Ông Nguyễn Đức Tuyến - Phó Giám đốc Công ty TNHH Tân Đức Hải (Khu kinh tế Hòn La - Quảng Bình) cho biết: Ngày 13/5 vừa qua, doanh nghiệp ký hợp đồng vận chuyển dăm gỗ xuất khẩu sang đảo Hải Nam (Trung Quốc) với tàu FUSHUN (trọng tải 7.710 tấn) giá là 22.000 USD.
Hàng trăm nghìn tấn gỗ dăm của các doanh nghiệp bị ứ đọng
Nhưng khi tàu cập cảng Hòn La để nhận hàng thì doanh nghiệp được Hải quan cửa khẩu Hòn La (Cục hải quan tỉnh Quảng Bình) thông báo mặt hàng dăm gỗ nâng từ mức thuế suất 0% lên 5%.
Nếu áp dụng thuế này, doanh nghiệp sẽ lỗ nên sau 2 ngày nằm tại cảng không thể xuất hàng, tàu FUSHUN phải quay về. “Trước khi xuất lô hàng này, Công ty không nhận được thông báo về sự thay đổi thuế suất xuất khẩu nên mới ký hợp đồng như thế.
Giờ hàng chục ngàn tấn gỗ dăm bị ứ đọng, doanh nghiệp còn mất đứt 22.000 USD phí vận chuyển và có nguy cơ bị đối tác phạt vì thực hiện sai hợp đồng”, ông Tuyến nói.
Không chỉ Tân Đức Hải mà một số đơn vị khác cũng đang khổ sở vì hàng trăm ngàn tấn gỗ dăm bị ứ đọng. Cụ thể như Công ty Cát Phú ứ gần 40.000 tấn, Công ty CPSX Lâm sản Quảng Đông gần 20.000 tấn, Công ty Thanh Thành Đạt hơn 100.000 tấn…
Vì văn bản “hai phai”?
Các doanh nghiệp cho biết: Lâu nay Hải quan tại các cửa khẩu vẫn áp dụng thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với dăm gỗ thuộc nhóm 4401 là 0%.
Tuy nhiên, ngày 14/11/2011, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 157/2011/TT-BTC, quy định mức thuế suất của biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế.
Tại Phụ lục I, Biểu thuế xuất khẩu ban hành kèm thông tư này thì mặt hàng dăm gỗ thuộc nhóm 4404 có mức thuế suất thuế xuất khẩu là 5% (không phải 0% như thường lệ).
Nhưng tại Biểu thuế nhập khẩu, mặt hàng dăm gỗ nằm ở hai nhóm là 4401 (có mức thuế xuất khẩu 0%) và 4404 (thuế 5%). Như vậy là một mặt hàng lại nằm ở cả hai mức thuế suất là 0% (nhóm 4401) và 5% (nhóm 4404) gây sự khó hiểu cho doanh nghiệp.
Trong lúc sự khó hiểu này chưa được “thông” thì mới đây, Cục hải quan Quảng Bình đã áp giá cho mặt hàng trên với thuế xuất khẩu là 5%. Do không được thông báo trước nên hầu hết các doanh nghiệp đã “trở tay không kịp”.
Giải thích về phản ánh của doanh nghiệp, bà Hoàng Nam Hương - Phó Trưởng phòng nghiệp vụ Cục hải quan Quảng Bình cho rằng ngành đang thực hiện đúng pháp luật. “Sau khi nhận phản ảnh của doang nghiệp, chúng tôi đã có văn bản xin ý kiến Tổng cục Hải quan vì chúng tôi không đủ thẩm quyền trả lời”.
Không để cho mặt hàng bị lãng phí, các doanh nghiệp đã chọn giải pháp là thuê tàu chở hàng xuất khẩu qua cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh), Cửa Lò (Nghệ An). Được biết hiện Hải quan ở Vũng Áng, Cửa Lò vẫn đang áp thuế suất với mặt hàng dăm gỗ là 0%.
Một chính sách nhưng hải quan mỗi nơi lại áp dụng khác nhau, trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Sơn - Phó Chi cục trưởng Hải quan Vũng Áng cho biết, đúng là trong thông tư 157 thì biểu thuế mặt hàng dăm gỗ nằm ở hai nhóm 4401 và 4404. Điều này khiến cho cả doanh nghiệp và hải quan các địa phương khó áp dụng.
“Cho nên chúng tôi đã có văn bản đề nghị Cục hải quan Hà Tĩnh xin ý kiến của Tổng cục Hải quan. Hiện chúng tôi vẫn thực hiện việc áp mức thuế 0% đối với mặt hàng dăm gỗ. Khi nào có câu trả lời chính thức mà áp thuế mức 5 % thì chúng tôi sẽ truy thu, điều này doanh nghiệp cũng đã thống nhất rồi”.