Mới đây, Bộ Công an đã đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao truy tố 27 bị can từng làm lãnh đạo tại Công ty Phương Nam, Ngân hàng Phát triển VN (VDB) chi nhánh Sóc Trăng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt sở giao dịch Hậu Giang, Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình chi nhánh Bạc Liêu, Ngân hàng Sacombank chi nhánh Sóc Trăng và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Sóc Trăng.
Theo kết luận điều tra từ năm 2008-2012, Công ty Phương Nam liên tục làm ăn thua lỗ, nợ nần ngân hàng với số tiền rất lớn, dư nợ năm trước chuyển sang năm sau ngày càng cao, đến cuối năm 2012 tổng dư nợ trên 1.752 tỷ đồng, số tiền lỗ lên đến trên 872 tỷ đồng.
Trụ sở Công ty Thủy sản Phương Nam. Nguồn: internet
Để Phương Nam kéo dài hoạt động, ông Lâm Ngọc Khuân (Chủ tịch HĐQT Công ty Phương Nam) chỉ đạo nhân viên thực hiện nhiều hành vi gian dối để vay được tiền của các ngân hàng. Qua giám định, tổng tài sản Công ty Phương Nam đem thế chấp chỉ có 639 tỷ đồng nhưng lại vay được số tiền lên đến trên 1.750 tỷ đồng.
Bên cạnh hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Phương Nam, cơ quan điều tra làm rõ sai phạm về việc cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, tại Vietcombank chi nhánh Sóc Trăng, nguyên Phó giám đốc Nguyễn Thị Bích Dung đã ký duyệt nhiều hợp đồng tín dụng sai quy định, thiếu kiểm tra, giám sát không chặt chẽ quá trình giải ngân gây thiệt hại số tiền lên đến trên 88 tỷ đồng.
Trong khi đó tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Sóc Trăng, cơ quan điều tra xác định, ông Nguyễn Thế Thắng - nguyên Giám đốc VDB Sóc Trăng biết thuộc cấp không kiểm tra tài sản thế chấp mà chỉ dựa vào hồ sơ của bên vay để lập báo thẩm định rồi cho vay.
Cụ thể, ông Thắng đã cùng thuộc cấp ký sáu hợp đồng tín dụng cho Phương Nam vay 1.870 tỷ đồng nhưng trị giá tài sản thế chấp thực tế rất thấp, tạo điều kiện cho ông Khuân ôm tiền bỏ trốn, gây thiệt hại cho ngân hàng.
Tương tự đối với Ngân hàng LienvietPost Bank - Sở giao dịch Hậu Giang, nguyên Giám đốc Sở giao dịch Đỗ Hùng Sở đã không chỉ đạo cấp dưới kiểm tra, xác minh tài sản, hàng tồn kho luân chuyển mà Phương Nam thế chấp; không kiểm tra hồ sơ cấp dưới trình ký... gây thiệt hại lớn cho ngân hàng.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra chỉ ra một số sai phạm của lãnh đạo và cán bộ Agribank Sóc Trăng trong việc thẩm định hồ sơ, thẩm định tài sản thế chấp, giải ngân và kiểm tra sau giải ngân. Cụ thể, Công ty Phương Nam còn dư nợ Agribank trên 534 tỷ đồng, trong đó nợ gốc gần 499 tỷ đồng.
Ngày 15/5/2014, Hội đồng Định giá Tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Sóc Trăng kết luận 22/26 hợp đồng thế chấp theo giá Nhà nước là trên 104 tỷ đồng, giá thị trường thời điểm 9/2013 chỉ là hơn 302 tỷ đồng; từ chối định giá 4 hợp đồng thế chấp tài sản (giá trị 4 hợp đồng gần 84 tỷ đồng). Cơ quan điều tra chỉ xác định, đến 9/2013, tổng giá trị thế chấp của Công ty Phương Nam tại Agribank là gần 387 tỷ đồng.
Hiện tại người đại diện theo pháp luật của Công ty Phương Nam là ông Lâm Ngọc Khuân đã bỏ trốn ra nước ngoài và để lại khoản nợ hàng ngàn tỷ đồng.
Theo GĐ VN