Mới 27 tuổi, nhưng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Văn Toàn (xã Việt Lâm, Vị Xuyên, Hà Giang) mang về tổng doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng. Đồng bào dân tộc nơi đây đã học theo anh vươn lên thoát nghèo, cùng nhau làm giàu.
Sinh ra ở vùng quê miền núi, điều kiện kinh tế còn thiếu thốn trăm bề, anh hiểu hơn ai hết nỗi khổ của đồng bào dân tộc nơi đây. Người dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn túng thiếu triền miên. Năm 2005, tốt nghiệp THPT, anh Toàn chọn con đường về quê phát triển nông nghiệp.
Sau vài năm xoay sở tìm hướng đi, năm 2009, anh có quyết định “táo bạo”, cải tạo vườn đồi bỏ hoang, xây dựng chuồng trại nuôi lợn theo hướng hàng hóa.
Lập trang trại giữa đồi hoang
Khi biết tin anh Toàn đến ngân hàng vay 100 triệu đồng, mọi người trong nhà phát hoảng trước việc làm “liều lĩnh” đó, vì nếu thất bại thì bán cả đất lẫn nhà cũng không đủ trả nợ ngân hàng.
Giữa vùng đồi núi hoang vu của xã Việt Lâm mọc lên một trang trại tổng hợp bề thế, báo hiệu một “bước ngoặt” làm thay đổi nếp nghĩ, lối làm ăn cũ của đồng bào dân tộc vốn chỉ quen với cây lúa, cây ngô.
Anh Nguyễn Văn Toàn bên dãy nhà nuôi lợn.
“Ở đây, làm kinh tế trang trại là một điều xa lạ, mới mẻ với đồng bào dân tộc. Tôi là một trong những người đầu tiên ở huyện Vị Xuyên nuôi lợn với quy mô lớn”, anh Toàn nói.
Mới đầu anh Toàn làm ăn theo kiểu “cò con”, nuôi vài chục con lợn. Ngay lứa lợn đầu tiên xuất chuồng, anh thu về hơn 34 triệu đồng, cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa, ngô. Lợi nhuận cao, anh tính chuyện tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại.
Ngay dưới dãy nhà chăn nuôi lợn, anh đào ao rộng hơn 3.000m2 gần khe suối để thả cá. Với cách làm này, anh vừa tận dụng chất thải của lợn để nuôi cá, vừa giảm ô nhiễm môi trường, mỗi năm thu khoảng 60 triệu đồng từ cá.
Ba năm sau, anh Toàn trả hết nợ nần, cất được ngôi nhà sàn bằng ngỗ chắc chắn, to đẹp và sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt.
Anh tâm sự: “Nếu ngày ấy, tôi không làm liều, vay tiền ngân hàng phát triển kinh tế trang trại thì không có được cơ ngơi như ngày nay. Ở vùng đất miền núi này, tôi là người đầu tiên đi vay cả trăm triệu đồng để đầu tư cho một cách làm ăn mới, nuôi lợn quy mô lớn, thả cá, trồng rừng”.
Hiện, trang trại của anh Toàn nuôi 14 con lợn nái và gần 200 con lợn thương phẩm. Mỗi tháng anh xuất ra thị trường hơn 4 tấn lợn. Năm 2011, trang trại anh có tổng doanh thu hơn 1,4 tỷ đồng, trừ mọi chi phí anh thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Hiện thực hóa giấc mơ no ấm
Kể từ khi anh Toàn mạnh dạn phát triển kinh tế trang trại tổng hợp đã mở ra một hướng làm ăn mới, phá thế độc canh cây lúa ở Việt Lâm. Người dân học theo anh, đua nhau làm giàu từ chăn nuôi.
Nghe anh say sưa nói về con lợn, con cá, không ít người đã xóa bỏ vườn đồi bỏ hoang, xây chuồng trại nuôi lợn quy mô lớn, kết hợp đào ao thả cá.
Tính riêng xã Việt Lâm có hơn 20 hộ đầu tư làm trang trại nuôi lợn. Trong đó, nhiều gia đình có tổng thu nhập 500 - 600 triệu đồng mỗi năm.
“Bà con đến học hỏi cách thức làm ăn, mình đều hướng dẫn tận tình, chu đáo. Tôi cũng mong muốn quê hương đổi mới, đi lên. Người dân trong làng, trong xã ngày càng có cuộc sống khấm khá hơn”, anh Toàn tâm sự.
Những năm về trước, gia đình anh Nguyễn Duy Huy, người dân tộc Tày, ở xã Việt Lâm chỉ sống nhờ vào mấy thửa ruộng. Cả nhà gọi là đủ ăn. Anh không dám nghĩ, có ngày, mình cầm hàng trăm triệu đồng trên tay.
Giấc mơ làm giàu của anh đã trở thành hiện thực nhờ phát triển kinh tế trang trại. Năm 2010, sau khi đến nhà anh Toàn xem mô hình và tham khảo kỹ thuật, anh bắt tay vào làm chuồng trại nuôi lợn theo hướng công nghiệp.
Trung bình mỗi năm, anh Huy xuất ra thị trường khoảng 10 tấn lợn thương phẩm, thu về trên 400 triệu đồng.
Không chỉ người dân trong xã, nhiều cán bộ đoàn ở vùng cao của huyện Bắc Mê, Hà Giang, rồi tỉnh Bắc Kạn cũng đã tìm đến thăm quan trang trại của anh với mong muốn có một hướng đi mới để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc nơi họ sinh sống.
Với ý chí vượt khó đi lên, anh Nguyễn Văn Toàn đã được trao Giải thưởng Lương Định Của - phần thưởng cao quý của Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành cho những điển hình thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới...