Khi con sóng vay tiêu dùng quay trở lại

Thứ hai, 09/09/2013, 20:50
Đối với nhiều nước, tín dụng tiêu dùng là một phân khúc kinh doanh quan trọng, góp phần tạo nên mô hình ngân hàng bán lẻ hiện đại. Nó tác động tích cực đến nền kinh tế khi hỗ trợ tầng lớp dân cư thu nhập trung bình khá, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chi tiêu và đầu tư, kích thích sức mua.

Đối với Việt Nam, có lẽ lúc này tín dụng tiêu dùng còn quan trọng hơn nữa khi các ngân hàng, công ty tài chính đang bế tắc trong mảng cho vay khu vực doanh nghiệp và cho vay bất động sản, chứng khoán.

Thực ra, tín dụng tiêu dùng đã có thể phát triển với tốc độ nhanh hơn nữa vì thị trường Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn. Nhưng nó đã bị gián đoạn vào cuối năm 2011, khi Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng phi sản xuất để kiểm soát lạm phát. Việc này đã khiến dư nợ tín dụng tiêu dùng từ mức 8,2 tỉ USD (tương đương 7-8% GDP) năm 2010 giảm đến gần một nửa vào tháng 6/2012, theo StoxPlus.

vay tiêu dùng
HDBank vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc mua lại 100% vốn của SGVF.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi từ đầu năm nay khi Ngân hàng Nhà nước nới lỏng dần các điều kiện kiểm soát tín dụng phi sản xuất nhằm bơm vốn ra nền kinh tế nhiều hơn. Chính sách này kết hợp với việc một số kênh tín dụng bị trì trệ đã khiến nhiều ngân hàng, công ty tài chính gia tăng các hoạt động cho vay tiêu dùng nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Một con sóng mới trong lĩnh vực này có lẽ đã bắt đầu xuất hiện khi quy mô tín dụng tiêu dùng dần được cải thiện và tăng đến mức 5-6% GDP như hiện nay, theo số liệu của PPF Vietnam Finance.

Tiềm năng tăng trưởng vẫn còn nhiều vì quy mô tín dụng tiêu dùng của Việt Nam còn khá khiêm tốn so với quy mô tương đương 10% GDP của Indonesia, 42,5% GDP của Malaysia, hay 18% GDP của Thái Lan.

“Nhìn về lâu dài, người tiêu dùng Việt Nam sẽ vững vàng hơn về mặt tài chính và tiêu dùng cá nhân, thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam sẽ dần được nâng cao. Và họ sẽ có điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống. Đó chính là mấu chốt để tín dụng tiêu dùng phát triển”, ông Tay Han Chong, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Mê Kông (MDB), nhận xét.

Theo dự đoán của PPF Vietnam Finance, trong 5 năm kế tiếp, quy mô tín dụng tiêu dùng có thể sẽ tăng lên đến đến 10% GDP, gấp đôi mức hiện nay.

Dĩ nhiên, giành được một phần của chiếc bánh này không phải là chuyện dễ. Thị trường tín dụng tiêu dùng không chỉ có các công ty tài chính nước ngoài tham gia, như Societe Generale Viet Finance (SGVF), PPF Vietnam Finance, Prudential Vietnam Finance, các ngân hàng nhỏ và vừa như VPBank, MDB, KienLongBank, Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB) mà còn cả các ngân hàng lớn như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Từ năm 2006-2010, tốc độ tăng trưởng trung bình của tín dụng bán lẻ, trong đó gồm cả tín dụng tiêu dùng, của BIDV đã lên đến 30,5%/năm.

Dưới sức ép cạnh tranh này, có lẽ mua bán - sáp nhập (M&A) sẽ là chiến lược được các tổ chức tài chính ưu tiên lựa chọn để gia tăng thị phần. Gần đây, Ngân hàng HDBank cho biết đã được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận về mặt nguyên tắc về việc mua lại 100% vốn của SGVF.

Trước đó, Fullerton Financial Services, công ty con của Tập đoàn Temasek (Singapore), đã mua lại 20% cổ phần của MDB, một ngân hàng cho vay tiêu dùng nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long. Hay Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) chuẩn bị sáp nhập với Ngân hàng Phương Tây trong một thương vụ được StoxPlus đánh giá là sẽ giúp PVFC đẩy mạnh dịch vụ tài chính tiêu dùng.

Nhìn chung, cho vay tiêu dùng có thể là lối thoát cho nhiều ngân hàng lúc này. Và cạnh tranh giữa các tổ chức sẽ có thể mang lại nhiều sản phẩm đa dạng hơn và người dân có nhiều cơ hội chi tiêu hơn với những khoản vay có lãi suất thấp hơn. Điều này cũng có thể giúp vực dậy phần nào sức cầu yếu ớt của nền kinh tế, cải thiện tốc độ tăng trưởng.

Nhưng không phải mọi thứ sẽ toàn màu hồng. Cuộc đua cho vay trong phân khúc này có thể sẽ mang lại những hệ lụy không tốt nếu các ngân hàng, tổ chức tài chính vì lợi nhuận mà quên đi rủi ro.

Lấy ví dụ của PPF Vietnam. Dù lợi nhuận cao với hệ số lợi nhuận/vốn (ROE) lên tới 36,7%, nhưng công ty này đã có tỉ lệ nợ xấu lên đến 8,12% vào cuối năm 2011, gần gấp đôi năm 2010. Đối với SGVF, theo một nguồn tin nội bộ (không muốn nêu tên), tỉ lệ nợ xấu hiện cũng đã hơn 2 con số. Gần đây, một ngân hàng có ưu thế cho vay tiêu dùng đã tạm dừng cho vay mua xe gắn máy vì nợ xấu của mảng này đã tăng mạnh.

“Phải thừa nhận rằng mức độ rủi ro hiện tại vẫn còn cao , đặc biệt là đối với các khoản tín dụng không có tài sản bảo đảm. Do vậy, ngân hàng cần phải cân bằng giữa chất lượng tín dụng với tăng trưởng tín dụng, vì vội vàng có thể sẽ dẫn đến lãng phí và làm nợ xấu gia tăng. Người vay cũng nên hiểu giới hạn của mình trước khi nghĩ đến việc nhận bất kỳ khoản vay nào. Lúc này, thận trọng là phương cách tốt cho cả ngân hàng lẫn người vay”, ông Tay Han Chong, Ngân hàng MDB, nhận xét.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn