Mỗi ngày giá xăng dầu thế giới lại giảm tới gần 1 USD so với ngày hôm trước. Đã có doanh nghiệp đầu mối bày tỏ giá bán lẻ hiện hành có thể lùi xuống từ 500- 1.000 đồng/lít.
Giá xăng dầu thế giới vẫn đang tiếp tục hạ nhiệt. Ngày 17/5, xăng thành phẩm A92 tại Singapore giảm còn 117,01USD/thùng so với mức 117,33 USD/thùng trước đó. Dầu diezen cũng tiếp tục hạ giá chỉ còn 124,41 USD/thùng, thấp tới 1 USD so với mức 125,21 USD ngày hôm qua. Dầu hỏa giảm chỉ còn 122, 69 thấp gần 1 USD so với mức 123,55 USD/thùng hôm trước. Tương tự, dầu madut còn 673,02 USD/tấn, thấp cách biệt so với mức giá 675,61 USD/tấn ngày 16/5.
Theo một doanh nghiệp xăng dầu phía Nam đánh giá, với mức lãi trong vòng 15 ngày trở lại đây, dư địa cho một điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu lên tới gần 1000 đồng/lít. Kịch bản thị trường xăng dầu hiện nay đang có diễn biến giống như thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu cách đây 9 ngày.
Vị doanh nghiêp này phân tích, Liên Bộ Tài chính- Công Thương hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp điều tiết như vừa qua, tăng đồng loạt thêm thuế từ 2%-3% hiện nay lên 5% cho cả 4 mặt hàng, đồng thời, có thể giảm giá bán lẻ đồng loạt 500 đồng/lít.
Nếu như thời gian qua, 2 đợt tăng mạnh giá xăng dầu với tổng cộng mức tăng trên 3000 đồng/lít, bị cho là cú hạ "knock- out" đau đớn cho doanh nghiệp sản xuất, trong khi Ngân sách quốc gia phải lùi toàn bộ thuế về 0% thì thời điểm này chính là một cơ hội để lấy lại niềm tin trong dân chúng và hồi phục nguồn thu cho ngân sách.
Một trong những căn cứ tin cậy nhất là diễn biến bảng giá cơ sở bình quân 30 ngày. Cập nhật tới ngày 17/5, bảng giá cơ sở của Petrolimex cho thấy, giá bình quân 30 ngày của xăng thành phẩm A92 là 124,67 USD/thùng, dầu diezen 0,05S là 130,57 USD/thùng, dầu hỏa là 128,92 USD/thùng và dầu madut là 703,72 USD/tấn.
Giá xăng nên giảm tiếp (ảnh: Phạm Huyền)
Bảng giá cơ sở của SaigonPetro cho thấy, giá thành phẩm của dầu diezen có sự khác biệt, ở mức 129,68USD/thùng, thấp hơn cách tính của Petrolimex.
Theo đó, so sánh giữa giá bán lẻ và giá cơ sở, các phép tính của 2 doanh nghiệp này cho kết quả xăng Petrolimex "lãi" 633 đồng/lít, cao hơn 2,72% so với giá cơ sở. Xăng SaigonPetro lãi cao hơn, tới 735,97 đồng/lít, hơn 3,16% so với giá cơ sở.
Dầu diezen của Petrolimex có lãi 397 đồng/lít, tương ứng tỷ lệ cao hơn 1,84% giá cơ sở. Đối với SaigonPetro, mức lãi mặt hàng này cũng cao hơn, tới 569,55 đồng/lít, tỷ lệ cao hơn giá cơ sở là 2,64%.
Tương tự, với dầu hỏa, Petrolimex và SaigonPetro lần lượt có mức lãi là 420 đồng/lít, tỷ lệ 1,96% và lãi 507,56 đồng/lít, tương tức tỷ lệ 2,37% so với giá cơ sở. Dầu madut lãi 530 đồng/kg, tỷ lệ 2,76% và 482, 79 đồng/kg, tỷ lệ chênh 2,48% so với giá cơ sở.
Cho tới thời điểm này, vẫn chưa có một doanh nghiệp chính thức nào gửi văn bản kiến nghị chuyện giảm giá. Lý lẽ được đưa ra là hiện giờ, chuyện giá xăng dầu hoàn toàn do Liên bộ Tài chính- Công thương quyết, doanh nghiệp chỉ báo cáo.
Điều đáng nói là, căn cứ tính giá xăng dầu hiện nay giữa Liên bộ và các doanh nghiệp đang rất khác nhau. Theo các doanh nghiệp, chu kỳ 30 ngày được tính từ ngày hôm nay quay trở lại ngày thứ 30, qua đó, nhìn thấy xu hướng chênh lệch lãi lỗ hàng ngày. Nhưng theo cách tính của Bộ Tài chính, chu kỳ 30 ngày được tính tách biệt từ ngày điều chỉnh giá đến ngày thứ 30 tiếp theo sau đó và so sánh với chu kỳ 30 trước đó.
Neo giá vì ô lỗ hàng ngàn tỷ
Tuy nhiên, lý do sâu sa cho nhiều doanh nghiệp chưa muốn giảm giá xăng dầu, đó là khoản lỗ lũy kế tích tụ từ mấy năm nay, không rõ cơ chế xử lý.
Các doanh nghiệp này đều cho hay, công thức tính theo đúng quy định của Nghị định 84, giá cơ sở bao gồm 600 đồng/lít chi phí kinh doanh định mức và 300 đồng/lít lợi nhuận định mức.
Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex bày tỏ, chi phí kinh doanh, bao gồm cả hoa hồng cho đại lý hiện nay của Tập đoàn đã lên tới 900 đồng/lít, "ăn" thêm cả vào khoản 300 đồng/lợi nhuận định mức nên mức lãi thực tế không cao. Vì những yếu tố cố định trong kết cấu giá cơ sở đã lỗi thời nên trên danh nghĩa, chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ tưởng là cao, nhưng thực tế "chẳng đáng bao nhiêu".
Tính tới thời điểm này, Petrolimex đã bắt đầu có lãi nhưng trước đó, Tập đoàn đang chịu một khoản lỗ lũy kế ước tính từ đầu năm là 50-60 tỷ đồng. Đó là chưa kể khoản lỗ 2630 tỷ đồng năm 2011. Dù có 2 đợt tăng giá vừa qua và có lãi, Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại Tập đoàn này vẫn còn âm tới 70-80 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, việc tính toán, theo dõi diễn biến giá xăng dầu vẫn được Liên Bộ thực hiện hàng ngày. Nhưng bối cảnh lỗ tích lũy như vậy, tâm lý chung của các doanh nghiệp là thường không chủ động xin giảm giá.
Qua nhiều đợt điều chỉnh giá xăng dầu nhưng chưa đủ bù đắp chi phí, đến nay, các doanh nghiệp xăng dầu đang tồn đọng khoản lỗ tới 5.000 tỷ đồng và Quỹ bình ổn giá âm 2.300 tỷ đồng. Với tổng cộng khoản tồn đọng 7.300 tỷ đồng, Nhà nước vẫn chưa có cơ chế rõ ràng để xử lý.
Theo nguyên tắc ở Nghị định 84, Nhà nước sẽ không bù giá xăng dầu. Tại mỗi lần can thiệp bình ổn thị trường, giữ giá, Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp "chịu thiệt", khi nào có thuận lợi, sẽ được tăng giá và lấy lãi để bù lại.
Tuy nhiên, với con số dồn lại tới 7.300 tỷ đồng thì đến bao giờ, lãi xăng dầu mới đủ bù đắp lại. Nếu như, lãi xăng dầu lên tới 735 đồng/lít như cách tính của SaigonPetro được duy trì thì các doanh nghiệp này phải bán gần 10 tỷ lít xăng dầu mới đủ bù lại khoản lỗ. Tiêu thụ xăng dầu một năm chỉ 360 - 370 triệu lít xăng thì có lẽ, thời gian để lấy thu đủ bù chi này phải tính tới vài ba năm nữa?
Ông Nguyễn Cẩm Tú chia sẻ, thị trường xăng dầu sẽ vẫn còn bất ổn nếu như, các nhà điều hành giá thiếu dũng cảm chính trị. Nói cách khác, với cách điều hành giá như hiện nay, ngân sách vẫn thất thu vì mức thuế cho phép là 20-25% thì nay, chỉ có 2-3% và có lúc là 0%, trong khi đó, người tiêu dùng vẫn thiệt vì giảm giá nhỏ giọt, không lại với các đợt tăng gây sốc.
Cùng đó, với vốn chủ sở hữu 14.000 tỷ, vay ngân hàng đã lên tới 27.000 tỷ đồng, vay ngoại tệ khó khăn, các doanh nghiệp xăng dầu không đủ "động lực" để đảm bảo lưu thông xăng dầu, an ninh năng lượng.
Theo ông Tú, 4 tháng đầu năm,các doanh nghiệp chỉ nhập xăng dầu bằng 23% hạn mức của năm, trong đó, dầu diezen giảm tới 42%, dầu madut giảm tới 59%.
Một thông tin khác bất lợi cho thị trường là nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiến đóng cửa 30 ngày để sửa chữa trong khi 4 tháng đầu năm, xăng và dầu của Dung Quất chiếm tới 53% thị phần. Tình thế này sẽ buộc các doanh nghiệp đầu mối lo đáp ứng nhu cầu bằng việc quay sang bù bằng phần nhập khẩu. Nhưng khi khó khăn tài chính thì các doanh nghiệp này sẽ khó mà đảm bảo hạn mức nhập khẩu.
Theo ông Tú, theo dõi tới thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp đều không đảm bảo đủ điều kiện dự trữ lưu thông 30 ngày. Đó là lý do, Bộ Công Thương chưa có kiến nghị gì về điều chỉnh giá xăng dầu.