Trồng chuối xây nhà lầu, mua xe hơi

Thứ năm, 18/09/2014, 10:19
“Trong 2 năm đó, vợ chồng em nâng diện tích trồng chuối từ 10ha lên gần 20ha; xây căn biệt thự khang trang và sắm xe hơi...”, Thành chia sẻ trong lần gặp lại tôi mới đây.

Tôi gặp Phạm Năng Thành lần đầu khi anh là 1 trong 5 nông dân của tỉnh Hưng Yên về Hà Nội dự Hội nghị biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ IV (tháng 5/2012). Trong 2 năm đó, vợ chồng anh nâng diện tích trồng chuối  xây căn biệt thự khang trang và sắm xe hơi.

Đi xuyên qua bãi chuối nhà Phạm Năng Thành, nhiều người bảo đi sát gần nhau kẻo bị lạc giữa cơ man những hàng chuối.

Chinh phục cây chuối

Khi theo dõi quá trình làm kinh tế của Phạm Năng Thành, nhiều người cảm nhận được ở anh một tinh thần cầu thị, ham học hỏi và mạnh dạn áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng chuối thành phẩm. Những năm đầu tiên trong nghề, cũng như nhiều hộ khác vùng bãi sông Hồng, Phạm Năng Thành trồng chuối tiêu hồng mà giống được lấy từ chính những cây con do gốc cây mẹ đẻ ra.

Bắt đầu từ năm 2012, Thành trồng chuối tiêu hồng, chuối tây từ cây giống cấy mô và đây chính là bước đột phá giúp anh thành công. Cùng một điều kiện chăm bón, chuối cấy mô cho năng suất cao hơn từ 20-30% so với chuối trồng bằng cây con lấy từ gốc cây mẹ.

Phạm Năng Thành dùng túi nylon bao bọc buồng chuối khi còn non để quả chuối sau này sáng vỏ, mã đẹp.

Phạm Năng Thành dùng túi nilon bao bọc buồng chuối khi còn non để quả chuối sau này sáng vỏ, mã đẹp.

Anh Thành cho biết: “Giống chuối từ nuôi cấy mô có ưu thế là sạch bệnh, sinh trưởng khỏe, nhưng yêu cầu kỹ thuật chăm bón phải tốt. Nếu không chăm bón đúng kỹ thuật, năng suất chuối cấy mô cũng chỉ bằng chuối trồng bằng cây con.

Chính vì điều này nên những hộ trồng nhỏ, lẻ hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm chỉ chọn chuối từ cây con lấy từ gốc cây mẹ”. Có kỹ thuật, anh Thành áp dụng thành công, nhưng cũng có những giải pháp kỹ thuật khi thử nghiệm không đạt như ý muốn.

Chẳng hạn, trong hai năm 2011-2012, Thành hợp tác với một Viện khoa học nông nghiệp sử dụng chế phẩm sinh học làm chậm quá trình chín của quả chuối. Song thí điểm trên đã không thành công khi chuối… không chín được luôn, mà cứ đen dần. Từ năm 2013, Thành đã mạnh dạn tìm hiểu và áp dụng quy trình kỹ thuật trồng chuối theo tiêu chuẩn VietGAP. “Áp dụng tiêu chuẩn VietGAP là để phục vụ cho mục tiêu mở rộng thị trường tiêu thụ…”, Thành thổ lộ.

90% chuối được bán trong nước

Thành là người cẩn trọng, ngay từ ngày đầu anh đã xác định dù có mở rộng diện tích trồng chuối và tăng sản lượng thu mua chuối thành phẩm đến đâu cũng phải xuất phát từ việc xây dựng thị trường tiêu thụ trong nước. Điều này rất khác so với nhiều người trồng chuối hiện nay vẫn trông chờ và chú trọng vào thị trường Trung Quốc.

“Những ngày đầu, vợ chồng em ngược xuôi lo bán cây chuối giống, bán chuối buồng. Đặt chân tới tỉnh nào là xác định gây dựng được hệ thống đại lý ở ngay địa phương đó. Cứ thế, từ một vài tỉnh rồi lan ra dần dần. Đến nay, hệ thống đại lý tiêu thụ chuối của gia đình em đã trải rộng từ Bắc chí Nam, lên tận Tây Nguyên...”, Thành nhớ lại.

Chính vì xây dựng được thị trường nội địa ổn định nên sản lượng tiêu thụ chuối tăng lên từng năm. Hiện hơn 90% sản lượng chuối do Thành trồng và thu mua trong vùng là để tiêu thụ nội địa. Thành chỉ xuất bán sang Trung Quốc khi giá tốt, có đơn hàng rõ ràng và giao tiền trước. Bởi theo Thành, thị trường Trung Quốc khá rủi ro, lúc họ mua rầm rộ thì giá cao, nhưng đột ngột ngừng thu mua thì giá rớt thê thảm. Chính vì vậy, phải tính toán kỹ và nắm được phần thắng trong tay thì mới làm ăn với thương lái Trung Quốc.

Xác định thị trường trong nước là chủ đạo, nên Thành đang gấp rút hoàn thiện áp dụng quy trình trồng chuối theo tiêu chuẩn VietGAP và đăng ký nhãn hiệu trang trại chuối “3T”. Đó cũng là những bước Thành chuẩn bị kỹ cho việc mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước qua hệ thống cửa hàng bán thực phẩm an toàn và siêu thị. “Tôi đã vào nhiều siêu thị tham khảo, trong đó họ bày bán một loại chuối tiêu nhập từ Philippines. Chuối mã đẹp, nhưng ăn chua và bở, tiêu thụ được qua hệ thống siêu thị là bởi mẫu mã đẹp và có đăng ký nhãn hiệu.

Thành đã tự đặt câu hỏi: “Chuối tiêu hồng của Việt Nam quả chín vàng tươi, ngọt sắc và thơm tại sao lại không tiêu thụ được trong siêu thị? Chuối Philippines bán giá 37.000 đồng/kg, chuối tiêu hồng của Việt Nam chỉ cần bán với giá 18.000-20.000 đồng/kg là đã thắng rồi”.

Đi sau nhưng bước nhanh

Sinh năm 1979 ở thôn Ninh Tập, xã Đại Tập, trong nghề trồng chuối đất Khoái Châu, Phạm Năng Thành là người đi sau. Khi cây chuối tiêu hồng đưa từ đất Lý Nhân (Hà Nam) về bén rễ trên cánh đồng bãi Khoái Châu, Thành mới 16 tuổi. Mấy năm đi Nam làm thuê vất vả, Thành quay trở lại quê nhà. Vườn nhà Thành lúc ấy đang được bố anh trồng cam Vinh, bưởi Diễn. Sau khi học hỏi kinh nghiệm trồng chuối từ những bậc đàn anh đi trước, Thành quyết định thay cây cam, bưởi bằng cây chuối tiêu hồng.

Năm 2004, anh trồng thử 10 sào. Thành nhớ lại: “Ngày ấy vất vả lắm, trồng được buồng chuối vợ chồng lại phải vận chuyển ra bến phà qua sông Hồng sang bên Hà Nội để bán. Có chuyến bán chậm, có chuyến bán nhanh, nhưng tựu trung lại cây chuối vẫn cho nhiều tiền hơn cam, bưởi. Hơn nữa, tôi thấy khỏe nhất là trồng chuối không phải dùng thuốc sâu như trồng cam, bưởi…”.

Hiệu quả kinh tế cao nên có bao nhiêu đất ruộng, đất vườn Thành đều cho trồng chuối. Đất nhà hết, Thành đi thuê, mua lại ruộng vườn của nhiều hộ khác trong xã để trồng chuối. Năm 2011, Thành đã có hơn 10ha đất trồng chuối với doanh thu hơn 3 tỷ đồng. Năm 2014, diện tích trồng chuối của vợ chồng anh đã lên tới xấp xỉ 20ha với doanh thu ước đạt hơn 7 tỷ đồng.

Trong số gần 20ha đất trồng chuối hiện nay của Thành, thì có tới hơn 1/3 diện tích trồng chuối tây cấy mô. Cũng như chuối tiêu hồng cấy mô, chuối tây cấy mô phát triển khỏe, ra hoa kết trái và cho thu hoạch đồng loạt. Ở thời điểm giá cao, 1 buồng chuối tây có giá tới vài trăm ngàn đồng. Ngoài bán quả, việc bán hoa chuối cũng giúp anh thu về được số tiền kha khá.

Ở tuổi 35, Phạm Năng Thành đã có trong tay nhiều thứ như nhà lầu, xe hơi, một gia đình hạnh phúc. Trong mắt các bậc đàn anh nghề trồng chuối, Thành là người đi sau nhưng có bước đi nhanh, bền vững.

Trang trại trồng chuối và công việc kinh doanh chuối của anh Phạm Năng Thành đang tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động với mức lương trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng. Thành cũng là một trong những nông dân giỏi tích cực giúp đỡ, hỗ trợ các hộ khác trong và ngoài xã cùng phát triển nghề trồng chuối.

Theo Zing

Các tin cũ hơn