Theo quy định hiện hành, các ngân hàng (NH) chỉ được huy động VNÐ kỳ hạn dưới 6 tháng với lãi suất không quá 7%/năm; lãi suất tiền gửi USD không quá 1,25%/năm. Thế nhưng, gần đây, nhiều NH đã huy động VNÐ, USD với lãi suất vượt trần. Một số NH còn tăng đua lãi suất tiền gửi VNÐ kỳ hạn dài.
Ngân hàng tăng lãi huy động sẽ gây áp lực tăng lãi suất cho vay, thêm khó khăn cho doanh nghiệp. |
"Nóng" kỳ hạn ngắn
Ngày 5/9 tại một NH ở TP.HCM, chúng tôi gặp một khách hàng muốn gửi tiết kiệm 300 triệu đồng, kỳ hạn 1 tháng với lãi suất cao. Nhân viên NH này dè dặt trao cho khách hàng tờ giấy nhỏ có ghi dãy số 7%+1,5% = 8,5%. Tiếp xúc với chúng tôi, người gửi tiền cho biết NH chỉ ghi trên sổ tiết kiệm lãi suất 7%/năm, đến ngày lấy lãi sẽ chi trả thêm phần lãi suất 1,5%.
Anh Lê Văn Ðược (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho hay tháng trước, anh gửi 1 tỉ đồng, kỳ hạn 1 tháng tại NH V. với lãi suất 8%/năm (7%+1%). Ðầu tháng 9/2013, NH V. tiếp tục tăng thêm 0,5% lãi suất, tính ra lãi thực gửi là 8,5%/năm. Bà Bùi Thị Thành - một cán bộ hưu trí ở quận Bình Thạnh, TP.HCM - cũng cho biết 3 tháng trước, NH mà bà gửi tiết kiệm đã chi trả lãi suất kỳ hạn 1 tháng lên tới 10%, sau đó giảm xuống 9% rồi 8%/năm. "Mới đây, vào ngày đáo hạn, nhân viên NH gọi điện cho tôi thông báo lãi suất tiết kiệm đã tăng lên 8,5%/năm" - bà Thành kể.
Liên hệ với một trưởng phòng giao dịch NH Phương Nam để gửi tiết kiệm 200 triệu đồng và 10.000 USD, chúng tôi được vị này cho biết sẽ chấp nhận chi trả mức lãi suất tiền gửi VNÐ trên 8%/năm, tiền gửi USD là 2%/năm (hiện trần lãi suất tiền gửi USD là 1,25%/năm).
Chống đỡ thiếu hụt vốn
Trao đổi với PV về tình trạng vượt rào lãi suất, lãnh đạo nhiều NH cho rằng thanh tra NH Nhà nước gần như bó tay bởi các NH thương mại đều có chứng từ hợp lệ. Khi nhận được thông tin về vượt trần lãi suất, thanh tra NH Nhà nước chỉ có biện pháp duy nhất là gửi công văn cảnh báo.
"Việc kiểm tra, giám sát lãi suất vượt quy định tại các NH thương mại hiện quá khó" - một phó giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP.HCM thừa nhận.
Theo ông Võ Văn Châu, nguyên Tổng Giám đốc NH Phương Ðông, có thể các NH vượt rào lãi suất đang gặp khó khăn về nguồn vốn nhưng lại không vay được tiền từ NH bạn để khắc phục tạm thời. Từ đó, các NH này phải huy động tiền gửi từ dân với lãi suất cao. Tuy nhiên, một số người cho hay vài NH đang cần vốn để mua vàng trả lại khách hàng. Các NH này từng huy động rồi cho vay bằng vàng từ nhiều năm trước, nay chưa thu hồi được vốn.
Ðối với nguồn vốn huy động trên 6 tháng, do lãi suất được thả nổi nên nhiều NH đang mạnh tay tăng lãi suất. Tại NH Việt Nam Thịnh Vượng, lãi suất kỳ hạn 6 tháng đã lên 8,3%/năm. Ở NH Sài Gòn (SCB), khách hàng lứa tuổi trung niên gửi tiền kỳ hạn 6 tháng được cộng thêm 0,5% lãi suất, tính ra lãi suất tháng đầu tiên được hưởng là 8,8%/năm, đến tháng thứ 2 được cộng thêm 0,12%; tính chung, người gửi tiền được hưởng lãi suất 8,92%/năm.
Lãnh đạo một NH ở TP.HCM tiết lộ nhiều NH đang lo ngại thiếu hụt thanh khoản vào những tháng cuối năm. Vì thế, những NH này tranh thủ huy động vốn vào thời điểm này. Một số NH khác cũng lo ngại mất cân đối nguồn vốn vì nhiều tháng trước đã mạnh tay cho vay, nay phải tăng lãi suất huy động. Thậm chí, có NH đang tính đến phương án huy động 10.000 tỉ đồng theo hướng phát hành trái phiếu và các loại giấy tờ có giá, kỳ hạn 2-3 năm…
Dư nợ cho vay chỉ tăng 5,4% Theo số liệu của NH Nhà nước, tính đến cuối tháng 8/2013, huy động vốn của toàn hệ thống NH tăng 9,5%/năm, trong khi dư nợ cho vay chỉ tăng 5,4%. Trong đó, dư nợ cho vay của 4 NH: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ðầu tư và Phát triển, Công Thương và NH Phát triển nhà ÐBSCL chiếm tới 44% toàn hệ thống nhưng gần như không tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2013, NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng trưởng tín dụng 13,4%, LienVietPostBank tăng 43%, NH Nam Á tăng 12%... |
Theo NLĐ