Đi xe hơi rẻ như đi xe công cộng
Ý tưởng kinh doanh xuất hiện khi vào một ngày lễ Giáng sinh, Frédéric Mazzella cảm thấy đầy áp lực khi các chuyến tàu đều đã chật cứng, mà anh thì phải về nghỉ lễ cùng gia đình ở quê, cách Paris gần 500km. Sau khi được em gái cho đi nhờ xe, Frédéric để ý rằng phần lớn các ô tô cá nhân chạy trên đường đều còn trống, chỉ có người lái đi một mình. Anh thầm nghĩ rằng đây quả là một sự lãng phí.
Các thành viên chủ chốt của BlaBlaCar's Francis Nappez, Nicolas Brusson và Frédéric Mazzella.
“Ý tưởng của tôi là làm sao để sắp xếp các chỗ trống trên ô tô, cũng như khi chúng ta xếp chỗ trên máy bay hay tàu hỏa, với một công cụ tìm kiếm. Hiện giờ cầu thì có nhưng chưa hề có cung. Đôi khi bạn biết rằng hàng xóm của mình sẵn sàng cho đi nhờ xe, nhưng bạn chẳng biết anh ta đi đâu hay bao giờ đi để đi cùng cả.” Frédéric nói.
Nhờ sự quan sát và trăn trở của Mazzella ngày hôm đó, mà BlaBlaCar- công ty kinh doanh dịch vụ chia sẻ xe hơi đã được thành lập, và cho đến ngày hôm nay chủ tịch đường sắt quốc gia Pháp SNCF còn phải tuyên bố BlaBlaCar đã trở thành đối thủ cạnh tranh của họ.
Thay vì để xe có đầy chỗ trống, đi một mình trên cả môt hành trình dài, giờ đây bạn có thể kiếm thêm thu nhập, có người đi cùng hành trình với mình, còn “hành khách” của bạn thay vì phải chen chúc trên những phương tiện công cộng, giờ đây có thể đi cùng trên xe cá nhân của bạn với mức giá như khi đi phương tiện công cộng. Đó là lợi ích mà BlaBlaCar mang lại cho cả hai phía.
Mazzella nói. “Chúng ta đang học cách để sử dụng các nguồn lực của mình một cách hiệu quả hơn. Lái xe một mình trên một chặng đường mấy trăm km là một việc vô nghĩa, nhàm chán và phi kinh tế”. Mazzella chia sẻ: “Đó chỉ là mô hình kinh doanh của các hãng xe hơi. Họ bán cho chúng ta một chiếc xe có 4 chỗ ngồi, cho cả gia đình đi với nhau. Họ bán xe cho bố, mẹ rồi lại cho con cái, mỗi người sở hữu một chiếc xe và thay vì sử dụng cả 4 chỗ trên chiếc xe hơi, giờ người ta chỉ ngồi ở mỗi ghế lái. Đây là một sự lãng phí và nghe ra thật vô nghĩa”.
Bạn có thể tận dụng căn hộ và xe hơi của mình để kinh doanh
BlaBlaCar có trụ sở tại Paris, hiện có 6 triệu thành viên tham gia tại nhiều quốc gia khác nhau, kết nối những “người lái xe” và “hành khách” với nhau. Hàng triệu người sử dụng website của công ty để đăng thông tin chặng đường mà họ muốn đi và khi nào dự định sẽ đi, cũng như lấy danh sách những người lái có chung cung đường với họ, lịch sử hành trình cùng mức giá mềm như phương tiện công cộng.
Thời gian đầu khi mới thành lập BlaBlaCar phải chật vật để người lái và hành khách có thể “cung-cầu gặp nhau”. Mazzella chia sẻ: “Các hành trình có khi lệch nhau hết cả lên khi bạn có người cho đi nhờ xe trên chặng từ Paris tới Lyon vào lúc 6 giờ ngày thứ năm, nhưng người cần đi nhờ xe thì lại đi từ Montpellier tới Bordeaux vào 2 giờ chiều thứ hai”.
Bước ngoặt đến với BlaBlaCar khi một loạt các cuộc đình công làm tê liệt hệ thống giao thông Pháp. BlaBlaCar đã tận dụng cơ hội vàng này cho mình khi đưa ra thông cáo báo chí tuyên bố rằng BlaBlaCar sẵn sàng phục vụ nhu cầu đi lại của mọi người. Và thông báo này đã thu hút sự chú ý rất lớn của các phương tiện truyền thông.
Nicolas Brusson, một trong ba người đồng sáng lập BlaBlaCar cùng với Mazzella và Francis Nappez cho biết: “Đột nhiên dịch vụ của chúng tôi hoạt động trơn tru”. Lần đầu tiên mọi người bắt đầu nói về dịch vụ của công ty với những từ ngữ ngợi ca như “hữu ích, thú vụ, chi phí thấp và hiệu quả”. Sau sự kiện này, việc kinh doanh bắt đầu tiến triển, công ty mở văn phòng và thuê nhân viên đầu tiên.
Thông tin hồ sơ của các thành viên trên website sẽ cho biết họ có bao nhiêu kinh nghiệm với dịch vụ này, những người có nhiều kinh nghiệm hơn, được gọi là “đại sứ” sẽ thu hút được nhiều “hành khách” muốn đi cùng xe hơn. Hồ sơ của các thành viên cũng bao gồm phần “BlaBla” đo lường, trong đó cho biết mức độ sẵn sàng trò chuyện trên cả hành trình của mỗi người.
Tại Pháp, công ty thu 11% phí hoa hồng cho mỗi hành trình, còn tại Anh dịch vụ mới khai trương vào đầu năm nay thì họ sẽ miễn phí. BlaBlaCar đã có dịch vụ tại 12 nước Châu Âu, mới nhất là Nga và Ukraine, bổ sung vào danh sách các nước Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Ý, Bỉ, Luxembourg, Hà Lan, Ba Lan và Đức.
BlaBlaCar có thể sẽ mở rộng ra Châu Á, Mỹ và Mỹ Latinh. Họ coi các dịch vụ như xe bus, tàu lửa là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của mình. “Tình trạng kinh tế của các nước đều đang không tốt, vì vậy nó không giống như chúng ta sẽ xây thêm đường xá hay mạng lướt tàu điện. Chúng ta cần thông minh hơn trong cách tiêu thụ và vận dụng những tài sản mà chúng ta đang có, sử dụng chúng một cách hữu ích hơn.” Brusson nói. “Tôi cho rằng chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mà sự hiệu quả được đề cao. Chúng ta sẽ tiêu dùng theo một cách khác. Thực tế là giờ bạn có thể tận dụng căn hộ và xe hơi của mình để kinh doanh.
Index Ventures, quỹ dẫn đầu trong việc tài trợ cho các công ty công nghệ trong những năm gần đây đã quyết định tài trợ 100 triệu USD cho BlaBlaCar, và tin tưởng rằng công ty này sẽ còn phát triển lớn mạnh, và giá trị định giá có thể lên tới cả tỷ USD. BlaBlaCar không chỉ là một dịch vụ kinh doanh mang lại lợi nhuận, mà nó còn là việc chia sẻ kinh tế thực sự trong cộng đồng.
Theo Khampha