Tranh biếm họa ông Masayoshi Son. Ảnh: FT
Ông Masayoshi Son - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn Softbank - đã chính thức vượt mặt Chủ tịch công ty bán lẻ Fast Retailing - ông Tadashi Yanai, trở thành người giàu nhất Nhật Bản ngày 16/9 theo số liệu của Bloomberg.
Ông Son sở hữu tài sản ròng trị giá 16,6 tỷ USD, theo Chỉ số tỷ phú Bloomberg, nhiều hơn 0,4 tỷ USD so với gia tài của ông Yanai, hiện đang là người giàu thứ nhì Nhật Bản.
Thông tin này khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi vừa mới đây, ông Son đã thất bại trong việc sáp nhập công ty Sprint kiểm soát bởi SoftBank với T-Mobile của Mỹ, dẫn đến việc có thể Sprint sẽ phải trả cho T-Mobile tới 4 tỷ USD tiền phạt.
Sự mạo hiểm một phần mang lại danh tiếng cho Masayoshi Son, nhưng mặt khác cũng làm hỏng nhiều thương vụ do ông thiết kế trong những năm qua.
Tuy nhiên, chính ý chí không nao núng trước rủi ro và một phong cách đàm phán độc đáo đã biến ông trở thành cảm hứng cho những doanh nhân thế hệ trẻ tại Nhật Bản.
Vậy Masayoshi Son là ai? Tại sao công ty phần mềm nhỏ lẻ một thời của ông đang tiến bước trở thành một trong những công ty thế lực nhất trong lĩnh vực viễn thông toàn cầu?
Hoàn thành chương trình cấp ba trong 2 tuần
Mỉa mai thay, người giàu nhất xứ sở mặt trời mọc lại không mang trong mình dòng máu Nhật.
Ông Masayoshi Son sinh năm 1957, thuộc thế hệ thứ hai của những người Hàn Quốc bị buộc phải di cư đến Nhật Bản vào năm 1945 dưới thời quân phiệt.
Ông Masayoshi Son và robot mô phỏng động tác của người có tên Pepper.
Masayoshi Son có một tuổi thơ đầy cơ cực trong một gia đình làm nghề nuôi heo trong một khu ổ chuột, tại làng Tusu thuộc hạt Saga, vùng Kyushu. Bản thân ông cũng chịu đựng sự kỳ thị khi cắp sách tới trường.
Đến năm 16 tuổi, cậu bé Son quyết định từ giã gia đình đến Mỹ trong một chương trình du học ngắn hạn, nhưng sau đó đã bỏ học tại Nhật Bản và chuyển tới San Francisco vào năm 17 tuổi.
Chưa bao giờ phung phí thời gian, sau khi nhập trường cấp ba mới, chàng thanh niên Son đã lên gặp hiệu trưởng, khẳng định đã biết hết mọi kiến thức trong sách giáo khao, và yêu cầu được làm bài thi tốt nghiệp cấp ba luôn.
Sau khi bị làm phiền nhiều lần bởi cậu học sinh trẻ tuổi, ban quản lý trường học đã nhún nhường và cho phép cậu làm bài thi.
Lúc này, cậu lại lí luận rằng sẽ không công bằng nếu cậu phải làm thi bằng tiếng Anh. Cuối cùng, cậu được phép sử dụng một cuốn từ điển Anh – Nhật lúc làm thi, và tốt nghiệp cấp ba chỉ sau 2 tuần nhập học.
Nhưng đây chỉ là thành công đầu tiên mở ra chuỗi mốc son trong sự nghiệp ngoạn mục của một doanh nhân sau này.
Trắng tay vì liều lĩnh
Đặt ra mục tiêu trở nên nổi tiếng trước năm 30 tuổi, ông Son bắt đầu học kinh tế tại trường UC Berkeley năm 1977.
Trong một lần lướt qua cuốn tạp chí khoa học, ông bị cuốn hút bởi một bức ảnh khá lạ, có hình dạng như sơ đồ một thành phố trong tương lai. Sau khi được người quen giải thích, chàng trai 19 tuổi đến từ Nhật Bản mới biến đó là sơ đồ của một tấm microchip.
theo Chỉ số tỷ phú Bloomberg.
Không lâu sau, ông Son sớm nhận ra có thể kiếm bộn tiền từ máy tính, nên tự ra một mục tiêu khắc nghiệt là mỗi ngày cho ra một ý tưởng kinh doanh mới.
Đến cuối năm, ông nắm trong tay hơn 250 ý tưởng.
Một trong số đó là ý tưởng về một chiếc máy tính nhỏ. Nhưng khi ông mang phác thảo đến hỏi ý kiến thầy giáo, các giáo sư tại đại học California lại cho rằng sẽ đơn giản hơn nếu cậu bắt đầu từ một chiếc máy dịch điện tử bỏ túi.
Thiết bị dịch này sau đó đã được ông đem bán cho Sharp với giá 450.000USD tính theo mệnh giá năm 1978. Ông đã dùng khoản tiền này để gây dựng công ty đầu tiên tại Mỹ.
Một ông chủ bị “khùng”
Ông quay lại Nhật Bản để phát triển một công ty phân phối phần mềm có tên Nihon SoftBank năm 1981 – sau đó được rút gọn thành SoftBank năm 1990.
Trụ sở công ty đặt tại một căn hộ chật chội ở Tokyo, với vỏn vẹn 2 nhân viên.
Ngay ngày đầu tiên, ông Son đã lớn tiếng nói với cấp dưới: “Này các anh, các anh phải nghe lời tôi vì tôi là Chủ tịch công ty. Sau 5 năm nữa, doanh số bán hàng công ty ta sẽ là hàng tỷ yen, cung cấp hàng cho hàng nghìn đại lý. Chúng ta sẽ trở thành nhà cung cấp phần mềm số 1”.
Trớ trêu thay, sau khi nghe bài diễn thuyết hùng hồn trên, hai nhân viên đã vội vã xin thôi việc vì nghĩ sếp mình bị… khùng.
Không nản lòng, ông vẫn xoay xở mọi cách để có được các hợp đồng.
Vì không trực tiếp tạo ra phần mềm, ông Son làm mọi thứ để tiếp cận được với các nhà bán lẻ điện tử thời bấy giờ, cá biệt, có lần ông suýt bị cảnh sát gô cổ khi liên tục xuất hiện không hẹn trước tại công ty bán lẻ thiết bị điện tử Joshin Denki.
Tuy nhiên sau khi lắng nghe ý tưởng của ông chủ doanh nghiệp trẻ, lãnh đạo công ty Joshin Denki đã đồng ý ký hợp đồng phân phối độc quyền với SoftBank.
Sau này, ông Son cũng tiếp cận và đạt thỏa thuận với nhà phát triển phần mềm hàng đầu Nhật Bản – Hudson, nhanh chóng leo lên nhóm công ty top đầu ngành kinh doanh mới nổi này, thâu tóm 50% thị phần thị bán lẻ phần mềm máy tính tính đến năm 1984.
"Liều thì ăn nhiều"
Trong vài năm sau, ông Son nhúng tay vào nhiều dự án ở đa dạng lĩnh vực, từ thiết bị truyền dẫn điện thoại, xuất bản tạp chí, hội chợ triển lãm Comdex đến dịch vụ Internet băng thông rộng, trước khi làm một vụ lớn và thua đậm với quy mô hàng tỷ USD với công ty Kingston Technologies vào cuối những năm 1990.
Sau cùng, Kingston đã mua lại cổ phiếu của ông Son với giá chưa đầy 1/3 mức ban đầu ông bỏ ra.
ông chủ bị "khùng".
Không nhụt chí trước thất bại, khi Yahoo mới thành lập vào giai đoạn 1995, ông Son đã ngay lập tức tiếp cận lãnh đạo Yahoo, và chào mời mua gần 40% cổ phần công ty với giá 105 triệu USD.
Đề nghị này đã làm chính sáng lập gia Yahoo – ông David Yang phải ngỡ ngàng.
“Ai cũng nghĩ ông ấy bị điên. Vì chỉ có điên mới bỏ ra 100 triệu USD mua cổ phần một công ty còn trứng nước. Nhưng đơn giản là vì ông ấy đã nhìn được trước viễn cảnh của 15 năm sau”.
Ông Son đã đúng. Sau gần 2 thập kỷ những người chủ vô danh năm nào của Yahoo nay đã trở thành tỷ phú, khoản đầu tư của ông đã tăng lãi hàng chục lần.
Nói đến các phi vụ đầu tư thành công của SoftBank, không thể không kể tới trường hợp của Alibaba.
Vào năm 2000, ông Son bỏ ra 20 triệu USD đặt cược vào Alibaba – lúc đó chỉ là một cổng điện tử nhỏ kết nối các nhà sản xuất Trung Quốc với người mua ở nước ngoài.
Giờ đây, khi Alibaba lột xác trở thành công ty thương mại điện tử lớn nhất Đại lục, cổ phần của SoftBank được định giá vào khoảng 58 tỷ USD – cao gấp 2.900 lần khoản đầu tư ban đầu, một tỷ suất lợi nhuận không tưởng, không chỉ ở Trung Quốc mà trên toàn thế giới.
Tài khoản Twitter nổi tiếng nhất Nhật Bản
Trong thời gian này, ông như một tượng tài trong làng kinh doanh Nhật, thường được mệnh danh là “Bill Gates của Nhật Bản”.
Phong cách của ông khác với hầu hết CEO công nghệ thời đó: Ông có thiên hướng chấp nhận những thương vụ vô cùng rủi ro, cực kỳ quảng giao, thích sự nổi tiếng.
Ông là người được theo dõi nhiều nhất trên Twitter tại Nhật Bản, thường đăng lên tài khoản những mẩu thông tin đời thường, từ một trận bóng chày thú vị, đến những sự kiện trong ngành công nghiệp điện thoại như “iPhone 5 ra lò rồi. Mỏng! Nhẹ! Nhanh!” cho đến những triết lí thâm thúy về cuộc sống, như “Bạn có ước mơ quá ít không? Bạn bằng lòng với một cuộc sống bình thường ư?” trước khi công bố thương vụ ồn ào của Print – công ty thuộc quyền kiểm soát của SoftBank – mua lại T-Mobile của Mỹ.
Ông Son là người được theo dõi nhiều nhất trên Twitter tại Nhật Bản.
Người doanh nhân này không ngần ngại thể hiện sự tôn sùng với Steve Jobs, ví von Steve là “Leonardo DaVinci của thời hiện đại”.
Lần đầu tiên ông trò chuyện với nhà sáng lập Apple về những sản phẩm như iPhone là giai đoạn không lâu sau khi Jobs trở lại công ty.
Lúc đó, ông Son đã manh nha ý định tấn công ngành công nghiệp di động trong nhiều năm, nhưng đang chờ đợi thứ “vũ khí quyết định”.
Ông từng nói với Jobs: “Anh là người duy nhất trên thế giới có thể cho ra một chiếc điện thoại đột phá”, sau đó hai người đã đồng ý hợp tác nếu ông Son xin được môn bài để mở công ty viễn thông.
Sau khi Apple bắt tay vào sản xuất iPhone, Steve Jobs đã nhiều lần liên lạc với ông Son, hào hứng cảnh báo: “cậu sẽ xón ra quần khi nhìn thấy nó cho mà xem”.
“Vũ khí quyết định” xuất hiện
Sau nhiều năm nỗ lực tấn công thị trường di động, SoftBank trở thành nhà mạng năm 2006, khi mua lại công ty Vodafone Nhật Bản đang thoi thóp với giá 15 tỷ USD.
Năm 2008, thứ “vũ khí bí mật” ông tìm kiếm bao năm đã xuất hiện. Có thể nói, chiếc iPhone được coi như “con gà đẻ trứng vàng” mang lại thế lực cho SoftBank; một thiết bị khiến ông sởn gai ốc lần đầu tiên chạm vào.
Kể từ ngày chiếc iPhone 3G ra đời cho đến nay, SoftBank vẫn là nhà phân phối độc quyền sản phẩm này tại Nhật Bản cho đến khi thêm công ty KDDI được phân quyền bán iPhone 4S vào năm 2013.
Nhưng cần phải nói, iPhone cũng là một thương vụ mạo hiểm đối với ông Son và SoftBank; đối với cả thế giới, đây là chiếc điện thoại mang tính cách mạng, nhưng nhất là tại Nhật Bản.
Khi sản phẩm ra mắt năm 2008, hầu như không một người Nhật nào hiểu chức năng hoạt động của iPhone.
Camera thì không đọc được mã QR, trình duyệt Safari không tích hợp với những trang web của Nhật Bản, mục SMS và email được tách riêng làm hai ứng dụng, khác với thói quen sử dụng ứng dụng 2 trong 1 từ trước tới nay của người Nhật, chưa kể hầu như iPhone không có biểu tượng mặt cười.
Nhưng bằng cách nào đó, SoftBank đã biến iPhone thành chiếc điện thoại thông minh phổ biến nhất Nhật Bản, mặc dù công ty chỉ đứng thứ ba về thị phần.
Công lớn nhất thuộc về CEO Son và chiến lược tiếp thị táo bạo. Khi iPhone không tạo được ấn tượng ban đầu tốt đẹp, SoftBank bắt đầu bán iPhone miễn phí với những gói băng thông không giới hạn cực kỳ rẻ so với các nhà mạng khác.
Người Nhật – vốn tôn sùng hàng nội từ thâm căn cố hữu – đã nồng nhiệt đón nhận lời chào mời này của ông Son, và ngày nay, khi bước chân lên một chuyến tàu điện ngầm tại Tokyo, bạn dễ dàng bắt gặp hàng chục người đang chăm chú nhìn vào màn hình chiếc iPhone trên tay.
Dọa tự tử giữa cuộc họp chính phủ
Ông Son được truyền thông săn đón một phần nhờ triết lí kinh doanh nhân văn. Năm 2011 khi xảy ra thảm họa kép động đất và sóng thần, vị CEO này đã quyên góp 125 triệu USD cho các quỹ từ thiện và hiến trọn vẹn khoản lương trong tương lai tại SoftBank cho các quỹ trẻ em mồ côi trong khu vực.
Ngay sau đó, ông đã bắt tay phát triển và cho ra lò một chiếc điện thoại có chức năng phát hiện phóng xạ, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cũng là tiếng nói tái khẳng định lập trường phản đối năng lượng hạt nhân của ông.
Masayoshi Son và Jack Ma tại Tokyo trong một buổi họp báo năm 2010.
Tuy nhiên, chính sự liều lĩnh trong làm ăn đã nhiều lần biến ông thành trung tâm của nhiều cuộc tranh cãi trên truyền thông Nhật Bản.
Nổi tiếng nhất phải kể đến vụ ông dọa sẽ tự tử trong một cuộc họp chính phủ xoay quanh vụ lục đục với công ty NTT.
Vào năm 2012, ông đã để mất 1,3 tỷ USD giá trị tài sản khi cổ phiếu công ty ông lao đầu đi xuống sau thông báo về thương vụ sáp nhập Sprint và T-Mobile, một sự rủi ro mà nhiều người cho là không đáng.
Vấp phải nhiều sự phản đối tại thị trường Mỹ vì lo ngại trước sự cạnh tranh độc quyền khi hai nhà mạng bậc trung hợp sức, ông Son đã phải từ bỏ thương vụ trong tháng Sáu năm nay vì rủi ro về pháp lý.
Nhưng có thể vị tỷ phú đang “ấp ủ” nhiều kế hoạch mở rộng mới, khi SoftBank bán ra trái phiếu chỉ vài tuần sau khi ông từ bỏ thương vụ sáp nhập trên và phát đi tín hiệu đang tìm kiếm những mục tiêu mới để hiện thực hóa lời hứa đưa SoftBank lọt top 10 công ty “khủng” nhất hành tinh.
“Tôi là một người đàn ông, nên tôi muốn mình là số một”, ông từng khẳng định.
Theo Bizlive