Sau cuộc họp với các chủ nợ vào cuối tháng 7, Thủy sản Phương Nam đã đồng ý để cho các ngân hàng rao bán hàng tồn kho, thu tiền về tài khoản đồng sở hữu mở tại một ngân hàng để thanh toán nợ. Tuy nhiên, sau một tháng, các ngân hàng không tìm được đối tác nên quyết định để Phương Nam trực tiếp bán và xuất kho. Nguyên nhân là giá trị thực tế so với sổ sách chênh lệch gần 30 lần. Đối với hàng tồn kho, khi doanh nghiệp chưa vướng nợ nần, tổng giá trị hàng hóa đã lên đến 700 tỉ đồng. Hiện nay, Công ty đã kiểm kê và xác định còn trên 260 tấn hàng, trị giá hơn 22 tỉ đồng.
Sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp chỉ có 2 triệu USD. Tuy nhiên sau tái cấu trúc, doanh số tăng hơn 4 lần, tức 8,5 triệu USD chỉ trong 2 tháng sau đó.
Thủy sản Phương Nam cho biết đến năm 2019 sẽ trả hết nợ. Công ty tiếp tục duy trì xuất khẩu sang Mỹ 45-50%, Nhật 25%, châu Âu 20%; còn lại là Canada, Hàn Quốc và Malaysia. Phương Nam cũng đặt mục tiêu lọt vào top 10 doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu lớn nhất nước vào năm 2015. Đơn vị hỗ trợ tài chính chủ yếu cho Thủy sản Phương Nam là Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostbank).
Có thể thấy, ông Trần Văn Trí là người có tài tái cấu trúc doanh nghiệp bên bờ vực phá sản. Ông Trí từng vực dậy Thủy sản Bình An với sự hỗ trợ của các đối tác. Trong quá trình tái cấu trúc, việc kêu gọi sự hỗ trợ của ngân hàng ông sử dụng rất có hiệu quả. Nếu đối tác tài chính của Phương Nam là LienVietPostbank thì Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) là đơn vị trực tiếp tái cấu trúc tài chính cho Bình An.
Khi bắt đầu tái cấu trúc cho đến khi kết thúc, ông Trí luôn giữ nguyên chế độ lương, thưởng đối với người lao động.
Theo NCĐT