Doanh nghiệp Việt vượt khủng hoảng

Thứ hai, 20/08/2012, 10:50
Trong khủng hoảng vẫn có những doanh nghiệp đạt lợi nhuận lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đón trúng nhu cầu thị trường, và biết dừng đúng lúc là những bí quyết vượt khó khăn hiện nay.
 
Tính đến cuối tháng 7, cả nước có hơn 30.000 doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, ngừng hoạt động, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Song bên cạnh đó, không ít đơn vị tiếp tục tăng trưởng, đạt lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng.
 
Trong khi thị trường điện máy có phần trầm lắng thì nhiều mặt hàng của Kangaroo vẫn bán chạy đặc biệt là hàng gia dụng, thiết bị nhà bếp. Từ đầu năm tới nay, hãng cũng liên tục tuyển nhân viên bán hàng, mở rộng đại lý phân phối. Hiện có 3.000 đại lý trên toàn quốc, dự kiến từ nay đến cuối năm, hãng sẽ phát triển thêm 1.000 đại lý nữa.
 
Khủng hoảng là điều không ai mong muốn, song Tổng giám đốc Tập đoàn Kangaroo Nguyễn Thành Phương cho rằng đó cũng chính là cơ hội để các đơn vị có thực lực vượt lên. Điều cốt lõi là doanh nghiệp phải bắt nhịp được với thị trường, đưa ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khả năng mua sắm của người tiêu dùng.
 
Phát triển hệ thống phân phối, tung ra dòng sản phẩm đúng và trúng với nhu cầu của thị trường là hoạt động được nhiều doanh nghiệp Việt làm để vượt bão khủng hoảng.

Theo ông Phương, hiện nay, sức mua giảm sút là điều nguy hiểm nhất đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Vì thế, Kangaroo luôn phải nghiên cứu kỹ, đưa ra sản phẩm đúng và trúng nhu cầu của thị trường.

Đơn cử, do nguồn tiền trong dân hiện nay ít nên phân khúc hàng thiết yếu, bình dân được chú trọng hơn, nhưng bên cạnh đó, hãng vẫn phải tung ra sản phẩm đắt tiền hơn như bếp từ hồng ngoại, hút mùi cảm biến khí gas... để giữ khách hàng cao cấp.

 
Báo cáo từ Công ty Vissan cũng cho thấy, mặc dù chịu tác động của khủng hoảng kinh tế song doanh nghiệp vẫn phát triển ổn định. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, doanh thu của Vissan là 2.310 tỷ đồng, đạt lợi nhuận 70 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Tổng giám đốc Công ty Vissan Văn Đức Mười cũng cho rằng, để vượt khó hiện nay là thay đổi tư duy kinh doanh. Ông giải thích, do xuất phát điểm từ thời kỳ bao cấp nên nhiều doanh nghiệp Việt chỉ chú trọng đến sản xuất. Nhưng hiện sức mua giảm sút, hàng hóa bão hòa nên quan điểm đó không còn phù hợp.
 
"Từ chỗ chỉ mải lo sản xuất, giờ chúng tôi đã chăm chút hơn và đẩy mạnh hệ thống phân phối. Sản phẩm đến được với người tiêu dùng, hàng hóa tiêu thụ tốt thì mới có thể tránh tình trạng tồn kho", ông Mười nói.
 
Trong 6 tháng đầu năm, Công ty cổ phần sữa Việt Nam cho biết, Vinamilk đạt 13,018 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2011. Lợi nhuận sau thuế tăng gần 32%. Dự kiến đến hết năm 2012, Vinamilk sẽ đạt tổng doanh thu khoảng 26,5 tỷ đồng.
 
Bí quyết của Vinamilk được một lãnh đạo của hãng chia sẻ là luôn phân tích chính mình và không nhất thiết phải theo xu hướng đám đông.

Bằng chứng là cách đây vài năm, có người cho rằng với tiềm lực và thế mạnh sẵn có, Vinamilk nên mở rộng sang ngành thực phẩm. Song sau 2 năm phát triển một số mặt hàng, Công ty cổ phần sữa Việt Nam thấy không hiệu hiệu quả nên đã bán những nhãn hàng đó, tập trung chuyên sâu cho ngành sữa nhiều hơn – trái ngược với việc mở rộng đa ngành nghề mà nhiều công ty thường làm.

 
Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức nhấn mạnh ở thời điểm này không ai dám vỗ ngực nói rằng mình khỏe, nhưng doanh nghiệp nào còn trụ vững qua các đợt bão kinh tế vừa qua, chứng tỏ họ có tiềm lực. Cuộc đào thải khắc nghiệt trong gần 4 năm gần đây đã khiến những doanh nghiệp nhỏ, yếu chấp nhận bỏ cuộc chơi.

"Mấy chủ doanh nghiệp chúng tôi gặp nhau còn nói vui rằng: nhiều doanh nghiệp Việt mình giỏi, trong khi không ít tập đoàn sừng sỏ thế giới tuyên bố phá sản thì họ vẫn đạt được doanh thu cao và có lợi nhuận", ông Đức chia sẻ.

 
Theo ông, khi nói về kinh nghiệm vượt khủng hoảng, công thức chung nhiều người đề cập là: có chiến lược dài hơi, đánh trúng thị trường, cắt giảm chi phí và biết dùng người... Tuy nhiên, ông Đức cho rằng căn bản nhất là mỗi doanh nghiệp phải nhìn nhận đúng về mình, không lạc quan tếu nhưng cũng không quá bi quan. Điều quan trọng nhất là biết dừng đúng lúc và "điều tiết lòng tham".
 
Ông Đức lấy ví dụ ngay từ năm 2008, kinh tế thế giới đã ở giai đoạn cực kỳ bê bết. Thời điểm đó, nhiều người đưa ra dự đoán kinh tế sẽ phục hồi vào các năm 2009, rồi 2010...

"Từ đó đến nay, chưa khi nào cơ thể nền kinh tế khỏe mạnh cả, ngay cả khi được tiêm rất nhiều liều thuốc. Qua năm 2008, chúng tôi đã nhận định 2 lĩnh vực gồm chứng khoán, bất động sản sẽ gặp khó. Vì thế, Hoàng Anh Gia Lai đã chủ động giãn dần các khoản đầu tư vào lĩnh vực này. Chúng tôi không bỏ mà không coi là lĩnh vực cần chú trọng để đầu tư mạnh", ông Đức chia sẻ.

 
Theo ông, với lãi vay ngân hàng cao thì doanh nghiệp cần chắt lọc, lựa chọn dự án sinh lãi cao so với đồng vốn bỏ ra. Đơn cử như lãi ngân hàng 18-20% mà lợi nhuận chỉ 25-30% thì không mang lại hiệu quả.

"Lãnh đạo tập đoàn đã rất nhiều lần phải ngồi lại để phân tích từng lĩnh vực một và tính toán xem nếu bỏ tiền vào thì lợi nhuận thu về là bao nhiêu. Ngay cả lĩnh vực thế mạnh nhưng nếu nhìn trước không mang lại lợi nhuận, chúng tôi cũng nhất định không mạo hiểm đầu tư", ông Đức nhấn mạnh.

 
Ông Đức cho biết thêm, thời điểm này "tiền mặt là vua" và ai có nhiều tiền mặt người đó sẽ thắng. "Doanh nghiệp nào hoạt động cũng phải dự trữ tiền mặt để đảm bảo tính thanh khoản, nhất là khi ở Việt Nam thời điểm này, ngân hàng chưa phải là cứu cánh thường trực", ông nói
 
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng để vượt khó trong bối cảnh khủng hoảng, trước hết, các doanh nghiệp Việt cần giải quyết nợ xấu, khôi phục vòng sản xuất, xem xét lại biến đổi của nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh vẫn cần áp dụng khoa học công nghệ và kiên quyết giữ nguồn nhân lực cốt lõi của mình, dù khó khăn. Theo ông, điều tối kỵ là nuôi những "xác chết biết đi" - biết đã chết nhưng vẫn cố đổ tiền vào đó.

 
Chuyên gia kinh tế cho biết thêm, đúng là tình hình kinh tế hiện nay rất khó khăn. Song không nên vì thế mà đánh giá tình hình kinh tế tất cả đều ảm đạm đến mức tuyệt vọng. Bởi trong bức tranh tối vẫn còn có những nét sáng nhưng tỷ lệ đó là bao nhiêu, lên xuống như thế nào thì cần sự nghiên cứu nghiêm túc.

"Tôi cho rằng bên cạnh hàng nghìn doanh nghiệp phá sản thì vẫn có nhiều đơn vị vẫn sống khỏe, nhất là khi doanh nghiệp Việt đã có điều chỉnh mạnh tay để phù hợp với thị trường hiện nay", ông Doanh nói.
 
Theo VnExpress

Các tin cũ hơn