Doanh nghiệp đang "chờ" Bộ Tài chính quyết định giảm giá xăng dầu

Thứ bảy, 19/05/2012, 09:06
Tính trung bình, các doanh nghiệp có mức lãi từ 700 đồng đến 1.500 đồng/lít. Bản thân DN đã sẵn sàng giảm giá, chỉ chờ Bộ Tài chính.
Đại diện một số doanh nghiệp đầu mối và cơ quan chức năng cũng xác nhận giá bình quân 15 ngày đầu tháng 5 giá xăng dầu thế giới giảm so với bình quân tháng 4 từ 4,7% đến 6,9% tùy từng chủng loại xăng dầu.
 
Cụ thể, xăng A92 giảm 9,1 USD/thùng (tương đương giảm 6,9%), dầu hỏa giảm 6,3 USD/thùng (4,7%), diezel 0,05S giảm 6,3 USD/thùng (4,7%), madút giảm 5,3 USD/thùng (5,3%). Giá dầu thô thế giới cũng giảm 5,5 USD/thùng.
 
Theo thông tin từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), nếu bóc tách riêng tính theo ngày, giá xăng dầu tại thị trường Singapore ngày 17-5 tiếp tục hạ khá mạnh.
 
Giá xăng A92 xuống còn 117 USD/thùng, dầu hoả xuống còn 122 USD/thùng, diezel 0,05S còn 124,4 USD/thùng, diezel 0,25S xuống còn 123,4 USD/thùng, dầu madút còn 673,6 USD/tấn.

 


Giá xăng dầu thế giới đang giảm mạnh, doanh nghiệp trong nước đang lãi lớn

 
Giá thế giới giảm mạnh một lần nữa đặt câu hỏi ngỏ với cơ quan quản lý về khả năng giảm giá bán xăng dầu trong nước trong thời gian tới.
 
Theo ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc SaigonPetro, với mức giảm thế giới trong những ngày qua, với cách tính giá xăng bình quân 30 ngày theo Nghị định 84, tính đến ngày 17-5, mỗi lít xăng và dầu doanh nghiệp có lãi khoảng 700 đồng/lít.
 
“Với những doanh nghiệp nhỏ không nhập hàng hoặc nhập ít khi giá thế giới còn đang cao thì họ còn lãi cao hơn nhiều. Nếu tính bình quân theo 10 ngày thì các doanh nghiệp đầu mối nhỏ có mức lãi từ 1.300 - 1.500 đồng/lít đối với hầu hết mặt hàng”- Ông này cho biết.
 
Đại diện một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối khác cho biết, khi giá thế giới giảm sâu, doanh nghiệp lãi nhiều thì câu chuyện tăng chiết khấu cho đại lý lại tiếp tục xảy ra.
 
Thông thường doanh nghiệp chỉ có thể chiết khấu cho đại lý ở mức trên dưới 600 đồng, nhưng các doanh nghiệp nhỏ để chiếm thị phần và đẩy mạnh tiêu thụ hàng, nhằm quay vòng vốn nhanh thì họ sẵn sàng đẩy mức chiết khấu cho đại lý lên tới 800 đồng/lít, thậm chí còn cao hơn.
 
“Các doanh nghiệp đầu mối lớn như chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị về việc này nhưng tình trạng vẫn xảy ra. Nếu chúng tôi không tăng chiết khấu cho đại lý thì sẽ bị mất thị phần do đại lý chuyển sang nhập hàng của các doanh nghiệp có mức chiết khấu cao hơn”- Ông nói.
 
Theo đại diện các doanh nghiệp đầu mối, việc quyết định giá xăng dầu trong nước hoàn toàn do cơ quan quản lý quyết định từ giữa năm ngoái đến nay.
 
Theo quy định, doanh nghiệp được quyền điều chỉnh giá bán nhưng thực tế dù có bị lỗ thì doanh nghiệp vẫn không được điều chỉnh ngay. Nay có cơ hội giảm giá, DN cũng không chủ động đề xuất, mà tất cả chờ quyết định của Bộ Tài chính.
 
“Cơ quan quản lý quyết định thế nào, DN sẵn sàng tuân thủ”, đại diện một DN đầu mối nói.
 
Kiểm soát chặt doanh nghiệp
 
Về việc kiểm soát chi phí của doanh nghiệp mỗi khi giá cả thế giới biến động, PGS, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu hiện nay thường có xu hướng tối đa hóa lợi nhuận bằng cách tăng giá bán chứ không bằng cách tối thiểu hóa chi phí sản xuất.
 
Yêu cầu tăng cường quản lý và kiểm soát chi phí sản xuất, lưu thông của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết.
 
“Cần lập một bộ phận có đủ năng lực, tin cậy, theo dõi sát, kịp thời diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời phân tích, dự báo ngắn, trung và dài hạn giá xăng dầu thế giới để phục vụ công tác điều hành”- Ông Long kiến nghị.
 
Đồng quan điểm, PGS-TS Hoàng Trần Hậu, Học viện Tài chính cho rằng, cần kiểm tra, thanh tra chặt chẽ chi phí kinh doanh của doanh nghiệp ngay từ khâu nhập khẩu.
 
Từ đó đưa ra quy định mức chiết khấu hoa hồng đối với các cấp phân phối, không để tình trạng mức chiết khấu cao hơn so với định mức chi phí kinh doanh như hiện nay.
 
Ngoài ra, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cần có cơ quan giám sát đặc biệt, chuyên trách theo dõi toàn diện hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp.
 
“Cần minh bạch hóa toàn diện các yếu tố liên quan đến kinh doanh mặt hàng xăng dầu, từ quy trình, tiêu chuẩn lựa chọn nhà cung cấp nước ngoài, các chính sách ưu đãi của nhà cung cấp, lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển, bảo hiểm và các chính sách phân phối khác trong nước”- Ông đề xuất.


Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn