>> Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang ở đâu?
>> Lợi ích nhóm đang chi phối trong việc điều hành giá xăng dầu?
>> Xem người dân ứng phó với xăng tăng giá
>> Xăng tăng giá bồi thêm cú đòn đau vào doanh nghiệp
>> Điện, xăng, gas dồn dập tăng giá: Người dân bị 'sốc'
Với đa phần người Việt, hai cái bánh xe gắn máy mới thật là đôi chân của họ. Trong trường hợp giá xăng tiếp tục tăng nữa thì có lẽ sẽ có một cuộc “cách mạng” lưu thông.
Nhưng dù mọi công dân Việt Nam có chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng hay đi xe đạp, đi bộ cũng phải hứng chịu hàng loạt cơn bão giá ăn theo khác làm bốc hơi khoản lương căn bản vốn ít ỏi, eo hẹp.
Không chỉ là chuyện tăng giá xăng, lúc này, những công dân sử dụng công lộ còn phải đối diện trước bất ổn về chất lượng của các công trình giao thông công cộng.
Hầm Thủ Thiêm được thiết kế với tuổi thọ trăm năm chưa ăn thôi nôi đã rỉ nước, đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương xuống cấp không phanh, thậm chí mọi con đường lớn nhỏ của cả TP.HCM dù trải nhựa nóng hay nhựa nguội nếu không ổ gà, ổ voi thì cũng gập ghềnh trúc trắc.
Mọi công dân dù muốn dù không phải chấp nhận sự áp đặt về giá cả và chất lượng của hệ thống kinh doanh độc quyền các mặt hàng thiết yếu.
Chấp nhận nhưng vẫn phải hỏi rằng: tại sao mình đóng thuế đủ, ngày càng phải trả giá cao hơn cho các nhu cầu thiết yếu trong khi chất lượng các công trình hạ tầng giao thông và phúc lợi xã hội vừa mọc lên lại nhanh chóng xuống cấp?
Khi xăng tăng giá, nhiều người dân không quan tâm đến chỉ số tiêu thụ xăng của một chiếc xe gắn máy, họ chỉ quan tâm đến cự ly di chuyển và so sánh lượng xăng tiêu tốn theo cách tính giá một tô phở hoặc một ngày tiền chợ.
Lợi nhuận các tập đoàn kinh doanh xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu – dưới góc nhìn xã hội – đang thông qua việc tăng giá xâm phạm ngày một nhiều hơn, sâu hơn vào sự yên bình, tính an toàn của từng cá nhân và từng gia đình.
Một nền kinh tế bất kể các giá trị nhân văn, chỉ chăm chăm chạy theo lợi nhuận tự nó đã phá vỡ nền tảng đồng thuận xã hội, đặt cả hệ thống kinh tế vào thế đối lập với những giá trị phúc lợi chính thống.
Ở một trạm xăng trên đường Lý Thường Kiệt, quận 11, một nhân viên bơm xăng đã giải thích tăng giá xăng là do giá dầu thế giới biến động và nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm ngưng hoạt động.
Một người đàn ông có vẻ ngoài là dân chạy xe ôm, nói: “Hồi trước nghe có cái nhà máy lọc dầu ai cũng phấn khởi, bây giờ nghe nó nay ngưng mai nghỉ để các cha có lý do tăng giá!”
Khi chuyện tăng giá xăng cấp tập kéo theo bão tăng giá các mặt hàng thiết yếu khác, hiệu ứng sợ hãi trong cả cộng đồng cũng tăng theo.
Ai cũng biết những hàng hoá thiết yếu là cơ sở để mọi người sống và mưu cầu hạnh phúc, đó cũng là mục tiêu bình ổn phúc lợi của mọi thể chế chính trị. Trong một đất nước đang phát triển, chính sách an sinh còn thiếu hụt thì việc bảo đảm sự ổn định giá cả hoặc bù giá các mặt hàng thiết yếu phải được nhận thức như là yếu tố cốt lõi tạo ra nền tảng công bằng.
Nói chung, nếu cứ cho để những hàng hoá thiết yếu bị các nhóm lợi ích, các tập đoàn kinh tế biến thành thứ tài sản sinh lợi cho riêng họ thì mục tiêu xây dựng một quốc gia phúc lợi xem chừng đã bị những nhóm này bắt làm con tin!
Một nền kinh tế bất kể các giá trị nhân văn, chỉ chăm chăm chạy theo lợi nhuận tự nó đã phá vỡ nền tảng đồng thuận xã hội, đặt cả hệ thống kinh tế vào thế đối lập với những giá trị phúc lợi chính thống. |
Theo SGTT