Nghịch cảnh ở Việt Nam: Hết "vươn"... lại "chui" lòng đất

Thứ bảy, 18/08/2012, 14:43
Khi các dự án trên cao không còn chỗ “vươn ngọn” thì lòng đất đang được nhiều nhà đầu tư “nhòm ngó” bởi lâu nay phần không gian này vẫn đang bị lãng phí.

>> Bình Chánh: Hầm chui thành nơi chứa rác, phóng uế
>> Hầm Thủ Thiêm vắng ngắt sau tin nứt dột
>> TP.HCM chi 56 tỷ đồng xây 4 tuyến đường trên cao
>> Đường hầm Thủ Thiêm đóng cửa 5 giờ vì bùn

Việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 được các chuyên gia, cũng như nhà đầu tư đặt nhiều hy vọng để làm “bệ phóng” cho khung pháp lý về không gian ngầm.

Mạnh ai nấy xây

Không gian ngầm tại Việt Nam (VN) được các chuyên gia đánh giá còn rất nhiều tiềm năng và có thể trở thành không gian thứ hai của đô thị. Thế nhưng chưa vội  nói về quy hoạch, các chủ trương và khung pháp lý liên quan đến không gian ngầm để định hướng khai thác cũng chưa được các nhà quản lý chú trọng.

Trong hội thảo về không gian ngầm đô thị do Bộ Xây dựng, GTVT phối hợp với UBND TP HCM tổ chức mới đây, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, cho biết, hiện không gian ngầm tại các đô thị được sử dụng cả về bề rộng lẫn bề sâu để chứa đựng các tầng hầm và móng cọc sâu đến 50 - 60m của các cao ốc.

Điều đó có nghĩa người được quyền sử dụng đất trên mặt thì nghiễm nhiên cũng có quyền sử dụng không hạn chế phần ngầm tương ứng.

Hầu hết các công trình đang thi nhau tận dụng lòng đất song việc quản lý “đất vàng” này vẫn đang bỏ ngõ. (Trong ảnh: Hầm chui vượt sông Sài Gòn - một trong những công trình ngầm kết nối giao thông hai quận 1 và 2 của TP HCM).

Trong khi đó, hiện tại và tương lai, không gian ngầm không còn chỉ là nơi để chứa các tuyến cáp ngầm hay ống cống, mà sẽ có cả không gian đô thị tương ứng mặt đất. Ví dụ, TP HCM sắp tới sẽ thực hiện 6 tuyến tàu điện và tuyến nào cũng có đoạn đi ngầm dưới đất.

Song tình trạng mạnh ai nấy xây, không có đầu mối quản lý khiến việc thực hiện các công trình ngầm hiện nay rất khó khăn vì thiếu số liệu về hiện trạng, địa chất, thủy văn….

Ông Vũ Sỹ Kiên, Cục Quy hoạch đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN-MT, cũng cho hay hiện sở hữu công trình ngầm vẫn chưa có quy định cụ thể.

Hiện nay việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình ngầm tuân theo quy định của pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Các công trình ngầm là tầng hầm của các công trình trên mặt đất chỉ được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho công trình trên mặt đất.

Phần ngầm được ghi nhận trong bản vẽ kiến trúc, bản đồ mặt cắt, dự án đầu tư… kèm theo, nhưng lại không được ghi nhận trong QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Trên thực tế chưa có quy định về cấp QSDĐ đối với các công trình độc lập  mà chủ sở hữu không có QSDĐ bề mặt, cũng như xác định quyền và cấp chứng nhận QSDĐ cho các công trình ngầm nằm đan xen với móng, tầng hầm của các tòa nhà, cũng như chưa có quy định về quyền đi qua của các tuyến đường cấp điện, nước… để xử lý các vấn đề phát sinh trong sử dụng đất công trình ngầm.
 
Thất thu ngân sách

Thiếu những quy định liên quan nên việc thực hiện thu tiền sử dụng đất không gian ngầm, mỗi nơi thực hiện theo một kiểu riêng.

Theo ông Kiên, từ trước khi Nghị định 69/2009 có hiệu lực, Hà Nội và TP HCM đã có nhiều dự án sử dụng đất xây dựng công trình ngầm.

Đối với các công trình sử dụng đất có khai thác phần không gian bên dưới, trong ranh giới sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm thì việc thu tiền sử dụng đất chỉ tính đối với diện tích trên bề mặt.

Đối với các công trình ngầm độc lập không sử dụng đất trên mặt thì nộp tiền thuê đất theo quy định tại công văn 803 của Thủ tướng Chính phủ về thu tiền sử đụng đất đối với dự án dưới lòng đất, chỉ bằng 50% so với mức giá thuê đất trên mặt đất.

Với công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị như hào kỹ thuật để ngầm hóa hệ thống điện, cáp viễn thông, truyền hình… đã được giao đất hoặc cho thuê đất thu hoặc miễn tiền sử dụng đất trong thời gian công trình đang thu hồi vốn. Như vậy, vẫn còn thiếu quy định về thu tiền sử dụng đất, thuê đất để xây dựng phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất.

TS Liêm cho rằng, sắp tới sửa đổi Luật Đất đai nên quy định rõ “tài nguyên trong lòng đất bao gồm cả không gian ngầm”, và các quy định cụ thể liên quan đến quyền sử dụng không gian ngầm. Còn ông Kiên đề xuất hai phương án: giữ nguyên mẫu chứng nhận QSDĐ hiện nay và sử dụng để cấp cho người sử dụng đất công trình ngầm, hoặc ban hành thêm mẫu giấy chứng nhận để cấp riêng: chứng nhận QSDĐ không gian ngầm và quyền sở hữu công trình ngầm.
 
Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn