Phạm Ngọc Lâm - Đại gia bước ra từ bóng tối

Thứ bảy, 05/07/2014, 10:20
Cuộc đời Phạm Ngọc Lâm trầm luân hết từ ánh sáng lại vào bóng tối, rồi từ bóng tối lại đi ra ánh sáng. Để thành công được như ngày hôm nay, doanh nhân này đã phải lăn lộn, bôn ba, thậm chí là vướng cả vào vòng lao lý. Điều lý thú là phóng sự "Chuyện của một ông vua" của nhà báo Nguyễn Như Phong viết về Phạm Ngọc Lâm năm 1999 đã được luật sư T. mang ra đọc tại phiên tòa và coi đó là một phần của lời bào chữa cho Lâm. Chỉ có điều, vốn là con người thiện tâm, chỉ “máu me” làm ăn nên Phạm Ngọc Lâm mới xem lao lý cũng như một trải nghiệm sống.

“Mua của người chán, bán cho người thích”

Về Phạm Ngọc Lâm, hẳn sẽ có nhiều người thắc mắc là vì sao từ bàn tay không vào năm 1993 và 4 năm sau – năm 1997, Lâm đã có một tài sản khổng lồ trị giá hơn 10 tỷ (đấy là chỉ tính riêng nhà, đất, ô tô…). Tốc độ làm giàu như vậy kể cũng là ở mức kỷ lục. Vậy bí quyết làm giàu của Lâm là ở đâu?

Trước hết, đó là ngay từ thời kỳ đầu, Lâm đã kinh doanh đúng hướng là “mua của người chán, bán cho người thích” và tạo cho mình một uy tín tuyệt đối với các chủ hàng là người nước ngoài. Giao hàng cho Lâm là họ yên tâm bội phần, không lo bị lừa, bị quỵt nợ, không lo mất mát, hư hao.

Trong hơn hai năm, Lâm đã nhập về 2000 tấn giàn giáo xây dựng “xi cơn hen”, 3000 xe tải của Hàn Quốc. Có lần Lâm mua ở bên Nhật cả một bãi xe chuyên dụng hơn 100 chiếc… Hàng là xe máy chuyên dụng, thuế ít, thị trường đang cần, giá rất rẻ, vốn lại không phải bỏ, bán được bao nhiêu, thanh toán bấy nhiêu chả có ngân hàng nào quản lý… như vậy thì có gì mà không giàu.

Nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì sẽ chẳng có chuyện gì đáng bàn. Vấn đề là Lâm không đã vượt qua giới hạn cho phép và nhảy sang buôn lậu – đó mới là nguyên nhân để Lâm giàu lên một cách nhanh chóng.

Trên đời này, đã làm nghề buôn thì có lẽ ai cũng nghĩ mưu nghĩ kế để làm sao trốn được thuế, vì vậy buôn luôn đi kèm với… lậu. Cứ gì tư nhân đi buôn lậu, khối công ty Nhà nước còn tổ chức buôn lậu, trốn thuế một cách có tổ chức nữa kia!

Không bằng lòng với nghề kinh doanh xe máy chuyên dụng, Phạm Ngọc Lâm đã dấn thân thêm bước nữa. Lâm sang Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc… móc nối với những công ty như Century Trading Co., Japan Auto Supply, Kimback Motors Co. Ltd và đặt hàng cho các công ty có chức năng xuất nhập khẩu là Cosimex (Bà Rịa – Vũng Tàu), GMC (Công ty Vật tư tổng hợp tỉnh Phú Yên, Thimexco (Tuy Hòa, Phú Yên) và Công ty Nông – Súc sản XNK Cần Thơ.

Các công ty này sẽ ký hợp đồng ngoại, làm các thủ tục hàng hóa theo như nội dung mà Lâm đã làm sẵn. Hàng về đến nơi, các doanh nghiệp cử người ra cảng làm thủ tục hải quan, chuyển về kiểm hóa tại địa phương…

Rồi công việc tiếp theo là các doanh nghiệp trên đã biến thành những “rôbốt”, nhất cử nhất động làm theo Phạm Ngọc Lâm để hưởng chút phí ủy thác nhập khẩu. Làm như vậy hình như còn chưa thấy đủ “thoáng”, có doanh nghiệp còn để cho người Phạm Ngọc Lâm đứng ra làm đại diện cho chủ hàng, ký xác nhận trên tờ khai hải quan.

Hàng nhập về theo hóa đơn là hàng được phép nhập, có thuế suất thấp nhưng thực chất thì lại là hàng có giá trị cao, không khuyến khích nhập như hàng điện tử, điện lạnh, thiết bị vệ sinh, xe ô tô du lịch loại 4 chỗ.

Trong lần gặp tôi, Phạm Ngọc Lâm còn “tự hào” mà rằng “Em là người đầu tiên ở Việt Nam có sáng kiến nhập xe khung gầm về chế tạo thành xe vận tải. Xe nhập khung gầm giá vừa rẻ, thuế lại ít, gia công thêm chút ít là có được chiếc xe vận tải nhẹ hoặc chở khách”.

Phạm Ngọc Lâm bây giờ.

Đúng là thời kỳ đầu, Lâm có nhập về làm một số xe khung gầm và sau này, nhiều doanh nghiệp học làm theo và có thời điểm Bộ Thương mại đã cấp giấy phép cho 180 đơn vị nhập xe khung gầm. Nhưng không dừng lại ở việc nhập xe khung gầm, Lâm cùng với các chủ hàng nhập vào Việt Nam một lượng xe nguyên chiếc.

Phạm Ngọc Lâm còn “láu cá” mua xe nguyên chiếc từ Hồng Kông, Hàn Quốc rồi đem tháo rời ra, và làm thủ tục nhập về… phụ tùng. Sau đó, chúng cho lắp ráp lại, rồi mua hồ sơ, giả mạo là xe lắp ráp để đăng ký tiêu thụ. Không thể tính được chính xác Lâm đã nhập về bao nhiêu xe theo kiểu như vậy, nhưng theo hồ sơ còn lại thì Lâm đã nhập về 170 chiếc, tổng trị giá là 53 tỷ đồng. Thảo nào, Lâm làm giàu nhanh như vậy.

Năm 1996, cũng đã có vài đoàn kiểm tra liên ngành đến kiểm tra việc “lắp ráp ôtô và xe khung gầm” của Phạm Ngọc Lâm. Và theo lời Phạm Ngọc Lâm kể với tôi thì Lâm cùng Trần Quang Vũ đã phải chi hơn 100.000USD cho các đoàn này để họ… im đi. Nói về việc này, Phạm Ngọc Lâm khóc như đứa trẻ: “Giời ơi, hồi đó em mới làm có 24 xe, giá như họ cứ phạt em, cứ cấm em, đừng nhận tiền của em và thằng Vũ thì đời em đâu đến nỗi này!”.

Trong quá trình làm ăn của mình, Lâm không chỉ nhập về ô tô mà còn những loại hang khác như thiết bị vệ sinh, hàng điện tử, điện lạnh mà Lâm nhập về suốt từ năm 1994 cho đến 1996 là bao nhiêu thì chính Phạm Ngọc Lâm cũng không thể nhớ nổi, bởi lẽ mọi giấy tờ đã thành tro bụi.

Phạm Ngọc Lâm “ăn nên làm ra” và cũng không tiếc tiền chia cho những người giúp mình buôn bán. Hơn 3 tỷ đồng đó là số tiền mà Lâm “chia sớt” cho 17 vị cán bộ Cục Hải quan Cần Thơ - đây chính là một trong những việc lôi Lâm vào vòng lao lý.

Trước cơ quan điều tra, Phạm Ngọc Lâm khai báo thành khẩn và nhận hết tội về mình, chỉ mong sau này tòa án tha tội cho những nhân viên dưới quyền. Nhưng cũng chính Lâm, trong lần gặp tôi đã thú nhận một thực tế phũ phàng là: “Làm ăn bây giờ quá dễ nhưng cũng quá khó. Quá dễ với những ai làm ăn nghiêm chỉnh!”. Trường hợp nào thì có thể Lâm nói sai, nhưng riêng trong vụ án này thì Phạm Ngọc Lâm đã nói đúng, rất đúng là đằng khác.

Lời kết

Ngay từ khi chưa vào trại giam Z30D, trong quá trình xử án, Phạm Ngọc Lâm đã điều toàn bộ một số máy ủi công nghiệp ở công ty mình mở một con đường 12 km đi vào trại giam. Trong suốt quá trình ở trại, phạm Ngọc Lâm được giao phụ trách đội xây dựng. Toàn bộ số tiền Phạm Ngọc Lâm phải nộp theo bản án thì Lâm cũng đã nộp hết sức sòng phẳng.

Trong thời gian ở tù, người dân ở Hàm Thuận Bắc đã mua cho Lâm một lô đất để khi ra tù sẽ về đó sinh sống. Dân ở đây rất biết ơn Phạm Ngọc Lâm vì được Lâm xây cho trường học…. Và cũng không ít người đã được Phạm Ngọc Lâm cưu mang ở thuở cơ hàn thì sẵn sàng giúp bằng nhiều cách.

Do cải tạo tốt, đóng góp lớn và hoàn thành tất cả nghĩa vụ nên được ân giảm và được ra tù khá nhanh. Trở về cuộc sống tự do, với những tài sản còn lại của mình, Lâm thành lập công ty Đức Khải. Và những đại gia nước ngoài lại tìm đến Lâm.

Đức Khải trở thành đại lý độc quyền cho Hãng Toshiba phân phối máy lạnh tại Việt Nam, hãng thiết bị điện nổi tiếng Sino cũng vậy.

Tiếp theo là Phạm Ngọc Lâm đi vào đầu tư bất động sản, được đánh giá cao nhất nhờ xây chung cư giá rẻ cho người nghèo nhưng chất lượng tốt và UBND TP.HCM đánh giá cao.

Và hôm nay, Phạm Ngọc Lâm lại gây xôn xao với quyết định đầu tư 2 máy bay trực thăng cùng 100 tàu “khủng” để quyết làm giàu trên ngư trường Hoàng Sa.

Chúng ta cùng chúc cho doanh nhân nhiều thăng trầm này được theo đúng triết lý của nhà Phật: Từ trong ánh sáng hôm nay, sẽ mãi mãi đi vào ánh sáng.

Theo Petrotimes

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích