Doanh nghiệp được bán vốn dưới mệnh giá

Thứ tư, 17/09/2014, 15:21
Nếu không bán hết số cổ phần chào bán trong vòng 3 tháng, chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có thể giảm giá tối đa 10% để thu hút nhà đầu tư, theo quy định mới của Chính phủ.

Chính phủ vừa ban hành Quyết định 51 quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Quyết định là một bước tiến lớn của cơ quan quản lý khi lần đầu cho phép doanh nghiệp Nhà nước được thoái vốn dưới mệnh giá và giá trị sổ sách. Đây được xem là một trong những điểm nghẽn lớn nhất trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước hiện nay.

DNNN-6177-1410940281.jpg

Việc cho bán vốn dưới mệnh giá được kỳ vọng sẽ tháo gỡ điểm nghẽn cổ phần hóa.

Theo quy định mới, việc thoái vốn được thực hiện trên nguyên tắc hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo toàn vốn Nhà nước ở mức cao nhất. Đồng thời, doanh nghiệp phải trích lập bổ sung cho đủ dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính.

Việc chuyển nhượng vốn theo hình thức thỏa thuận chỉ được thực hiện sau khi bán đấu giá cổ phần không thành công (không có hoặc chỉ có một nhà đầu tư tham gia đấu giá). Nếu thỏa thuận không thành công, có thể đề nghị Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mua lại trong thời hạn 60 ngày.

Giá khởi điểm để tổ chức bán đấu giá công khai được xác định trên kết quả của tổ chức thẩm định giá nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách của khoản đầu tư trừ đi dự phòng tổn thất.

Cổ phiếu đã niêm yết có thị giá dưới 10.000 đồng mỗi cổ phần thì bán theo biên độ quy định trên sàn. Nếu sau 3 tháng không bán hết thì giảm giá bán tối đa 10% so với bình quân giá giao dịch thành công của 15 ngày trước đó để bán thỏa thuận.

Đối với công ty chưa niêm yết được định giá thấp hơn mệnh giá thì tổ chức bán cổ phần công khai. Nếu không thành công, doanh nghiệp có thể bán thỏa thuận với giá không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất (trường hợp giá khởi điểm bán đấu giá lần đầu không thành công). Còn nếu nhà đầu tư bỏ cọc hoàn toàn thì giá thỏa thuận không thấp hơn giá đấu thấp nhất. Thời gian hoàn tất việc bán thỏa thuận tối đa là 60 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp tiền mua cổ phần của cuộc đấu giá lần đầu.

Nếu thỏa thuận không thành công thì mức giả khởi điểm để bán lần 2 giảm tối đa không quá 10% so với giá khởi điểm lần đầu.

Đối với trường hợp doanh nghiệp Nhà nước sở hữu từ 5% vốn điều lệ tại các ngân hàng thương mại thì Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét tiếp nhận hoặc chỉ định ngân hàng khác (thuộc khối quốc doanh) mua lại trước khi đề nghị SCIC mua.

Quyết định lần này cũng quy định chi tiết về đăng ký giao dịch và niêm yết trên công khai. Theo đó, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đơn vị cổ phần hóa phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, lưu ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch của công ty đại chúng chưa niêm yết (UpCom).

Trường hợp công ty đáp ứng các điều kiện niêm yết, sau khi thực hiện các thủ tục trên thì trong thời hạn một năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải niêm yết tại các Sở Giao dịch chứng khoán

Quyết định này có hiệu lực với các doanh nghiệp đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần trước ngày 1/11/2014.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn