặt vấn đề về ý thức giữ vệ sinh, lau dọn thường xuyên của các điểm du lịch.
 
Ông LÃ QUỐC KHÁNH, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP. HCM
 
Vào WC, ra bỏ tour
 
Tiêu chuẩn mà Tổng cục mới ban hành chỉ là những điều cơ bản nhất về WC nhưng thực tế nhiều địa phương không làm được điều đó cho các điểm du lịch. Có du khách sau khi “thăm” WC xong đã đòi về khách sạn ngay vì chẳng còn tâm trí đâu mà ăn uống, thưởng ngoạn cảnh đẹp nữa.
 
Ông TRẦN THẾ DŨNG, Phó Trưởng nhóm kích cầu du lịch nội địa TP.HCM
 
Quan trọng nhất là nhân viên
 
Khu du lịch rừng Madagui (Lâm Đồng) là một trong những điểm tham quan có hệ thống WC được du khách hài lòng.
 
WC ở đây có hệ thống tự động, sàn khô ráo, sạch sẽ, rộng rãi. Quan trọng là luôn có người túc trực để dọn dẹp, chăm sóc.
 
WC hiện đại đến mấy mà không có người thường xuyên chăm sóc thì cũng nhanh dơ bẩn. Vì vậy, Tổng cục đưa ra tiêu chuẩn cho WC du lịch là điều cần thiết. Nhưng các điểm du lịch cần bố trí nhân viên vệ sinh trực thường xuyên.
 
Ông NGUYỄN NHÂN NHẬT PHÚ, Giám đốc Trung tâm  Lữ hành của Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn
 
Tiêu chuẩn WC
 
WC phải có số phòng vệ sinh phù hợp với số lượng khách; có chia nam, nữ; tường cao trên 2,5 m, ốp gạch men, sàn lát chống trơn, diện tích tối thiểu 2,5 m2/phòng.
Phòng vệ sinh phải có cửa, có chốt cài, móc treo túi hoặc giá để đồ, giấy vệ sinh, thùng rác có nắp... WC phải cung cấp nước sạch 24/24 giờ, có hệ thống xử lý nước thải, không có mùi hôi, không ứ đọng nước.
 
Có nhân viên phục vụ lau dọn, cung cấp đồ dùng khi thiếu hoặc hết.
(Trích tiêu chuẩn của Tổng cục Du lịch)
 

Theo PLTP

Các tin cũ hơn