>> Những món đồ có thể mua được với giá 1.000 đồng
>> Quả cherry Tàu: Giả Mỹ, Canada... đẩy giá cao
>> Thời trang đua nhau giảm giá
>> Đủ chiêu đòi nợ: Từ giễu xe bêu xấu đến biểu tình
Dạo một vòng quanh khu chung cư Lý Thường Kiệt (đường Lý Nam Đế (quận 11), đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), đường Âu Cơ (đoạn thuộc quận Tân Bình) sau giờ làm việc, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự nhộn nhịp của những khu chợ bán đồ cũ.
Con đường này vốn chỉ có vài người bán điện thoại di động cũ, phụ kiện máy tính nhưng nay đã trở thành một khu chợ lạp xoong (chợ đồ cũ) thực sự náo nhiệt và đắt khách.
Nếu như trên vỉa hè thuộc đường Nguyễn Kiệm đoạn giao với Nguyễn Thái Sơn là “thiên đường” của điện thoại cũ giá rẻ thì chung cư Lý Thường Kiệt, đường Âu cơ thực sự là “kinh đô” của những mặt hàng lạp xoong (những thứ linh tinh).
Tại đây, các chủ hàng bày bán các mặt hàng dưới nền gạch vỉa hè. Những mặt hàng ở đây đều là những thứ đã qua sử dụng, thậm chí là những vật phẩm đã là đồ vứt đi đối với nhiều người.
Các mặt hàng lạp xoong được bày bán trên đường Nguyễn Kiệm
Dừng xe trước một quầy hàng của một ông già gầy còm, nhỏ thó được giới bán hàng đồ cũ nhận định là người có “thâm niêm” trong cái nghề lạ lùng này.
Ông bán vài đôi giày da cũ nát, một loạt gọng kính, tròng kính méo mó, vặn vẹo, dăm ba cái đèn dầu cáu bẩn không còn bấc, những băng cassette không còn lành hộp, dăm bảy chiếc đồng hồ treo tường không còn kim chỉ giờ, vài chiếc xe đồ chơi điều khiển từ xa, và hàng trăm thứ linh tinh khác.
Tuy nhiên, trong những mặt hàng mà đối với chúng tôi là đồ vứt đi thì ông cũng có những thứ có thể “hái ra tiền”. Đó là cặp kiếm Nhật sáng bóng mà theo lời ông đó là hàng thật được mua lại của hai người nghiện đang lên cơn tại cầu ông Lãnh.
Loại hàng quý thứ hai là tượng Phật Di Lặc bằng gỗ lũa ông mua rẻ từ mấy đứa nhỏ móc bọc “khoắng” được từ một ngôi chùa nào đó. Được biết, ông được xem là người thành công trong việc kinh doanh đồ bỏ đi này vì ông có chút ít kiến thức về đồ cổ.
Do vậy, những thứ ông bày bán, đối với người ngoài thì ít khi có giá trị nhưng sẽ là những vật được săn đón đối với những ai có máu sưu tầm. Được biết, mới đây, ông vừa bán một bộ điện thoại bàn cổ được sản xuất từ những năm 1968.
Đánh giá về khu chợ này, anh Bùi Mạnh Huy, khách hàng thường xuyên của chợ cho biết: “Ra đây chủ yếu là “tìm” mấy món đồ lạ và tìm những thứ mình thiếu thôi chứ chả có gì để mua. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đổ ra đây để tìm những thứ mình cần đôi khi không thể tìm và mua ở các cửa hàng, cửa tiệm khác. Do đó, với lợi thế giá thành rẻ mạt, tự do lựa chọn, trả giá, mỗi lần họp, chợ thường đông kín và náo nhiệt.
Vì là đồ cũ nên người mua thường chấp nhận may rủi. Ông Lê Thanh Toàn hiện sống tại khu chung cư Lý Thường Kiệt cho biết: “Ở đây là những thứ đồ đã qua sử dụng không bảo hành, bảo đảm. Nên người mua phải có kinh nghiệm. Nhiều đồ tưởng là đồ cũ thật nhưng thực ra là đồ đã hỏng được “mông” lại.
Trao đổi với chúng tôi, một nhân viên thuộc tổ dân phòng phường 7, quận 11 cho biết: “Trước đây, chỉ có một vài người mang điện thoại cũ, linh kiện điện thoại Trung Quốc bày bán nên không gây ảnh hưởng đến việc ùn tắc, mất trật tự công cộng.
Hiện nay, khu vực đã hết sức huyên náo và lộn xộn. Khi lực lượng dân phòng hết giờ làm việc, chợ lại từ vỉa hè “bung” ra lòng đường với đủ mọi mặt hàng khiến những người tham gia giao thông bức xúc.
Anh Vũ Minh Long, quận 11 cho biết: “Chiều tan tầm tôi phải đón con nhỏ đang học mẫu giáo. Khoảng 6 giờ, vừa mệt vừa đói lại bị tắc đường vì người dân đỗ xem hàng, trả giá, cãi cọ. Ngày nào cũng vậy tạo nên một tâm lý ức chế cho người đi đường như chúng tôi.
Cùng chung cảm xúc trên, nhiều người dân tham gia giao thông trên tuyến đường Âu Cơ, P.14, quận Tân Bình cũng khẳng định: Tuyến đường này đã nhỏ hẹp và rất chật chội. Bình thường đi lại đã khổ, vào giờ cao điểm lại càng khổ sở hơn. Đã thế, hiện nay, nhiều người còn đem đồ cũ ra bày bán trên vỉa hè khiến người dân túm tụm lại xem, mua… làm đường liên tục kẹt xe”.
Theo Nguoiduatin