>> "Alô, taxi trực thăng..."
>> Đi làm bằng trực thăng riêng!
>> Đại gia Trung Quốc thuê trực thăng đón dâu
>> Cần thêm hàng chục tỷ USD cho ước mơ tàu chạy 90km/h
Qua sự kiện này, nhiều người cũng biết tới một dịch vụ mới đang phát triển ở Việt Nam, đó là thuê trực thăng đi du lịch, khảo sát, công tác, chữa bệnh, quay phim chụp ảnh, tổ chức sự kiện…
Thực tế, dịch vụ này đã xuất hiện ở Việt Nam từ vài năm nay, song một năm trở lại đây, dịch vụ thuê trực thăng mới bắt đầu thu hút khách.
Sự kiện gây chú ý nhất cho các hãng du lịch Việt phải kể đến việc một một tỷ phú người Mỹ đã đặt 100.000 USD để thuê chiếc trực thăng EC155 B1 của Công ty lữ hành Vitours từ Đà Nẵng đi tham quan các di sản văn hóa, kiến trúc và thiên nhiên tại miền Trung như Huế, Phong Nha… vào năm ngoái.
Theo chị Tán Mỹ Hạnh, Phòng Điều hành, Công ty lữ hành Vitours, đơn vị cung cấp dịch vụ cho thuê trực thăng phục vụ các nhu cầu du lịch, khảo sát, quay phim, chụp ảnh, y tế…, Vitours xin được giấy phép mở dịch vụ cho thuê cũng như du lịch bằng trực thăng vào tháng 12/2010, tới tháng 1/2011 thì công ty khai thác chuyến bay đầu tiên, xuất phát từ Sân bay Quốc tế Đà Nẵng đi tham quan một số danh lam thắng cảnh của tỉnh.
Từ đó đến nay, dịch vụ này vẫn túc tắc đón khách, chủ yếu là nhu cầu tham quan du lịch hay các doanh nhân trong và ngoài nước đi khảo sát địa hình, dự án bất động sản từ trên cao. “Hiện trong 10 khách hàng của công ty thì có 1 người ở khách sạn 5 sao, trong 10 người ở khách sạn 5 sao thì có 1 người dùng dịch vụ bay trực thăng”, chị Hạnh nói.
Dịch vụ thuê trực thăng đang ngày càng được biết đến tại Việt Nam.
Vitours hiện có hai chiếc trực thăng cho dịch vụ này. Một chiếc mang hiệu MI 17, 24 chỗ ngỗi, sản xuất tại Nga. Giá thuê trực thăng loại này ở mức 4.800 USD/giờ, tương đương gần 100 triệu đồng.
Nếu khách hàng có ý định quay phim, chụp ảnh thì chi phí sẽ cao hơn, dao động từ 5.700 đến 6.200 USD/giờ (114 triệu đến 124 triệu đồng). Chiếc trực thăng còn lại mang hiệu EC155, 12 chỗ ngồi, sản xuất tại Pháp. Chiếc trực thăng này có giá thuê cao gần gấp đôi chiếc MI 17, với 8.400 USD/giờ (168 triệu đồng). Nếu quay phim, chụp ảnh thì mức giá dao động trong khoảng 8.950 – 9.300 USD/giờ (179 triệu – 186 triệu đồng).
Đối với dịch vụ đi du lịch, đi khảo sát địa hình bằng trực thăng, khách hàng ngoài việc thuê nguyên chuyến thì có thể đi theo hình thức ghép đoàn, giá sẽ mềm hơn rất nhiều. Giá vé khác nhau tùy từng hành trình, song dao động từ 4,5 triệu đến 5,9 triệu cho các tour du hành trong cùng khu vực.
Đi du lịch bằng trực thăng mang tới cho du khách rất nhiều trải nghiệm thú vị. Có những chiếc trực thăng taxi hay còn gọi là air taxi có động cơ còn hơn một chiếc ô tô việt dã, nó có thể bay lơ lửng một chỗ trên không, bay thụt lùi, xoay tròn 360 độ tại chỗ, hoặc vừa bay tới vừa xoay đầu lại. Thậm chí, nó có thể sà hoặc đáp ngay xuống mặt biển lặng sóng.
Theo một đại diện của Công ty bay dịch vụ miền Bắc (trực thuộc Công ty Trực thăng Việt Nam - Bộ Quốc phòng), tốc độ của trực thăng nếu phục vụ khách đi du lịch thì thường bay trung bình từ 100 đến 250 km/h, song nếu trong trường hợp khẩn cấp như đưa người bệnh đi cấp cứu thì vận tốc có thể tăng lên 350 – 500 km/h tùy loại.
Trong những chuyên du lịch ngắm cảnh quan, núi non, trời biển, trực thăng có thể bay ở độ cao từ 150m đến 700m so với mặt nước biển.
Một điều thuận lợi nữa khi khách hàng đi du lịch hay bênh nhân đi cấp cứu bằng trực thăng là nó có thể đáp ngay xuống những khu resort, khu vực có khuôn viên rộng khoảng 250 m2 nếu không có cây cối xung quanh, hoặc trên các sân đậu trực thăng của các tòa cao ốc như BIDV (Hà Nội)…, chứ không nhất thiết phải cất cánh hay hạ cánh tại các sân bay.
Chính Công ty bay dịch vụ miền Bắc là đơn vị được người nhà chị Thảo ở Hà Tĩnh thuê máy bay trực thăng để đưa chị Thảo ra Hà Nội cấp cứu sau vụ tai nạn bị xe tải chở đá cán phải. Nếu lúc đó gia đình chọn ô tô để chở chị Thảo từ Hà Tĩnh ra Hà Nội cấp cứu thì phải mất tới 7 – 8 tiếng mới đến nơi, lại không an toàn. Trong khi đi trực thăng chỉ mất khoảng 1 tiếng.
Thực tế, dịch vụ bay trực thăng cấp cứu y tế xuất hiện ở Việt Nam cả chục năm nay, song trước đây khách hàng chủ yếu là các doanh nghiệp dầu khí hoạt động sản xuất kinh doanh trong địa hình đặc thù là các giàn khoan trên biển, nên ít người biết đến dịch vụ này. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người có điều kiện kinh tế sẵn sàng gọi trực thăng chuyển người nhà đi cấp cứu ở những bệnh viện tuyến trên.
Đại diện Công ty Trực thăng Miền Bắc cho biết thêm, doanh nghiệp đang khai thác 7 chiếc trực thăng chủ yếu sản xuất tại Nga và Pháp, mang các nhãn hiệu MI 17, MI 172, EC-155B1… Giá dịch vụ thuê nguyên chuyến dao động từ 4.500 đến 7.300 USD/h.
Còn tại Công ty Trực thăng Miền Nam (cũng là đon vị trực thuộc Công ty Trực thăng Việt Nam), giá bay dịch vụ thấp nhất là 3.650 USD/h. Với khách hàng đã ký hợp đồng từ trước, trực thăng sẽ đến sau 45 phút sau khi có cuộc gọi, hợp đồng thanh toán sau.
Với khách lẻ, máy bay có thể đến chậm hơn do phải khảo sát địa hình điểm cất - hạ cánh, đồng thời khách phải đặt cọc 100% chi phí dự toán ban đầu dựa trên độ dài đường bay. Doanh nghiệp này hiện có 4 máy bay trực thăng có thể cung cấp dịch vụ du lịch, cấp cứu y tế, khảo sát địa hình, quay phim chụp ảnh…
Đa số công ty cung cấp dịch vụ bay trực thăng đều cho biết, các chuyến bay cấp cứu y tế chiếm tỷ trọng rất ít so với các nhu cầu khác như du lịch, khảo sát… “Song chính những chuyến bay này mới khiến người dân biết nhiều hơn tới dịch vụ thuê trực thăng tại Việt Nam, bởi năm nào cũng có một vài chuyến cấp cứu bằng trực thăng gây xôn xao dư luận.
Chẳng hạn như trong đợt lũ lụt tại các vùng núi phía Bắc vài năm trước, khu du lịch Sapa bị chia cắt, một nhóm du khách tại Hà Nội đã hợp đồng với Công ty trực thăng Miền Bắc “phái” nguyên một chiếc trực thăng đến đưa đại gia đình họ “thoát hiểm” khỏi vùng đất đang bị chia cắt.
Hay hồi tháng 4 năm nay, một bé sinh non ở tuần thai 26 với cân nặng 1,2kg đã được gia đình thuê máy bay đưa từ Bệnh viện tỉnh Lai Châu về Hà Nội để cứu chữa…
Tuy nhiên, hiện đa số khách hàng thuê trực thăng cấp cứu là người nước ngoài, đi du lịch mạo hiểm, gặp tai nạn, không có cách nào khác phải dùng máy bay trực thăng để chuyển gấp về Hà Nội. Còn bệnh nhân là người Việt rất ít bởi chi phí đắt đỏ”, vị đại diện Công ty trực thăng Miền Bắc nói.
Theo Đất Việt